Nợ đầm đìa, Đức Long Gia Lai bị BIDV đấu giá lô đất hàng trăm m2 chỉ 57 tỷ

Lô đất của Đức Long Gia Lai được BIDV đấu giá với mức khởi điểm 57 tỷ đồng, thấp hơn 10 tỷ đồng so với nguyên giá.

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Gia Lai (BIDV, BID) vừa có thông báo về việc bán đấu giá tài sản của Đức Long Gia Lai.

Theo đó, tài sản thực hiện bán đấu giá là 582,7 m2 đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất tại số 97/2, đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh, TP HCM được UBND TP HCM cấp Giấy chứng nhận Quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ngày 7/1/2008 cho CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (DLG). Tài sản gắn liền trên đất là 117,6 m2 sàn gồm 1 tầng và sân.

Giá khởi điểm của tổng khối tài sản này là 57 tỷ đồng. Thời gian đấu giá vào ngày 17/2.

Theo báo cáo tài chính 2019 của Đức Long Gia Lai, quyền sử dụng đất này có nguyên giá là hơn 66,7 tỷ đồng hiện đang cho thuê. Tuy nhiên, trong năm 2019, khối tài sản này đã tăng thêm 12,5 tỷ đồng, nên tính đến cuối năm 2019, có giá trị hơn 79 tỷ đồng.

Như vậy, mức giá khởi điểm mà BIDV đưa ra để đấu giá khu đất này thấp hơn 10 tỷ đồng so với nguyên giá của khu đất.

No dam dia, Duc Long Gia Lai bi BIDV dau gia lo dat hang tram m2 chi 57 ty
Nợ đầm đìa, Đức Long Gia Lai bị BIDV đấu giá lô đất hàng trăm m2 chỉ 57 tỷ 

Vay nợ 3.733 tỷ, cho vay cũng chất ngất

Hiện DLG đang vay ngắn hạn 1.190 tỷ đồng và dài hạn là 2.543 tỷ đồng, gần như không thay đổi so với đầu kỳ. Do đó, chi phí lãi vay năm 2019 vẫn là bài toán đau đầu của DLG khi chiếm tới 361 tỷ đồng, tăng so mức 329 tỷ của năm trước.

Ngoài vay BIDV 257 tỷ đồng, Đức Long Gia Lai còn vay Vietinbank 29 tỷ, Agribank 18 tỷ, Standard Chartered 2 tỷ, Shinhan Bank 5 tỷ... Còn dài hạn là tại BIDV 11 tỷ, Vietinbank 58 tỷ, NCB 371 tỷ, Sacombank 122 tỷ.

Cũng cần nói thêm, mặc dù đang chìm trong vay nợ ngân hàng, nhưng Đức Long Gia Lai vẫn cho vay hàng chục tổ chức và cá nhân khác lên tới hơn 2.000 tỷ đồng.

Trong đó cho vay ngắn hạn là 1.567 tỷ đồng ngoài các đơn vị liên quan còn có 13 cá nhân khác. Còn cho vay dài hạn là 879 tỷ đồng cũng ghi nhận tại tổ chức liên quan và 4 cá nhân.

Dù vậy, sau cùng, DLG vẫn lãi ròng 105 tỷ đồng, gấp 13 lần so mức 8 tỷ của năm 2018.

Theo DLG, trong quý 4/2019, công ty mẹ lỗ thêm gần 33 tỷ đồng do hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, trong khi chi phí tài chính tăng do lãi suất cho vay một số ngân hàng điều chỉnh tăng và phát sinh khoản lỗ đánh giá chênh lệch tỷ giá cuối kỳ đối với gốc vay ngoại tệ hơn 7 tỷ đồng.

Còn ở báo cáo hợp nhất có lãi do các khoản giảm trừ doanh thu giảm 11 tỷ do Công ty TNHH Mass Noble Investments sản xuất và hàng bán ra chiếm đa phần là hàng mới nên hạn chế đổi trả lại và chiết khấu thương mại cũng giảm.

Trong quý 3/2019, DLG vẫn gặp khó khăn nhưng do chuyển nhượng gần 48% vốn tại Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Đồng Phú Hưng cho đối tác và mang về khoản lợi nhuận gần 40 tỷ đồng bù đắp được các khoản chi phí trông kỳ. Còn quý 4/2019 kinh doanh kém phát triển, các khoản công nợ thu quá hạn phải trích lập dự  phòng nợ phải thu khó đói cùng với lãi suất vay tăng nên công ty mẹ thua lỗ.

Tại thời điểm cuối năm 2019, Đức Long Gia Lai ghi nhận 497,5 tỷ đồng chi phí xây dựng cơ bản dở dang, tăng nhẹ so mức 405 tỷ của đầu kỳ. Trong đó, ghi nhận lớn nhất tại dự án nhà máy điện Tân Thượng (365 tỷ), dự án chăn nuôi bò (45,6 tỷ), chi phí trồng chanh leo và chuối tại Chư Sê (20 tỷ), dự án DLGL Hotel Pleiku (21 tỷ), dự án thủy điện Đồng Nai 6 (11,7 tỷ)…

Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu DLG đang giao dịch tại mức giá 1.850 đồng/cổ phiếu vào 11 giờ sáng 30/1, giảm hơn 10% trong vòng 1 tháng qua.

Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN