Những ngân hàng lỗ đậm từ kinh doanh và đầu tư chứng khoán

Nhiều nhà băng có lãi thuần từ mua bán chứng khoán giảm mạnh trong quý 3 năm nay, thậm chí thua lỗ do diễn biến thị trường bất lợi. 
Lỗ nặng với chứng khoán
ABBank báo lãi trước thuế quý III/2022 giảm 79%, một phần do các mảng kinh doanh khác như dịch vụ, kinh doanh ngoại hối, chứng khoán kinh doanh và chứng khoán đầu tư đều ghi nhận kết quả kém hơn.
Trong đó, mảng mua - bán chứng khoán kinh doanh quý III/2022 của nhà băng này giảm 95%, lũy kế 9 tháng đầu năm chỉ thu được hơn 63 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước là hơn 194 tỷ đồng. Còn với chứng khoán đầu tư trong quý III/2022, ABBank chỉ ghi nhận chưa tới 2 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước là hơn 43 tỷ đồng.
Với Eximbank, riêng trong quý III/2022, hầu hết mảng hoạt động kinh doanh đều tăng tưởng khả quan, trong đó nguồn thu chính của Ngân hàng tăng 102% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lãi thuần từ chứng khoán đầu tư ghi nhận khoản lỗ 20 tỷ đồng, do ngân hàng đã giảm danh mục chứng khoán để dịch chuyển vốn sang các lĩnh vực đầu tư hiệu quả hơn.
Trái ngược với mảng kinh doanh chính và thu dịch vụ tăng mạnh trong 9 tháng đầu năm, thì hoạt động kinh doanh chứng khoán của ACB ghi nhận lỗ 278 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 380 tỷ đồng. Tương tự, lãi thuần từ chứng khoán đầu tư của Techcombank giảm 63,9% trong 3 quý đầu năm, chỉ thu về 532 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ ghi nhận 1.473 tỷ đồng.
Trong quý III/2022, các hoạt động kinh doanh và đầu tư chứng khoán của VietinBank ghi nhận lỗ lần lượt 136 tỷ đồng và 104 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, mảng chứng khoán kinh doanh và đầu tư của ngân hàng này chỉ ghi nhận lần lượt 79,6 tỷ đồng và 106,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước đạt lần lượt 255 tỷ đồng và 144 tỷ đồng.
Nhung ngan hang lo dam tu kinh doanh va dau tu chung khoan
ABBank báo lãi trước thuế quý III/2022 giảm 79%. 
Cẩn trọng với trái phiếu doanh nghiệp
Thực tế, thị trường chứng khoán thời gian qua giảm mạnh, nhất là trong 2 quý giữa năm, khiến VN-Index rơi từ 1.400 điểm xuống dưới 1.000 điểm hiện nay, do tác động từ các yếu tố bên ngoài cũng như vấn đề nội tại của thị trường. Đáng chú ý là, các vụ việc liên quan đến Tập đoàn FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát... đã khiến thị trường cổ phiếu chao đảo, nhà đầu tư mắc cạn... Vì vậy, không chỉ với mảng chứng khoán kinh doanh và đầu tư, mà các ngân hàng đang tỏ ra thận trọng hơn với trái phiếu doanh nghiệp khi giảm dần tỷ trọng.
Nằm trong nhóm ngân hàng nắm giữ lượng trái phiếu doanh nghiệp nhiều nhất, nhưng Techcombank hiện sở hữu 43.500 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, giảm gần 12% so với quý trước và giảm tới 43,3% so với mức 76.800 tỷ đồng trái phiếu hồi cuối quý I/2022.
Chia sẻ tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư mới đây, ông Phùng Quang Hưng, Phó tổng giám đốc thường trực, kiêm Giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp của Techcombank cho biết, Techombank thực hiện một cách trọng tâm và có lựa chọn phân khúc khách hàng có giá trị cao và có rủi ro thấp.
Khi dịch chuyển sang cho vay cá nhân, thì 80% dư nợ khách hàng tại Tecchombank là vay mua nhà, có thu nhập cao. Bên cạnh đó, phần lớn khoản vay là thế chấp đều có giá trị cao và vị trí tốt.
Trong khi đó, báo cáo tài chính của TPBank cho thấy, giá trị trái phiếu doanh nghiệp mà ngân hàng này sở hữu đã giảm từ 27.589 tỷ đồng cuối quý I/2022 còn 22.300 tỷ đồng cuối quý III/2022. Khối lượng trái phiếu doanh nghiệp mà HDBank nắm giữ giảm gần 50% so với đầu năm nay.
HDBank cho biết, đến cuối quý III/2022, Ngân hàng chỉ nắm giữ 5.400 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, giảm 46,6% so đầu năm (chỉ chiếm hơn 1% tổng tài sản) và đều có tài sản đảm bảo, tổ chức phát hành thanh toán lãi đầy đủ. HDBank tự tin vào danh mục trái phiếu đang nắm giữ.
Thực tế, trái phiếu doanh nghiệp là một khoản đầu tư quen thuộc của các ngân hàng thương mại, tương tự các khoản cho vay. Vì vậy, mua, nắm giữ, bán trái phiếu doanh nghiệp là các hoạt động nghiệp vụ bình thường của ngân hàng. Tuy nhiên, trái phiếu doanh nghiệp đang là sản phẩm khiến thị trường tài chính e ngại, đặc biệt sau các vụ việc Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát.
Rủi ro với cá nhân, tổ chức nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp xảy ra khi chủ thể phát hành mất khả năng trả nợ khi các lô trái phiếu đến hạn. Nguyên nhân có thể đến từ rủi ro trong kinh doanh, khiến doanh nghiệp hụt dòng tiền, không thể đảo nợ, hay sự kiện pháp lý khi chủ doanh nghiệp bị bắt, khởi tố trong các vụ án hình sự.
Vân Linh/Báo Đầu tư

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN