Nợ xấu VPBank về dưới 3%, lợi nhuận có thể giảm gần 7%

SSI cho rằng nợ xấu của VPBank sẽ được kiểm soát dưới 3%, tuy nhiên lợi nhuận sẽ giảm gần 7% so cùng kỳ. 

Theo Chứng khoán Sài Gòn (SSI), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, HoSE: VPB) đã tổ chức một cuộc họp chuyên viên phân tích vào ngày 5/5/2020, cung cấp thông tin về tình hình hiện tại của ngân hàng, cũng như triển vọng năm 2020. 

Cụ thể, VPB sẽ giảm cho vay đối với 3 phân khúc chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ Covid-19, bao gồm doanh nghiệp siêu nhỏ, khách sạn và tài chính tiêu dùng. 

Kể từ giữa tháng Ba, VPB đã áp dụng các biện pháp thắt chặt tín dụng để giảm thiểu rủi ro, đặc biệt là trong các phân khúc này. 

Cụ thể, ngân hàng sẽ ngừng cho vay đối với các khách hàng mới và tập trung vào các khách hàng hiện tại có rủi ro hoạt động thấp trong các ngành không bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Những biện pháp này sẽ được áp dụng trong 3 tháng. Kết quả ban đầu của biện pháp này là tăng trưởng các khoản vay có tài sản thế chấp cao hơn (11,5%) so với các khoản vay tín chấp (0,9%) vào cuối Q1/2020. 

VPB đã tái cơ cấu các khoản cho vay đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19, theo Thông tư 01. Tính đến ngày 29/4/2020, ngân hàng đã tái cơ cấu các khoản vay cho 11.895 khách hàng (1,8% tổng số khách hàng), với dư nợ cho vay tương ứng với khoảng 5% tổng danh mục cho vay.

Thời gian tái cấu trúc sẽ kéo dài trong 3 tháng và ngân hàng kỳ vọng 70-80% khách hàng bị ảnh hưởng sẽ phục hồi nếu đại dịch được kiểm soát vào cuối Q2/2020 (ít nhất là đối với Việt Nam). 

Theo ban lãnh đạo, hiện nay VPB đã qua mức đỉnh về số lượng hồ sơ đăng ký tái cấu trúc. Trong kịch bản xấu nhất, ngân hàng cho rằng tổng các khoản vay tái cơ cấu sẽ không vượt quá 6-7% tổng dư nợ cho vay. 

No xau VPBank ve duoi 3%, loi nhuan co the giam gan 7%
 

VPB đặt kế hoạch lãi trước thuế hợp nhất 10.214 tỷ đồng, giảm 1,1% 

VPB đã xem xét nhiều kịch bản khác nhau theo diễn biến dịch bệnh Covid-19 và hoạt động kinh doanh của ngân hàng. 

Theo đó, đối với kịch bản đại dịch được kiểm soát vào Q2/2020, ngân hàng mẹ và FeCredit đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế tương ứng là 6,71 nghìn tỷ đồng (tăng 15,5% so cùng kỳ) và 3,5 nghìn tỷ đồng (giảm 21,9% so cùng kỳ). 

Lợi nhuận trước thuế hợp nhất là 10.214 tỷ đồng, giảm 1,1% so cùng kỳ. 

Ban đầu, VPB đặt kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận trước thuế 25-30% so cùng kỳ cho ngân hàng mẹ và 40% cho FeCredit. 

VPB gần đây đã phát hành văn bản xin ý kiến của cổ đông về nhiều biện pháp khác nhau, bao gồm mua lại tối đa 5% cổ phiếu đang lưu hành, khóa tỷ lệ giới hạn sở hữu nước ngoài ở mức 15% từ mức hiện tại là 22,77% và mua lại trái phiếu quốc tế trị giá 300 triệu USD phát hành vào tháng 7/2019. 

Việc mua lại cổ phiếu đã được tính toán theo lợi ích tối đa cho cổ đông, và sẽ không phải là một động thái tác động đến sức mạnh về vốn của VPB.

Theo ước tính của VPB, việc mua lại (với trị giá tổng cộng 1,5 nghìn tỷ đồng dựa trên giá hiện tại) sẽ khiến CAR giảm 34 điểm phần trăm xuống còn khoảng 10,8%. Trong khi đó, ban lãnh đạo nhấn mạnh việc điều chỉnh giảm room ngoại sẽ tạo ra nhiều room cho nhà đầu tư chiến lược trong tương lai. 

Ước tính khoảng 6,2 – 6,4 nghìn tỷ đồng nợ xấu mới sẽ phát sinh

Dù vậy, SSI vẫn ước tính năm 2020, lợi nhuận trước thuế của VPB chỉ ở mức 9.626 tỷ đồng (giảm 6,9% so cùng kỳ).

Sở dĩ SSI đưa ra con số đó do với ngân hàng mẹ, tăng trưởng dư nợ cho vay chỉ 14,3% (so với 16,8% trong ước tính trước).

NIM điều chỉnh giảm 32 điểm phần trăm còn 4,5%. Cụ thể, lợi suất cho vay được giả định giảm 70 điểm phần trămtrong khi lãi suất huy động ước tính giảm 25 điểm phần trăm. 

Tỷ lệ nợ xấu trước xóa nợ ước tính tăng khoảng 2,7%. Từ những chia sẻ của ban lãnh đạo, SSI giả định khoảng 20-30% (2,3-3,5 nghìn tỷ đồng) nợ tái cơ cấu có thể không thu hồi được và chúng tôi ước tính tỷ lệ nợ xấu trong những quý sau sẽ tăng khoảng 1% - 1,6%. 

Tỷ lệ nợ xấu trước xóa nợ trong 5 năm trước trung bình tăng khoảng 1,6%- 2,7% tổng dư nợ. Do đó, SSI ước tính khoảng 6,2 – 6,4 nghìn tỷ đồng nợ xấu mới sẽ phát sinh trong năm nay.

SSI ước tính ngân hàng sẽ tích cực xóa nợ để giữ tỷ lệ nợ xấu dưới 3% vào cuối năm (nợ xấu 2019 tới 3,42%), khiến chi phí dự phòng tăng trong nửa cuối năm 2020. Nếu VPB chấp nhận để tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu giảm xuống 45% (hay tỷ lệ dự phòng sau thu hồi nợ ở mức 69%), chi phí dự phòng ước tính tăng 9,8% so cùng kỳ hoặc 37% nếu không tính đến dự phòng trái phiếu VAMC trong năm 2019. 

FE Credit tăng trưởng vay gần 3%

Còn đối với FeCredit, tăng trưởng cho vay 2,8%. Tỷ trọng cho vay khách hàng mới trên dư nợ cho vay ước tính giảm 10%, trong khi tỷ lệ cho vay tiền mặt/bán chéo sẽ giảm 5% so cùng kỳ. Thẻ tín dụng ước tính là nguồn đóng góp chính, với tăng trưởng 60%. 

Lãi suất cho vay trung bình giảm 57 điểm phần trăm, do thay đổi cơ cấu sản phẩm cũng như các chương trình ưu đãi tất toán nợ trước hạn và tái cơ cấu các khoản vay cho khách hàng. 

Theo ban lãnh đạo, nếu công ty áp dụng các biện pháp tiết chế bán hàng, tỷ lệ lỗ trong toàn bộ vòng đời của sản phẩm sẽ dao động từ 2,3% đến 16,2% - giảm so với mức 2,7% đến 21% trước đó. Tỷ lệ lỗ trong vòng đời của sản phẩm là tỷ lệ phần trăm của khoản vay không thể thu hồi trong toàn bộ thời hạn khoản vay. 

Năm 2021, SSI ước tính VPB sẽ đạt 11.256 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 16,9%, trong đó 7,6 nghìn tỷ đồng thuộc ngân hàng mẹ, và 3,6 nghìn tỷ đồng thuộc FeCredit. 

Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN