Những cổ phiếu tăng/giảm mạnh nhất trong nhóm VN30 năm 2020

Bất chấp việc chịu nhiều tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn giữ được mức tăng trưởng rất ấn tượng.
 
Tính đến phiên giao dịch 30/12, chỉ số VN-Index đạt 1.097,54 điểm, tương đương tăng trưởng 13,73% tính từ đầu năm.
Đóng góp lớn trong đà tăng của VN-Index chính là nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt là nhóm cổ phiếu VN30, cụ thể, VN30 tại ngày 30/12 đạt 1.059,16 điểm, tăng 20,32%. Trong 30 mã cổ phiếu có 12 mã giảm điểm và 18 mã tăng điểm.
Nhung co phieu tang/giam manh nhat trong nhom VN30 nam 2020
 Cổ phiếu VN30 góp công lớn vào đà tăng của thị trường chứng khoán 2020.
Dẫn đầu đà tăng đó chính là cổ phiếu SSI của Chứng khoán SSI với mức tăng đến 75% so hồi đầu năm. Không chỉ SSI mà nhiều cổ phiếu trong nhóm ngành chứng khoán này đã tăng gấp đôi so với đầu năm như VND, SHS, VCI, SSI…
Đà tăng của nhóm cổ phiếu chứng khoán đến từ sự bùng nổ về thanh khoản của thị trường, đặc biệt trong giai đoạn quý 4 với hàng loạt phiên giao dịch kỷ lục trên 15.000 tỷ đồng.
Đứng thứ hai trong danh sách tăng mạnh nhất nhóm VN30 là cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát với đà tăng 76%. Nói về Hòa Phát, phía sau đà tăng dài của cổ phiếu HPG là kết quả kinh doanh vượt trội trong quý 3/2020 với 3.785 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm trước và đã lập kỷ lục về lợi nhuận sau thuế trong một quý.
Bên cạnh đó, giới đầu tư còn đặt kỳ vọng đối với Hòa Phát trước làn sóng đầu tư công và triển vọng của Khu liên hợp Dung Quất, cùng với sự tăng trưởng mạnh của ngành thép.
Sau HPG thì một loạt cổ phiếu nhóm ngân hàng lọt top tăng trưởng mạnh như STB, CTG, VPB, TCB, EIB. Có thể nói trong năm qua, cổ phiếu ngân hàng mới xác lập lại được các đợt sóng mạnh sau nhiều năm lầm lũi. Mỗi cổ phiếu tạo sóng đều có câu chuyện riêng.
Bắt đầu từ nửa cuối tháng 9, cổ phiếu STB của Sacombank bắt đầu tăng mạnh trước những tin đồn về khả năng có nhà đầu tư đang thâu tóm. CTG của Vietinbank thì tăng mạnh nhất trong nhóm ngân hàng thương mại nhà nước là từ việc có thể được tăng vốn từ cổ đông nhà nước trong thời gian tới, giúp cải thiện hệ số an toàn vốn (CAR) để mở đường cho các mục tiêu phát triển kinh doanh mạnh mẽ hơn.
Hiện tại, báo cáo của nhiều công ty chứng khoán tiếp tục đánh giá cao nhóm ngân hàng và khuyến nghị mua vào. Dù rủi ro nợ xấu vẫn là một vấn đề đáng lưu ý, nhưng với việc mặt bằng lãi suất tiền gửi liên tiếp giảm mạnh trong thời gian qua, đặc biệt việc giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước mới đây, trong khi lãi suất cho vay giảm chậm hơn, đang giúp biên lợi nhuận của nhóm ngân hàng trong giai đoạn trước mắt vẫn duy trì tốt.
Nhung co phieu tang/giam manh nhat trong nhom VN30 nam 2020-Hinh-2
 ROS đội sổ trong nhóm giảm, SSI dẫn đầu đà tăng nhóm VN30 tính đến 30/12.
Một số cổ phiếu trong nhóm VN30 cũng tăng mạnh đó là MSN tăng 48%, REE tăng 33%, POW tăng 17%.
Được biết cổ phiếu MSN ghi nhận thị giá kỉ lục là 95.600 đồng/cp trong ngày 9/11. Động lực tăng trưởng của cổ phiếu MSN đến từ việc liên tục công bố các bước đi chiến lược, các mảnh ghép để thể hiện sức mạnh rõ nét của Masan.
Đặc biệt, chỉ số tài chính của VinCommerce (VCM) liên tục được cải thiện, Masan MEATLife (MML) đưa vào hoạt động Tổ hợp chế biến thịt mát MEATDeli Sài Gòn và chính thức gia nhập thị trường thịt gia cầm thông qua việc góp vốn 51% vào Công ty 3F Việt.
Còn ở nhóm cổ phiếu giảm giá, ROS của FLC Faros “đội sổ” với mức giảm đến 86%, từ mức giá 17.300 đồng về còn 2.500 đồng như hiện tại. Tiếp đến là đà giảm của TCH, VJC, HDB, SAB,…
Theo đó TCH của Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy giảm 38% từ 32.700 đồng về còn 20.200 đồng tại ngày 30/12. Mức giảm này gây bất ngờ vì tình hình kinh doanh của TCH khá tích cực.
Theo BCTC quý 2/2020 (niên độ từ 1/7- 30/9), doanh thu thuần TCH đạt 1.937 tỷ đồng, tăng gấp gần 4 lần so với cùng kỳ năm trước. Lãi sau thuế 439,9 tỷ, tương đương tăng 180%. Sau 1/2 chặng đường, Công ty đã thực hiện được 124% chỉ tiêu doanh thu và 101% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Lý giải về kết quả trên, TCH cho biết hoạt động kinh doanh từ mảng xe thương mại và phát triển bất động sản đã đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng mạnh trong 6 tháng qua của doanh nghiệp.
Đà giảm VJC của Vietjet Air phần nào có thể giải thích do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19. Cụ thể, với hoạt động chính là vận tải hàng không, kết quả hợp nhất quý 3/2020 ghi nhận doanh thu đạt 2.809 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế lỗ 971 tỷ đồng. Theo đánh giá, đây là mức tích cực hơn kế hoạch và rất khả quan so với các hãng hàng không trong nước và trên thế giới.
Chịu tác động kép từ COVID-19 và Nghị định 100 về quy định uống rượu bia khi tham gia giao thông, cổ phiếu SAB của Sabeco cũng có một năm giao dịch kém sắc với mức giảm 12% so hồi đầu năm.
Dù gặp nhiều bất lợi là thế, kết quả kinh doanh của SAB vẫn khá tích cực với lãi quý 3/2020 đạt 1.479 tỷ đồng, tăng nhẹ so với số lãi 1.460 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái dù doanh thu sụt giảm 17% xuống còn 8.052 tỷ đồng. Số lãi này cũng giúp Sabeco tiệm cận quý lãi lớn nhất trong lịch sử - là quý 2/2019 với số lãi sau thuế 1.530 tỷ đồng.
Ngoài các mã kể trên, VN30 ghi nhận một số cổ phiếu kém sắc khác như VRE, GAS, VNM, PNJ, VIC, PLX, FPT.
Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN