Nguyễn Bắc Son, Đinh Ngọc Hệ: Thấy gì từ “quan chức” tham nhũng?

Không chỉ quan chức to nhỏ, quan chức trong cơ quan nhà nước mà cả quan chức doanh nghiệp đều liên quan đến tham nhũng và động cơ tham ô, tham nhũng đều là tư lợi, làm giàu cá nhân.
Những vụ đại án tham nhũng được phanh phui trong thời gian gần đây cho thấy tình trạng tham nhũng chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp.
Không chỉ quan chức to nhỏ, quan chức trong cơ quan nhà nước mà cả quan chức doanh nghiệp đều liên quan đến tham nhũng. Dù quan chức nhà nước hay quan chức doanh nghiệp thì động cơ tham ô, tham nhũng đều là tư lợi, làm giàu cá nhân.
Mới đây, vụ việc Nguyễn Bắc Son nhận hối lộ lên tới 3 triệu USD, hai cựu Chủ tịch Đà Nẵng bắt tay Vũ Nhôm làm thất thoát 20.000 tỷ đồng hay trước đó, Đinh Ngọc Hệ tư lợi là một trong những ví dụ điển hình.
Thông tin cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son khai đã nhận hối lộ hơn 3 triệu USD khiến dư luận choáng váng, bất ngờ.
Bởi đây là lần đầu tiên một cựu quan chức từng lãnh đạo Bộ, cũng từng là Ủy viên Trung ương Đảng thừa nhận đã nhận hối lộ tới 3 triệu USD. Chuyện này từ trước đến nay chưa từng có, bởi những vụ tham nhũng, nhận hối lộ trước đó bị phát giác, các bị can cũng chỉ từng giữ những chức vụ nhỏ và số tiền không “khủng” đến như thế.
Nguyen Bac Son, Dinh Ngoc He: Thay gi tu “quan chuc” tham nhung?
Ông Đinh Ngọc Hệ và ông Nguyễn Bắc Son. 
Và càng bức xúc hơn lẽ ra là cán bộ nhà nước giữ chức vụ quan trọng, từng có thời gian phục vụ trong quân đội trải qua những cuộc chiến tranh giành độc lập cho dân tộc như ông Nguyễn Bắc Son lẽ ra phải gương mẫu để làm gương cho cán bộ khác noi theo trong
Tuy nhiên, chỉ vì tư lợi cá nhân, nghĩ rằng nếu việc mua bán thành công thì cổ đông AVG sẽ cảm ơn bằng vật chất, ông Son đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, chỉ đạo cấp dưới làm trái quy định của Nhà nước trong thương vụ AVG.
Sốc hơn nữa, ông Nguyễn Bắc Son được nhận phi pháp số tiền 3 triệu USD nhưng ngân sách nhà nước thiệt hại hơn 6.475 tỷ đồng. Và bất ngờ hơn nữa khi nhận hàng triệu USD nhưng ông Son chỉ mới nộp khắc phục 500 triệu đồng. Số tiền tham nhũng, ông Son khai cho con gái nhưng con gái ông đã phủ nhận và hiện tại số tiền khổng lồ 3 triệu USD ở đâu vẫn còn là ẩn số.
Sự việc trên chưa ngã ngũ thì báo chí tiếp tục thông tin về việc hai cựu Chủ tịch thành phố Đà Nẵng Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến đã bất chấp các quy định của pháp luật, giúp cho Phan Văn Anh Vũ mua các dự án bất động sản giá rẻ, gây thất thoát của Nhà nước trong cả 2 tội danh là gần 20.000 tỷ đồng. Ai cũng biết rằng, số tiền Vũ nhôm được hưởng chênh lệch từ giá rẻ bất động sản ấy là rất lớn và hai cựu quan chức Đà Nẵng cũng không phải vì thiếu hiểu biết mà… ký bừa. Động cơ rút cục cũng vì lợi ích cá nhân mà thôi.
Ngay trong vụ Đinh Ngọc Hệ, một cựu Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc doanh nghiệp nhà nước đã lợi dụng việc buông lỏng quản lý, lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình, Hệ đã chủ mưu, chỉ đạo quyết liệt việc sử dụng xe quân sự, xe biển xanh 80A trái pháp luật; đồng thời chỉ đạo việc hợp thức hóa việc kinh doanh xăng dầu kém chất lượng. Ngoài ra còn mang các hợp đồng thế chấp ô tô mang biển quân sự, biển 80A cho các tổ chức tín dụng để vay, hoặc bảo lãnh vay tiền. Hành vi của Hệ không chỉ trực tiếp xâm hại đến hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước; xâm phạm đến việc quản lý, sử dụng tài sản công, cũng như xâm phạm quy định của nhà nước về kinh tế, kinh doanh xăng dầu, gây thất thoát cho ngân sách nhà nước…
Hàng loạt vụ việc trên cho thấy, thực trạng tham nhũng len lỏi xâm lấn từ một số quan chức nhà nước đến quan chức doanh nghiệp. Nó là minh chứng cho lợi ích nhóm vẫn tồn tại bấy lâu nay tiếp tục được chỉ mặt đặt tên.
Đồng thời cho thấy, cũng cho thấy một tình trạng đáng báo động về sự tha hóa, biến chất của một số cán bộ, quan chức lợi dụng quyền hạn, trách nhiệm để trục lợi. Khi quyền lực trong tay những kẻ tham lam, biến chất, tự chuyển hóa, tự diễn biến thì tham nhũng là điều tất yếu.
Thật nguy hiểm khi những người thực hiện thể chế vì lợi ích cá nhân mà tự tạo cơ chế để tham nhũng, bòn rút tiền ngân sách, bởi nó không chỉ gây thất thoát tiền ngân sách mà còn khiến người dân mất niềm tin vào hệ thống chính quyền.
Dù biết rằng, trước đó ai cũng hiểu sự tồn tại của những thỏa thuận ngầm, những tin nhắn, điện thoại ngầm của các quan chức là những người thực thi công vụ đi đêm với các doanh nghiệp nhưng khó bị vạch trần chân tướng khi nhóm lợi ích đi đêm để đôi bên cùng có lợi thì luôn kín miệng. Nhưng nay, khi vụ AVG được dần sáng tỏ, người ta mới vỡ lẽ ra rằng, những cuộc đi đêm ấy lại công nhiên diễn ra, những giao dịch nhận tiền không chỉ diễn ra tại nhà mà còn ngay tại trụ sở cơ quan nhà nước.
Đồng thời cũng cho thấy, sự bao che của một bộ phận cán bộ, công chức suy thoái trong hệ thống cơ quan công quyền đã tiếp tay cho sai phạm ngang nhiên tồn tại, bất chấp các quy định của pháp luật.
Ngoài ra cũng là ví dụ về những tồn tại, hạn chế trong công tác phòng chống, tham nhũng như các quy định của pháp luật vẫn còn sơ hở, bất cập, tỷ lệ thu hồi xử lý về tiền, tài sản, đất đai trong các vụ tham nhũng còn thấp mà điển hình là ông Nguyễn Bắc Son nhận 3 triệu USD mới chỉ khắc phục được 500 triệu, trong khi số tiền ông Son và các bị cáo khác gây ra gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước hơn 6.475 tỷ đồng.
Điều đáng mừng, qua vụ việc phát hiện và lôi những kẻ tham nhũng ra ánh sáng cho thấy, dù chức vụ to hay nhỏ, quan chức nhà nước hay quan chức doanh nghiệp đều bị xử lý nghiêm minh đã khiến người dân thực sự tin tưởng vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng.theo quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”.
Kết quả bước đầu cho thấy sự khả quan khi nhiều tài sản trong các vụ tham nhũng được thu hồi với số tiền lớn như vụ Giang Kim Đạt hơn 300 tỷ đồng; vụ Hứa Thị Phấn hơn 10.000 tỷ đồng; vụ Ngân hàng Đông Á hơn 2.000 tỷ đồng; vụ Phạm Công Danh (giai đoạn I) hơn 6.000 tỷ đồng; vụ Đinh La Thăng hơn 20 tỷ đồng; vụ Trịnh Xuân Thanh hơn 45 tỷ đồng…
Đó là những thắng lợi thắng lợi của công cuộc đấu tranh, chống tham nhũng, khiến dư luận có niềm tin lớn lao vào công cuộc “đốt lò” vĩ đại đang được tích cực triển khai.
Nhưng dư luận vẫn kỳ vọng ngoài việc xử lý nghiêm những kẻ thoái hóa, biến chất, tham nhũng, tham ô cần kiên quyết thu hồi triệt để tài sản cho nhà nước. Bởi nợ công lớn cũng một phần do các đối tượng này gây ra, không thể để tình trạng nhận hối lộ 3 triệu USD, gây thiệt hại hàng nghìn tỷ mà chỉ khắc phục 500 triệu đồng. Và chỉ khi vừa chịu án tù, vừa bị tịch thu hết tài sản tham nhũng thì mới thực sự đủ sức răn đe.
Người dân đòi hỏi mức độ cao hơn trong công tác phòng chống tham nhũng ngay trong các cơ quan nhà nước cũng như các doanh nghiệp nhà nước phải mang tính gốc rễ. Đồng thời, để công tác phòng chống tham nhũng tiếp tục phát huy hiệu quả cần bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường kiểm soát quyền lực, cả hệ thống chính trị và người dân cần giám sát chặt chẽ không để kẽ hở để các đối tượng có thể lợi dụng gây ra hành vi tiêu cực, tham nhũng.
Tâm Đức

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN