Ngành ngân hàng rủi ro vẫn tiềm ẩn: Khối quốc doanh là lựa chọn tốt?

Chứng khoán Mirae Asset vừa công bố báo cáo phân tích ngành ngân hàng với nhận định hiện tại tình hình rủi ro vẫn tiềm ẩn, do đó khối các ngân hàng quốc doanh sẽ là một lựa chọn tốt.
Tăng trưởng tín dụng có thể chậm lại trong năm 2023 
Nhiều khả năng NHNN sẽ tiếp tục tăng lãi suất điều hành khi hiện nay chỉ mới ngang bằng so với trước dịch Covid-19, trong khi lãi suất điều hành của Mỹ đã vượt mức trước dịch.
Bên cạnh đó, Fed vẫn đang có kế hoạch tăng lãi suất điều hành trong tháng 12 và chưa cho dấu hiệu dừng tăng trong năm 2023, vì vậy, NHNN sẽ rất khó để giữ nguyên mức lãi suất hiện tại do áp lực tỷ giá gia tăng.
Ngoài ra, nhu cầu toàn cầu suy giảm ảnh hưởng xấu đến xuất khẩu, gián tiếp ảnh hưởng đến nguồn thu và dự trữ ngoại hối của Việt Nam. 
Nganh ngan hang rui ro van tiem an: Khoi quoc doanh la lua chon tot?
 
Theo Mirae Asset, các yếu tố vĩ mô bất lợi gia tăng áp lực lên các ngân hàng yếu khi 9 tháng tốc độ tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng nhỏ không bắt kịp so với mặt bằng chung.
Thêm vào đó, kinh tế vĩ mô bất ổn và chi phí lãi vay tăng tác động giảm tăng trưởng tín dụng trong năm 2023. Ngoài ra, các động thái thắt chặt cung tiền như rút tiền đồng qua kênh OMO và bán ngoại tệ nhằm kiềm chế biến động của tỷ giá, được dự báo sẽ tiếp tục duy trì trong ngắn hạn.
Mặt khác, khả năng tiếp tục tăng lãi suất trong thời gian tới vẫn đang bỏ ngỏ, và triển vọng kinh tế chưa khả quan khuyến khích cả doanh nghiệp lẫn cá nhân giảm đòn bẩy tài chính.
Dựa trên các yếu tố bất lợi đã đề cập, NHNN nhiều khả năng sẽ không đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao như các năm trước là 14%.
Nganh ngan hang rui ro van tiem an: Khoi quoc doanh la lua chon tot?-Hinh-2
 
Kỳ vọng tiền gửi sẽ tăng trưởng tốt hơn tín dụng trong quý 4/2022 và năm 2023
Do các sự kiện bất thường có tầm ảnh hưởng lớn đến thị trường TPDN cũng như NHTM tầm trung, sẽ có rào cản để các NHTM nhỏ và vừa có thể huy động từ thị trường tiền gửi, đặc biệt là các ngân hàng yếu hay chưa có sự nhận diện thương hiệu tốt. Lo ngại mất tiền gốc sẽ cần được bù đắp bởi mức lãi suất hợp lý. 
Ngược lại, các ngân hàng lớn, đặc biệt là các ngân hàng quốc doanh sẽ có nhiều lợi thế trong việc huy động tiền gửi với mức chi phí huy động thấp hơn đáng kể. Chênh lệch lãi suất tiền gửi giữa các NH quốc doanh và NHTM trong tháng 11/2022 ở mức 2-3%.
Mirae Asset kỳ vọng tiền gửi sẽ tăng trưởng tốt hơn tín dụng trong quý 4/2022 và năm 2023, dựa trên các giả định sau: 1) lãi suất tiếp tục tăng trong ngắn hạn; và 2) quá trình cơ cấu lại danh mục đầu tư từ các tài sản có tính rủi ro cao như cổ phiếu và trái phiếu sang tiền gửi.
Nhìn chung, với kỳ vọng tăng trưởng tiền gửi phục hồi sẽ phần nào giảm bớt căng thẳng thanh khoản của ngành nói chung.
Thị trường trái phiếu sẽ có nhiều biến động trong ngắn hạn
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) vẫn ảm đạm, dù nghị định 65 đã được ban hành. Trong giai đoạn 10 tháng 2022, tổng khối lượng phát hành của TPDN đạt 265 nghìn tỷ, giảm 51.4% so với cùng kỳ. Trong đó, tổng phát hành của các NHTM và các doanh nghiệp khác lần lượt đạt 136.1 nghìn tỷ và 128.6 nghìn tỷ, giảm 16% và 664% so cùng kỳ. 
Nhìn chung, thị trường trái phiếu sẽ có nhiều biến động trong ngắn hạn, liên quan đến việc rà soát lại mức độ tuân thủ của các doanh nghiệp đã và đang phát hành.
Dù vậy, theo nhận định của Mirae Asset, tiềm năng phát triển của thị trường này vẫn rất lớn. Nếu so sánh với các nước trong cùng khu vực thì tỷ trọng TPDN trên GDP của nước ta hiện đang ở mức thấp với 15% (GDP đã điều chỉnh), trong khi Thái Lan đạt khoảng 97% hay Malaysia 58%.
Nganh ngan hang rui ro van tiem an: Khoi quoc doanh la lua chon tot?-Hinh-3
 
Trong bối cảnh lãi suất điều hành được kỳ vọng tăng, lợi nhuận từ giao dịch các loại trái phiếu có thể chuyển sang trạng thái lỗ trong năm 2022 và 2023. 
Chất lượng tài sản giảm, lo ngại phát sinh ngân hàng không đồng
Tỷ lệ nợ xấu (NPL) của các ngân hàng có sự phân hóa rõ rệt. Tỷ lệ nợ xấu bình quân của các ngân hàng niêm yết tăng lên 2.4% trong quý 3/2022, tăng 0.7% so quý 3/2021 hay 0.3% của quý 2/2022. Tỷ lệ trung bình tăng mạnh do tỷ lệ nợ xấu do tác động từ mức tăng cao của một số ngân hàng có thể kể đến như NVB, VBB, PGB và OCB.
Tương tự như vậy, tỷ lệ nợ xấu mở rộng (bao gồm nợ nhóm 2) tăng từ 3.3% cuối 2021 lên mức 4.1% vào quý 3/2022. Tuy nhiên, các ngân hàng vẫn duy trì được tỷ lệ nợ xấu nội bảng thấp có thể kể đến như VCB, ACB, và TCB.
Lãi suất tăng dẫn đến gia tăng chi phí vay và nợ xấu phát sinh. Chi phí vay gia tăng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng thanh toán của người đi vay, đặc biệt là trong bối cảnh suy thoái kinh tế của các nền kinh tế lớn.
Nganh ngan hang rui ro van tiem an: Khoi quoc doanh la lua chon tot?-Hinh-4
 
Mặc dù tỷ lệ nợ xấu nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng trong giai đoạn quý 4/2022 và 2023, triển vọng chất lượng tài sản của từng ngân hàng sẽ phụ thuộc vào phân khúc khách hàng cũng như phân khúc thị trường mà ngân hàng đang có dư nợ lớn.
Ngoài ra, tỷ lệ nợ xấu gia tăng đột biến của một vài ngân hàng nhỏ cũng dấy lên lo ngại về việc phát sinh ngân hàng không đồng.
Ngoài chất lượng tài sản tương đối thấp, khả năng sinh lời của các ngân hàng nhỏ cũng không cao khiến thu nhập thặng dư trước trích lập dự phòng không đáng kể, dẫn đến chất lượng tài sản khó có thể cải thiện. Thêm vào đó, nhận diện thương hiệu không nổi trội là một chướng ngại lớn cho các ngân hàng này huy động vốn (cả nguồn vốn vay và VCSH), hạn chế khả năng tăng trưởng cũng như áp lực lên khả năng hoạt động liên tục trong giai đoạn khó khăn.
Do tình hình kinh tế chung vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, Mirae Asset ưa chuộng các ngân hàng có chiến lược phát triển an toàn và kinh doanh hiệu quả trong nhiều năm trở lại đây như các ngân hàng sở hữu tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao có khả năng duy trì mục tiêu kép là duy trì tăng trưởng lợi nhuận và chất lượng tài sản tốt.
Nhóm này bao gồm các ngân hàng quốc doanh như VCB, CTG, BID cũng như một ngân hàng tư nhân có bề dày hoạt động hiệu quả như ACB. Các ngân hàng trên có bảng cân đối tốt với lượng đầu tư TPDN thấp và dư nợ phân bổ đồng đều nhiều phân khúc, hạn chế phần nào rủi ro hệ thống.
Ngoài ra, các ngân hàng này có lợi thế về thương hiệu, đặc biệt là các ngân hàng quốc doanh, sẽ là nền tảng tốt trong cả huy động lẫn tránh rủi ro bị rút tiền đột biến.
Chi phí dự phòng và kỳ vọng NIM giảm sẽ là rào cản của tăng trưởng lợi nhuận năm 2023
Lợi nhuận 9T2022 của các ngân hàng niêm yết tăng trung bình 31.6% nhưng sẽ khó duy trì được tốc độ tăng trưởng này trong năm 2023 do các yếu tố như: 1) chi phí dự phòng gia tăng; 2) một số ngân hàng đã ghi nhận hoàn nhập dự phòng trong năm 2022; 3) thiếu động lực tăng trưởng ngoài tăng trưởng tín dụng; và 4) CIR khó có khả năng giảm tiếp do nhu cầu đầu tư công nghệ và marketing lớn.
Mirae Asset vẫn giữ quan điểm thận trọng đối với các ngân hàng có tỷ trọng cho vay doanh nghiệp (đặc biệt là doanh nghiệp lớn) và đầu tư TPDN lớn. Bởi lợi nhuận từ giao dịch các loại trái phiếu có thể chuyển sang trạng thái lỗ trong năm 2022 và 2023. Tuy các ngân hàng này sở hữu tỷ lệ nợ tái cơ cấu và NPL thấp, rủi ro các doanh nghiệp lớn không hoàn thành các nghĩa vụ nợ vẫn có thể xảy ra, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế vĩ mô biến động. Việc này có thể dẫn đến gánh nặng trích lập dự phòng trong dài hạn.
Nganh ngan hang rui ro van tiem an: Khoi quoc doanh la lua chon tot?-Hinh-5
 
Tuy nhiên, các ngân hàng chuyển trọng tâm sang khai thác mảng bán lẻ sẽ thúc đẩy thu nhập từ các hoạt động dịch vụ khác như bán chéo bảo hiểm, phần nào giảm thiểu ảnh hưởng của danh mục trái phiếu.
Định giá hấp dẫn nhưng cổ phiếu vẫn còn rủi ro điều chỉnh
Vẫn có hiện tượng bán tháo tại một số cổ phiếu ngân hàng. Tương tự với đợt giảm sâu từ đỉnh cuối tháng 4/2022, việc bán tháo lại xuất hiện đến từ sự hoảng loạn của các nhà đầu tư cá nhân liên quan đến tin tức tiêu cực, lợi suất kỳ vọng cao hơn, cũng như nhu cầu thanh khoản của các nhà đầu tư.
Đầu tiên, việc tăng lãi suất sẽ làm tăng lợi nhuận kỳ vọng từ các khoản đầu tư rủi ro, gián tiếp tăng mức chiết khấu thu nhập thặng dư. Ngoài ra, tình trạng khan hiếm dòng tiền của các thành phần tham gia thị trường trái phiếu, đặc biệt là bên phát hành và bên bảo lãnh, dẫn đến tình trạng bán tháo cổ phiếu.
Và cuối cùng là các yếu tố bất ổn vĩ mô khiến các CTCK thu hẹp dư nợ cho vay và tăng tỷ lệ ký quỹ, dẫn đến tình trạng thừa cung/thanh lý cổ phiếu một cách không tự nguyện khi tỷ lệ đòn bẩy chạm ngưỡng an toàn.
Nợ cơ cấu và nợ xấu mới phát sinh từ việc tăng lãi suất sẽ tạo gánh nặng lên lợi nhuận của ngành nói chung. Ngoài ra, TPDN cũng có thể tạo ra các cú sốc về rủi ro thanh khoản và rủi ro hệ thống. Đây là rủi ro mà cả nội bộ ngân hàng cũng như các chuyên gia trong ngành khó lượng hóa chính xác.
Nganh ngan hang rui ro van tiem an: Khoi quoc doanh la lua chon tot?-Hinh-6
 
Mức định giá hiện tại theo trailing P/B của các NHTM quốc doanh là 2.1x và NHTM tư nhân là 1.2x, giảm lần lượt 35% và 52% từ đỉnh. Trong ngắn và trung hạn, sẽ rất khó để ngành ngân hàng nói chung lấy lại được mức định giá trên mức trung bình 5 năm (NHTM quốc doanh 2.2x, NHTM tư nhân 1.6x) do các yếu tố vĩ mô tương đối tiêu cực và các rủi ro chính dẫn đến các đợt giảm gần đây sẽ khó được loại bỏ hoàn toàn.
Đối với tình hình rủi ro tiềm ẩn như hiện tại, yếu tố an toàn nên được đặt lên hàng đầu. Mirae Asset cho rằng khối các ngân hàng quốc doanh sẽ là một lựa chọn tốt nhờ 1) định giá tương đối thấp so với mức định giá quá khứ, 2) rủi ro hoạt động liên tục thấp, 3) có sự hỗ trợ tốt từ cổ đông lớn, 4) liên kết nội khối tốt, 5) lợi thế huy động vốn, và 6) dư nợ đối với TPDN tương đối thấp.
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN