Nhiều doanh nghiệp niêm yết có lãi kỷ lục trong năm COVID-19

Bất chấp ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp vẫn đạt kế hoạch và chạm mốc lịch sử trong năm 2020.
Doanh nghiệp dẫn đầu về lợi nhuận tính đến hết ngày 25/1 đó chính là HPG của tỷ phú Trần Đình Long. Theo thông tin được công bố, Tập đoàn Hòa Phát (HPG) ghi nhận 26.166 tỷ đồng doanh thu và 4.660 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng tương ứng 43% và 142% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức lợi nhuận kỷ lục lịch sử trong một quý của Hòa Phát.
Lũy kế cả năm 2020, HPG đạt doanh thu 91.279 tỷ đồng, tăng 41% so với năm 2019, ghi nhận đến 13.506 tỷ đồng lơi nhuận sau thuế, tăng đến 78% so với con số 7.578 tỷ đồng năm ngoái.
Lần đầu tiên thép Hòa Phát đạt mức 5,8 triệu tấn thép thô, gấp đôi năm 2019. Trong đó, sản lượng phôi thép và thép xây dựng thành phẩm là 5,1 triệu tấn, còn lại là thép cuộn cán nóng với gần 700.000 tấn.
Riêng thép xây dựng thành phẩm đạt 3,4 triệu tấn, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước. Thị phần thép Hòa Phát vươn lên mức 32,5%. Lượng phôi thép cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước đạt 1,7 triệu tấn, cao gấp hơn 12 lần so với năm 2019.
Lĩnh vực nông nghiệp cũng ghi nhận sự tăng trưởng ngoạn mục, đóng góp tới 11,7% doanh thu và 12,4% lợi nhuận sau thuế.
Một doanh nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi là Dabaco Việt Nam (DBC) cũng có 1 mùa kinh doanh thành công trong năm qua do hưởng lợi từ giá thịt heo tăng mạnh.
Cụ thể, sau khi chuyển sàn lên HoSE, Công ty ghi nhận doanh thu thuần cao kỷ lục kể từ khi thành lập, đạt 10.022 tỷ đồng, tăng 39% so cùng kỳ. Cùng với đó, Dabaco lần đầu lọt nhóm các doanh nghiệp lãi nghìn tỷ đông với khoản lãi sau thuế lên tới 1.400 tỷ đồng, gấp 4,6 lần chỉ tiêu năm 2019.
Nhieu doanh nghiep niem yet co lai ky luc trong nam COVID-19
 Nhiều doanh nghiệp vẫn báo lãi lớn năm 2020.
Còn tân binh sàn HNX - Thaiholdings (THD) của công bố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2020 với doanh thu thuần 1.821 tỷ đồng, gấp 2,3 lần năm 2019.
Giá vốn chiếm 1.645 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp ở mức 176 tỷ đồng, vẫn gấp 2 lần năm 2019. Kỳ này, chi phí tài chính của Thaiholdings tăng vọt gấp 7,7 lần lên mức 21 tỷ đồng. Tương tự, chi phí quản lý cũng gấp 3,2 lần khi chiếm 27 tỷ đồng.
Ngược lại, Thaiholdings ghi nhận khác khủng tới mức 1.134 tỷ đồng, trong khi năm 2019 âm 104 triệu đồng. Sau khi trừ thuế, Thaiholdings lãi ròng hơn 909 tỷ đồng, gấp 19 lần năm 2019. Lãi cơ bản trên mỗi cổ phiếu ghi nhận tới 16.873 đồng, trong khi năm trước chỉ 1.147 đồng.
Song song với kết quả kinh doanh tích cực, cổ phiếu THD cũng là một trong những cổ phiếu nóng và thu hút dòng tiền của nhà đầu tư từ khi lên sàn.
Tính đến kết phiên 25/1, cổ phiếu THD ở mức 159.000 đồng/cp, tăng 763% trong vòng 3 tháng qua, thậm chí tính từ lúc lên sàn (tháng 6/2020) cổ phiếu này đã tăng gấp hơn 10 lần từ mức chào sàn 15.000 đồng/cp.
Doanh nghiệp tiếp theo ghi dấu trong danh sách lợi nhuận kỷ lục là Thế Giới Số (Digiworld, DGW). Trong quý 4/2020, tổng doanh thu của Digiworld ghi nhận 4.017 tỷ đồng, tăng mạnh 61% so cùng kỳ.
Lợi nhuận sau thuế cũng tăng tương ứng 69% lên con số gần 85 tỷ đồng, đây là mức lợi nhuận theo quý lớn nhất từ trước tới nay của Digiworld. Theo Digiworld, tăng trưởng trong quý 4 hoàn toàn từ kinh doanh cốt lõi.
Cụ thể, mảng máy tính xách tay và máy tính bảng ghi nhận doanh thu tăng trưởng 66% khi đạt 1.199 tỷ đồng nhờ sự đóng góp từ các sản phẩm của Apple và Huawei.
Điện thoại di động cũng tăng 68% về doanh thu với 2.228 tỷ đồng nhờ gia tăng thị phần Xiaomi và các dòng Iphone 12 của Apple.
Còn thiết bị văn phòng nhờ tình hình dịch COVID-19 đã được kiểm soát và ổn định hơn nên các doanh nghiệp đã bắt đầu chi tiêu trở lại, các dòng sản phẩm IoTs ngày càng đa dạng, tiện ích và được người tiêu dùg ưa chuộng, do vậy doanh thu mảng này ghi nhận tăng 36% lên 509 tỷ đồng.
Ngoài ra, hàng tiêu dũng cũng đạt doanh thu 81 tỷ đồng, tăng 11% nhờ đóng góp của các hợp đồng đã ký.
Như vậy, tổng doanh thu thuần cả năm 2020 của Digiworld đạt 12.535 tỷ đồng, tăng 48% và lợi nhuận sau thuế 253 tỷ đồng, tăng 56%, tương ứng lần lượt vượt 23% và 25% kế hoạch.
Năm bùng nổ dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp trong ngành y tế được hưởng lợi. Đáng chú ý có Dược phẩm Imexpharm (IMP) báo lãi mức lợi nhuận kỷ lục trong năm 2020.
Theo đó Imexpharm ghi nhận doanh thu thuần giảm nhẹ 2%, còn 1.369 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế tăng 29% lên gần 210 tỷ đồng. Riêng trong quý 4, lợi nhuận sau thuế tăng gần 36% so với cùng kỳ đạt hơn 70 tỷ đồng.
Công ty lý giải nguyên nhân là do cơ cấu lại danh mục sản phẩm để tập trung vào các mặt hàng chủ lực có biên lợi nhuận cao. Ngoài ra, công ty cũng không trích lập Quỹ phát triển khoa học và và công nghệ (năm 2019 có trích 20 tỷ đồng) làm giảm chi phí quản lý doanh nghiệp.
Bên cạnh đó còn có Dược Hậu Giang (DHG) báo lãi sau thuế tăng 17% so với năm trước đó, đạt 739 tỷ đồng. Mặc dù doanh thu trong năm giảm nhẹ 4%, song giá vốn thành phẩm giảm cùng việc tiết giảm chi phí kéo lợi nhuận công ty đạt kỷ lục.
Ngoài ra, còn có một số doanh nghiệp trong ngành bất động sản công nghiệp cũng ghi nhận lợi nhuận kỷ lục như  Sonadezi Châu Đức (SZC), Bất động sản An Gia (AGG) hay Nhà Đà Nẵng (NDN),…
Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN