Nhà đầu tư khóc ròng với loạt cổ phiếu dưới 1.000 đồng

Những cổ đông ôm cổ phiếu này đều rơi vào bế tắc khi cắt lỗ cũng không được, ôm cũng không xong.

Với 1.608 cổ phiếu đang giao dịch trên cả 3 sàn chứng khoán HoSE, HNX và UPCoM thì ghi nhận có tới 706 cổ phiếu dưới mệnh giá 10.000 đồng/cp chốt phiên giao dịch ngày 8/12.

Đây là một con số không hề nhỏ khi mà số lượng này chiếm tới gần 44% toàn thị trường, cho thấy chất lượng của cổ phiếu trên sàn chứng khoán Việt Nam đang ở mức cảnh báo.

Đáng nói, trong số hơn 700 cổ phiếu dưới mệnh giá thì có 60 cổ phiếu hiện giao dịch không bằng ly trà đá, tức dưới mức 1.000 đồng/cổ phiếu và tập trung chủ yếu trên sàn UPCoM.

Hệ quả của những con số bèo bọt này chính là bức tranh phản ánh từ kết quả kinh doanh không mấy tươi sáng, thậm chí là bế tắc của các doanh nghiệp.

Nha dau tu khoc rong voi loat co phieu duoi 1.000 dong
 

Sàn chứng khoán Tp HCM (HoSE) vốn là nơi tập trung của “hàng tuyển” với những quy định niêm yết khắt khe hơn rất nhiều, song vẫn để lọt những cổ phiếu kém chất lượng vào nhóm này chính là LCM của Công ty Khai thác và Chế biến Khoáng sản Lào Cai với giá chỉ 750 đồng/cp.

Hiện cổ phiếu LCM đang bị kiểm soát do lợi nhuận sau thuế cuối tháng 6/2017 là một số âm và tình hình đến nay cũng chưa có gì sáng sủa khi lãi lỗ cứ đan xen nhau.

Với sàn chứng khoán Hà Nội (HNX) thì ghi nhận 11 mã chứng khoán đang giao dịch dưới mức thảm hại này và đều là những cái tên quen thuộc của ngành khoáng sản như KSK, ACM, VMI, BII...

Trong đó, KSK của Khoáng sản Luyện kim màu hiện giá chỉ vỏn vẹn 200 đồng/cp. KSK vừa bị tạm ngừng giao dịch từ ngày 22/11 vừa qua do liên tục vi phạm về công bố thông tin. Hoạt động kinh doanh của KSK hiện đang lỗ 3 năm liên tiếp từ 2016-2018 và năm 2019 này cũng chưa hề có một tín hiệu khả quan nào.

Trong nhóm này có những mà cổ phiếu từng làm mưa làm gió trên sàn HoSE nhưng vì làm ăn thua lỗ buộc phải chuyển xuống sàn UPCoM và hiện đang ghi nhận lỗ lũy kế tới 30/9 khủng như NOS của Vận tải biển và Thương mại Phương Đông (-4.040 tỷ), GTT của Thuận Thảo (-1.392 tỷ), AVF của Việt An (-2.305 tỷ), VST của Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam (-1.999 tỷ), PVV của Vinaconex 39 (-276 tỷ),...

Đặc biệt, cổ phiếu CDO của Tư vấn Thiết kế và Phát triển Đô thị nổi tiếng hành vi thao túng giá chứng khoán của cựu giám đốc chi nhánh Hà Nội Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đông Á khiến vị này bị khởi tố.

Đó mới chỉ là những bề nổi đã được “khui ra” và thể hiện vào giá cổ phiếu. Bởi lẽ, trong số hơn 1.600 cổ phiếu trên sàn vẫn còn những “con sâu” làm rầu nồi canh gần đây như trường hợp “sập sàn” cổ phiếu FTM của Đầu tư và Phát triển Đức Quân, TTB của Tập đoàn Tiến Bộ… khiến nhà đầu tư choáng váng.

Nha dau tu khoc rong voi loat co phieu duoi 1.000 dong-Hinh-2
60 mã chứng khoán có giá dưới 1.000 đồng/cp kết phiên 6/12.

Doanh nghiệp đưa cổ phiếu lên sàn chính là nhằm có kênh huy động vốn dễ dàng hơn để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Song để tối ưu hóa nguồn vốn huy động được từ cổ đông không phải là bài toán dễ dàng nếu doanh nghiệp quá lạm dụng kênh này trong khi đường hướng cũng như thị trường kinh doanh không thuận.

Và người chịu thiệt thòi trước nhất chính là những cổ đông khi doanh nghiệp kinh doanh bế tắc, cổ phiếu lao dốc thảm khốc, thậm chí bị kiểm soát, bị cảnh báo và buộc phải hủy niêm yết… Những cổ đông ôm cổ phiếu này đều rơi vào bế tắc khi cắt lỗ cũng không được, ôm cũng không xong vì không có thanh khoản.

Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN