Những vấn đề 'nóng hổi' cổ đông quan tâm khi dự Đại hội cổ đông

Tại mỗi dịp Đại hội cổ đông, vô vàn vấn đề được cổ đông quan tâm nhưng đa phần cổ đông thắc mắc hơn cả là về cổ tức, giá cổ phiếu, định hướng của ban lãnh đạo…
Con số lợi nhuận ra sao, định hướng như nào…?
Cái mà phần lớn nhà đầu tư quan tâm đó chính là con số lợi nhuận của doanh nghiệp như thế nào, theo đó là các kế hoạch hướng đi cụ thể ra sao.
Bên cạnh đó, cổ đông còn lo ngại cho doanh nghiệp khi gặp phải những yếu tố khách quan, bất ngờ như dịch COVID-19 hay bạo loạn,...
Gần đây nhất thì Ngân hàng BIDV (BID) đã tổ chức thành công ĐHĐCĐ thường niên 2021, tại cuộc họp này cổ đông khá quan tâm đến tình hình kinh doanh của BIDV chi nhánh Myanmar khi đất nước này đang gặp vấn đề bất ổn chính trị.
Trước sự quan tâm này của các cổ đông, ông Phan Đức Tú - Chủ tịch HĐQT BIDV chia sẻ, BIDV nhận thấy đây là thị trường tiềm năng với dân số 54 triệu người, trình độ dân trí cao.
BIDV đã nghiên cứu thị trường này cách đây từ 10 năm cho thấy, tỷ lệ sử dụng ngân hàng của người dân Myanmar rất thấp để thấy, dư địa kinh doanh ở đất nước này là rất lớn, trong khi mới chỉ có 44 ngân hàng, bao gồm cả BIDV.
“Thị trường này BIDV bắt đầu có lãi. Đồng thời, chính phủ nước sở tại đã đồng ý cho BIDV đổi từ chi nhánh ngân hàng nước ngoài thành ngân hàng con. Điều này là thuận lợi, bởi trước đây là chi nhánh chỉ được tiếp cận các doanh nghiệp FDI. Sau khi chuyển đổi thành ngân hàng con sẽ có những khó khăn nhưng sẽ được khắc phục”, ông Tú nói.
Về bất ổn chính trị, ông Tú cho biết, do Myanmar là quốc gia đa sắc tộc, chế độ chính trị chưa theo đường hướng cố định nhưng không ảnh hưởng lâu dài về sự phát triển của BIDV.
“Tôi kỳ vọng, sang năm hoặc sang năm nữa thì tình hình chính trị ở đây sẽ ổn định hơn. Đây sẽ là thời điểm chúng ta nắm bắt cơ hội kinh doanh”, ông Tú tin tưởng.
Nhung van de 'nong hoi' co dong quan tam khi du Dai hoi co dong
 Một cổ đông chất vấn ban lãnh đạo trong ĐHĐCĐ.
Tỷ lệ cổ tức?
Bên cạnh về vấn đề lợi nhuận, các cổ đông còn rất quan tâm đến vấn đề cổ tức chia ra sao, tỷ lệ phần trăm như thế nào, chia bằng hình thức tiền mặt hay bằng cổ phiếu,…
Nếu doanh nghiệp làm ăn ổn định và có dành chút thành quả cho cổ đông thì sự việc chả có gì, thuận tình cả 2 bên nhưng nhiều cổ đông rất phản đối việc doanh nghiệp thu lợi nhưng không chia cổ tức.
Đơn cử như tại Ngân hàng Sacombank (STB), vào Đại hội tháng 6/2020, cổ đông liên tục chất vấn việc tiếp tục không được chia cổ tức năm 2019 dù Ngân hàng vẫn “ăn nên làm ra”, đây là năm thứ 3 liên tiếp cổ đông ngóng trông nhưng không nhận về đồng cổ tức nào.
Phân trần về vấn đề này, ông Dương Công Minh - Chủ tịch HĐQT Sacombank cho biết lợi nhuận tích lũy của Sacombank đến hết năm 2019 đạt hơn 4.000 tỷ đồng nhưng ngân hàng là đơn vị kinh doanh có điều kiện nên phải được Ngân hàng Nhà nước đồng ý mới được chia.
Trong năm qua, HĐQT Sacombank cũng đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chấp thuận phương án chi trả cổ tức cho cổ đông, trả cổ tức bằng cổ phiếu từ lợi nhuận giữ lại phù hợp với kết quả tài chính hằng năm nhằm nâng cao vị thế của Sacombank trên thị trường và đảm bảo hài hòa lợi ích của cổ đông; tuy nhiên đến nay vẫn chưa nhận được ý kiến phản hồi.
Ngân hàng Techcombank (TCB) cũng có lịch sử nhiều năm liền không chia cổ tức từ năm 2013-2017 dù lợi nhuận thu về rất lớn. Đến khi niêm yết cổ phiếu vào tháng 6/2018, TCB đã tiến hành chia thưởng cho cổ đông bằng cổ phiếu theo tỷ lệ 1:2.
Thế nhưng sang năm 2018 và năm 2019, Techcombank lại tiếp tục không chia cổ tức dù lợi nhuận còn để lại đến hết năm 2019 là 17.634 tỷ đồng. Nhà băng này lý giải lợi nhuận được giữ lại để phục vụ cho nhu cầu hoạt động.
Tương tự, cổ đông của CTCP bất động sản và đầu tư VRC (VRC) từ năm 2012-2018 cũng không được chia đồng nào dù lợi nhuận lũy kế hết 2018 là 319,8 tỷ đồng.
Ngoài ra cũng có trường hợp doanh nghiệp dự định chia cổ tức bằng cổ phiếu tuy vậy cổ đông chỉ muốn chia bằng tiền mặt.
Tuy vậy việc chia cổ tức bằng tiền hay cổ phiếu, ngoài ý chí chủ quan của cổ đông, ban lãnh đạo doanh nghiệp, trong nhiều trường hợp chịu tác động của chiến lược kinh doanh dài hạn của doanh nghiệp, và khi chia cổ tức bằng tiền thì ban lãnh đạo sẽ căng não về dòng tiền…
Hỏi về thị giá cổ phiếu…
Hết quan tâm về lợi nhuận rồi cổ tức thì lập tức cổ đông hỏi ngay về tình hình giá cổ phiếu của Công ty. Đặc biệt là trong trường hợp cổ phiếu của doanh nghiệp bị thay đổi mạnh (mà bi quan hơn là giảm mạnh) do có liên quan đến yếu tố giao dịch cổ phiếu của cổ đông lớn, cổ đông nội bộ, phát hành thêm, hoặc không hoàn thành kế hoạch kinh doanh.
Trong không ít cuộc họp, nhiều cổ đông đã đứng lên chất vấn với nội dung: đề nghị doanh nghiệp có chương trình truyền thông phù hợp để hỗ trợ giá và thanh khoản.
Còn nhớ tại Đại hội của Địa ốc Hoàng Quân (HQC) vào năm 2020, cổ đông có đưa ra những ý kiến gay gắt về việc thị giá cổ phiếu "bèo bọt" lình xình ở mức... 1.000 đồng/cp.
Từng là một doanh nghiệp dẫn đầu trong phân khúc nhà ở xã hội toàn khu vực phía Nam những năm 2014-2015 nhờ hưởng lợi từ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, bước sang năm 2016, khi chính sách nhà ở xã hội thay đổi đã khiến Hoàng Quân lao dốc không chỉ về chỉ số kinh doanh mà cả về giá cổ phiếu.
Khi ấy, Chủ tịch HĐQT Trương Anh Tuấn phân trần: "5 năm qua là tâm điểm bão táp, thất bại trong những dự án nhà ở xã hội. Giá cổ phiếu lao dốc, còn ngân hàng thì rút vốn tín dụng".
Ông Tuấn thừa nhận nhiều năm qua vẫn chưa thực hiện được lời hứa cải thiện thiếu sót này, thậm chí giá cổ phiếu cứ ngày càng xuống thấp hơn. Tuy nhiên, Chủ tịch HĐQT Công ty khẳng định không "bắt tay" với bất kỳ đội nhóm nào "làm giá" cổ phiếu, vì việc này chỉ mang lại lợi ích cho một nhóm nào đó và không có lợi cho cổ đông.
Tương tự, tại Đại hội của CTCP Licogi16 (LCG), các cổ đông cũng tỏ ra bức xúc khi ban lãnh đạo tỏ ra tự tin với những chiến lược kinh doanh được “vẽ” ra nhưng lại để cổ phiếu rơi vào khủng hoảng, thậm chí có lúc rơi về 4.000 đồng/cp, dẫn đến tình trạng phát hành cổ phiếu tăng vốn không có người mua.
Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN