NHNN chấp thuận nới 'room' tín dụng cho một số ngân hàng

Theo nguồn tin của Người Đồng Hành, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có văn bản chấp thuận nâng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho một số ngân hàng, trong đó có MB và VPBank.
Cơ quan này đồng ý điều chỉnh dư nợ tín dụng tối đa đến ngày 31/12/2021 của MB, theo đề nghị của nhà băng này từ 10,5% lên 15%. Ngân hàng lên kế hoạch tăng trưởng tín dụng theo kế hoạch kinh doanh của ngân hàng nhưng không vượt quá mức được NHNN thông báo trong suốt năm 2021.
Tương tự, cơ quan điều hành cũng chấp thuận nâng "room" tăng trưởng tín dụng của VPBank từ 8,5% lên 12,1%.
Trước đó, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Chính sách Tiền tệ cho biết Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp nhận và xử lý đề xuất nới, cấp thêm ‘room’ tín dụng mới cho các ngân hàng sử dụng hết chỉ tiêu.
Theo ông Hà, dựa trên kiến nghị của các nhà băng, NHNN sẽ tiến hành đánh giá và đưa ra định mức phù hợp cho mỗi tổ chức tín dụng (TCTD). Việc này cũng tiến hành tương tự như mọi năm, khi nào có ngân hàng yêu cầu, đề xuất sẽ được xử lý.
Vào tháng 6, một số ngân hàng có tình trạng hết “room” tín dụng và thắt chặt giải ngân nhằm kiểm soát không vượt trần. Với các nhà băng được cấp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cao nhất ngành như Vietcombank và Techcombank, hoạt động giải ngân vẫn diễn ra bình thường.
Đầu năm, NHNN đã giao chỉ tiêu tín dụng lần một đến các TCTD trong hệ thống. Nhóm ngân hàng quốc doanh gồm Agribank, BIDV, VietinBank được cấp “room” năm nay 6,5-7,5%, riêng Vietcombank được giao 10,5%. Hạn mức của một số ngân hàng TMCP như VIB, ACB, Sacombank là 8,5-9,5% và MB, VPBank, Techcombank là 10,5-12%. Nhìn chung, mặt bằng "room" tín dụng được NHNN cấp cho các TCTD thấp hơn tổng thể cả năm trước.
NHNN chap thuan noi 'room' tin dung cho mot so ngan hang
 
Những năm gần đây, NHNN thường có 2 lần giao chỉ tiêu tín dụng mỗi năm. Sau khi đưa ra hạn mức tăng trưởng cho từng TCTD vào đầu năm, cơ quan này sẽ tiếp tục có đợt nới “room” lần hai vào nửa cuối năm.
Trong văn bản chấp thuận hạn mức tăng trưởng mới của MB và VPBank, NHNN yêu cầu TCTD tổ chức thực hiện tốt các giải pháp về hoạt động tín dụng nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, đảm bảo an toàn hệ thống và góp phần ổn định thị trường tiền tệ. TCTD cấp tín dụng đối với khách hàng theo đúng quy định của pháp luật, chi đạo của NHNN về các giải pháp hoạt động tín dụng trong năm 2021, kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng phù hợp với năng lực quản lý rủi ro, khả năng huy động vốn, đảm bảo cân đối đủ nguồn vốn để cấp tín dụng, tiếp tục duy trì ổn định mặt bằng lãi suất huy động và giảm lãi suất cho vay.
TCTD phải chấp hành các quy định của pháp luật về tỷ lệ bảo đảm an toàn, giới hạn cấp tín dụng đối với khách hàng, phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro, ngoại hối, quản trị rủi ro và kiểm soát nợ xấu, tăng cường các biện pháp kiểm soát rủi ro tín dụng, thực hiện thẩm định khách hàng chặt chẽ trước và tăng cường kiểm tra giám sát khi cho vay và sau cho vay để đảm bảo chất lượng tín dụng và hạn chế phát sinh nợ cần chú ý, nợ xấu. Rà soát các hoạt động cấp tín dụng, lĩnh vực để phân bố cho phù hợp đảm bảo không tập trung tín dụng vào một, một số khách hàng, lĩnh vực, ngành nghề nhằm ngăn ngừa tối đa các rủi ro có thể xảy ra.
Các ngân hàng cần tập trung tăng trưởng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiền gồm nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Kiểm soát chặt chẽ và hạn chế cấp tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán.... giảm dần tỷ trọng cho vay đối với lĩnh vực bất động sản; tăng cường quản lý rủi ro đối với các dự án BOT, BT giao thông, tín dụng tiêu dùng, kiểm soát chặt cho vay ngoại tệ...
Theo NDH

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN