Những thương vụ tỷ đô của ngân hàng Credit Suisse ở Việt Nam

Được mệnh danh là “bà đỡ vốn”, Credit Suisse đã tham gia thu xếp vốn và ghi nhận các khoản vay với nhiều doanh nghiệp, tập đoàn Việt Nam.

Nhung thuong vu ty do cua ngan hang Credit Suisse o Viet Nam-Hinh-2

Ngân hàng Credit Suisse. Ảnh: CNBC.

Ngân hàng UBS vào sáng sớm ngày 20/3 (giờ Việt Nam) đã công bố việc mua lại ngân hàng Credit Suisse. Thương vụ này được khởi động bởi Bộ Tài chính Thụy Sĩ, ngân hàng trung ương Thụy Sĩ, và cơ quan giám sát tài chính nước này (Finma).

Việc mua lại được kì vọng sẽ hoàn thành các thủ tục trong năm nay, bao gồm việc UBS bổ nhiệm nhân sự tại Credit Suisse để đảm bảo việc vận hành.

Giới chuyên gia nhìn nhận những biến động thời gian qua nhiều khả năng sẽ khiến cho một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn tại Việt Nam mất đi một đối tác lớn trong việc huy động vốn. Đáng chú ý, thậm chí mức độ ảnh hưởng sẽ còn lớn hơn khi chủ mới Credit Suisse nhiều khả năng sẽ bán và/hoặc tìm cách thu hồi các khoản nợ.

Credit Suisse là cái tên không quá xa lạ với giới đầu tư Việt Nam. Đây là nhà tài trợ vốn quen thuộc, được mệnh danh là “bà đỡ vốn” cho nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong nước.

Cái tên đầu tiên có thể kể đến là CTCP Bất động sản BIM (BIM Land). Theo đó, BIM Land vào ngày 7/5/2021 đã phát hành 200 triệu USD (khoảng 4.600 tỷ đồng) trái phiếu mã BIMCD2126001, kỳ hạn 60 tháng, đáo hạn ngày 7/5/2026. Trái phiếu phát hành nhằm bổ sung quy quy mô vốn hoạt động hoặc thực hiện các dự án đầu tư.

Credit Suisse (Singapore) Limited cùng Standard Chartered Bank (Singapore) Limited và UBS AG Singapore Branch là các bên tham gia bảo lãnh phát hành, trong đó Credit Suisse (Singapore) Limited đóng vai trò bảo lãnh phát hành chính. Tài sản đảm bảo được ghi nhận là do một bên thứ 3 thuộc hệ thống BIM bảo lãnh.

BIM Group là một tập đoàn lớn, nắm trong tay danh mục nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng quy mô lớn ở Hạ Long, đó là khu đô thị Halong Marina (diện tích 248 ha) gồm các dự án thành phần như: Grand Bay Halong (6,6 ha), Green Bay Village (10 ha), Royal Lotus Resort & Villas (4 ha), Little Vietnam (3,3 ha)….

Cái tên thứ hai là CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (NovaLand - HoSE: NVL). Tại thời điểm ngày 31/12/2022, NovaLand ghi nhận khoản nợ tài chính ngắn hạn 1.200 tỷ đồng tại Credit Suisse AG chi nhánh Singapore.

NovaLand cho biết đây là khoản vay có tổng hạn mức 251 triệu USD cho CTCP Nova Hospitality, gồm 2 khoản vay. Trong đó, khoản vay bằng đô la Mỹ được thu xếp bởi Credit Suisse AS Singapore và những bên cho vay hợp vốn khác như Industrieal and Commercial Bank of China Limited, Hongkong Branch; Taichung Commercial Bank Co., Ltd; Taiwam Business Bank; Offshore Banking Branch…

Khoản vay này có kỳ hạn 42 tháng, đã được giải ngân 250 triệu USD và được đảm bảo bằng tổng giá trị tài sản hình thành trong tương của một dự án tại huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Dư nợ của khoản vay này là 81,25 triệu USD, tương ứng khoảng 1.900 tỷ đồng kể trên đến 31/12/2022.

Đáng chú ý hơn, NovaLand còn có các khoản vay trái phiếu với Credit Suisse, tổng giá trị lên đến khoảng 8.200 tỷ đồng.

Trong đó, hơn 7.085 tỷ đồng là khoản huy động vốn bằng việc phát hành 1.500 trái phiếu chuyển đổi ngày 16/7/2021 do The Bank of New York Mellon chi nhánh London với tư cách là đại lý ủy thác và Credit Suisse chi nhánh Singapore thu xếp và làm đại lý phát hành (trái phiếu NVLD2126009). Trái phiếu có tổng trị giá 300 triệu USD, đáo hạn vào 16/7/2026, chịu lãi suất 5,25%/năm. Đây là trái phiếu không có tài sản đảm bảo và có thể chuyển đổi thành cổ phần NVL. Giá chuyển đổi ban đầu được xác định bằng 135.700 đồng/cổ phần, và được điều chỉnh thành 85.000 đồng/cổ phần tại ngày 19/1/2022.

Còn khoản vay trái phiếu 1.154 tỷ đồng là khoản huy động vốn thông qua phát hành 5.543 trái phiếu chuyển đổi và 231 trái phiếu không chuyển đổi vào ngày 19/5/2022.

Gói trái phiếu chuyển đổi có giá trị 5.543 tỷ đồng với kỳ hạn 10 năm, lãi suất cố định 10%/năm, không có tài sản đảm bảo và có thể chuyển đổi thành cổ phần NVL bắt đầu từ tròn 41 ngày kể từ ngày phát hành. Giá chuyển đổi được xác định bằng 93.960 đồng/cổ phiếu.

Gói trái phiếu kèm chứng quyền có giá trị 231 tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm, lãi suất cố định 8%/năm được đảm bảo thứ cấp bằng cổ phần và vốn góp tại 2 dự án. Giá thực hiện chứng quyền ban đầu là 76.984 đồng/cổ phiếu.

Ngoài Bim Group, NovaLand, Công ty VinFast Trading and Investment Pte. Ltd. (một công ty con của Vingroup có trụ sở tại Singapore) vào tháng 7/2022 đã ký kết Thỏa thuận Thu xếp vốn quốc tế với Credit Suisse và Citigroup trong việc tư vấn bảo lãnh cho các giao dịch huy động vốn toàn cầu. Mỗi hợp đồng ký kết có giá trị tối thiểu khoảng 2 tỷ USD, tập trung vào việc xây dựng nhà máy ở Bắc Carolina và các hoạt động đầu tư kinh doanh của VinFast tại thị trường Mỹ.

Không những thế, Credit Suisse Limited (Singapore) trong nhiều năm còn đóng vai trò là đơn vị tư vấn tài chính cho CTCP Tập đoàn Masan (Masan Group – HoSE: MSN) trong các thương vụ huy động vốn quốc tế. Credit Suisse (Hong Kong) Limited cũng từng nắm hàng chục triệu cổ phiếu MSN trước khi chuyển giao cho 5 cá nhân hồi năm 2019.

Tháng 3/2023, Tập đoàn Masan đã công bố hoàn tất chuỗi sự kiện giới thiệu cơ hội đầu tư vào gói tín dụng hợp vốn trị giá 650 triệu USD (khoản vay hợp vốn năm 2023), tương đương hơn 15.000 tỷ đồng.

Gói tín dụng được bảo lãnh phát hành, có sự tham gia của các bên cho vay chính và quản lý sổ đăng ký đầu tư gồm ngân hàng BNP Paribas, Credit Suisse, HSBC, Standard Chartered và ngân hàng United Overseas. Cùng với khoản vay hợp vốn được đăng ký vượt mức trị giá 600 triệu USD vào quý IV/2022, Masan có khả năng huy động gói tín dụng xấp xỉ 1,25 tỷ USD trong 6 tháng qua.

Dữ liệu Nhadautu.vn cho thấy, Tập đoàn Masan trong tháng 3 này đã thế chấp tại Credit Suissee AG – chi nhánh Singapore (cùng với một số nhà băng nước ngoài) các tài khoản tiền gửi, số dư tín dụng….

Credit Suisse AG - chi nhánh Singapore và Tập đoàn FLC (HoSE: FLC) hồi năm 2018 đã đạt thỏa thuận giải ngân gói tín dụng lên tới 200 triệu USD, tương đương hơn 4.600 tỷ đồng. Theo FLC, khoản vay này được đảm bảo bằng quyền góp vốn tại công ty con, nhằm bổ sung vốn cho dự án và vốn lưu động của FLC. Thời hạn khoản vay là 2,5 năm đến 3 năm, theo từng đợt giải ngân.

Tại thời điểm cuối năm 2018, khoản vay này bắt đầu được giải ngân khi FLC ghi nhận với Credit Suisse AG gần 200 tỷ đồng nợ dài hạn đến hạn trả và hơn 498 tỷ đồng vay và nợ thuê tài chính dài hạn. Dù vậy, tính đến cuối năm 2021, FLC đã trả hết khoản nợ 78,5 tỷ đồng, và không còn ghi nhận khoản vay nào với Credit Suisse AG.

Hữu Bật/NĐT

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN