Nợ thuế bằng 8,5% thực thu ngân sách 2017

Báo cáo kiểm toán cho biết, số nợ thuế đến 31/12/2017 bằng 8,5% số thực thu ngân sách nhà nước năm 2017, không đạt mức phấn đấu (5%) theo chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 19/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ.
Gửi Quốc hội báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2018, Tổng Kiểm toán Hồ Đức Phớc cho biết, tổng số nợ thuế do ngành thuế quản lý đến 31/12/2017 là 82.659 tỷ đồng, tăng 0,8% (681 tỷ đồng) so với cùng kỳ của năm 2016 (82.659 tỷ đồng/81.978 tỷ đồng).
Trong đó nợ có khả năng thu giảm 12,5% (6.416 tỷ đồng), nợ khó thu tăng 26% (6.689 tỷ đồng), nợ chờ xử lý tăng 9% (408 tỷ đồng).
Đáng chú ý là mặc dù tỷ trọng nợ thuế so với thu nội địa (trừ dầu thô) giảm so với các năm trước song hầu hết các địa phương có dư nợ khó thu tăng, trong đó một số địa phương có mức tăng cao. Tp.HCM tăng 25% (1.878 tỷ đồng), thành phố Hà Nội tăng 45,9% (1.671 tỷ đồng), Yên Bái tăng 289% (182,3 tỷ đồng), Lào Cai tăng 170,6% (236,7 tỷ đồng), Thanh Hóa tăng 41,3% (141 tỷ đồng)...
No thue bang 8,5% thuc thu ngan sach 2017
Tổng số nợ thuế do ngành thuế quản lý đến 31/12/2017 là 82.659 tỷ đồng, theo kết quả kiểm toán
Báo cáo kiểm toán cho biết, số nợ thuế đến 31/12/2017 bằng 8,5% số thực thu ngân sách nhà nước năm 2017 (82.658,9/972.319 tỷ đồng), không đạt mức phấn đấu (5%) theo chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 19/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó 55/63 địa phương không đạt mức phấn đấu, đặc biệt 6 địa phương có tỷ lệ dư nợ thuế trên 20%. Gồm, Đắk Nông 26,46%, Bình Phước 25,7%, Bắc Kạn 24,96%, Gia Lai 24,58%, Điện Biên 22,31%, Cao Bằng 20,89%.
Có 31/49 cục thuế được kiểm toán tổng hợp chưa đầy đủ số liệu nợ đọng thuế 4.130 tỷ đồng, Tổng kiểm toán cho biết.
Theo kết quả kiểm toán thì ngoài các nguyên nhân do tình hình kinh doanh khó khăn, thua lỗ, không chấp hành, chây ì, nợ thuế kéo dài thì công tác đôn đốc thu nợ thuế của cơ quan thuế tại một số địa phương chưa quyết liệt, áp dụng các biện pháp cưỡng chế chưa kịp thời, triệt để. Một số cơ quan thuế chưa hoàn thành chỉ tiêu phấn đấu của ngành về thu hồi nợ đối với các khoản nợ thuế có khả năng thu đến 31/12/2016, phân loại nợ chưa chính xác.
Về nợ thuế do ngành Hải quan quản lý, cơ quan kiểm toán cho biết nợ quá hạn đến 31/12/2017 là 6.836 tỷ đồng, giảm 7,8% (578,08 tỷ đồng) so với năm 2016, bằng 2,3% số thu ngành Hải quan năm 2017 (6.836 tỷ đồng/296.415 tỷ đồng). Cụ thể, nợ quá hạn về thuế tạm thu giảm 21% (403 tỷ đồng), nợ quá hạn về thuế chuyên thu 5.303,3 tỷ đồng, giảm 3,2% (175 tỷ đồng). Tuy nhiên còn 11/36 Cục Hải quan có số nợ đọng thuế chuyên thu quá hạn tăng so với năm 2016.
Nợ đọng xây dựng cơ bản thiếu cập nhật
Dẫn báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Kiểm toán Nhà nước cho biết tổng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 bố trí để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản nguồn ngân sách Trung ương 9.869 tỷ đồng, số phân bổ 4.927 tỷ đồng, số chưa phân bổ đến 31/12/2017 là 4.942 tỷ đồng.
Nhưng, qua kiểm toán cho thấy chưa có quy định về trách nhiệm tổng hợp số liệu nợ đọng xây dựng cơ bản hàng năm và tổng hợp phương án trả nợ xây dựng cơ bản từ kế hoạch đầu tư trung hạn nguồn ngân sách Trung ương do địa phương quản lý, nên không có báo cáo cập nhật tổng hợp về tình hình nợ xây dựng cơ bản của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương và không có số liệu tổng hợp số nợ đọng xây dựng cơ bản nguồn ngân sách địa phương, nguồn vốn khác.
Tổng hợp số liệu nợ đọng đến 31/12/2017 của 7 bộ ngành, cơ quan Trung ương 1.775 tỷ đồng (ngân sách Trung ương 1.291 tỷ đồng; trái phiếu Chính phủ 369 tỷ đồng; vốn khác 115 tỷ đồng) và 49 địa phương 44.198 tỷ đồng (tổng các nguồn vốn), Tổng kiểm toán cho biết.
Theo Mỹ Anh / VnEconomy

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN