Ngân hàng thoái vốn công ty tài chính: Vì sao buông tay 'gà đẻ trứng vàng'?

Gần đây, nhiều ngân hàng đồng loạt thông báo kế hoạch bán vốn các công ty tài chính dù vẫn đang ăn nên làm ra, vậy lý do là gì?
Ngân hàng đồng loạt bán vốn tại công ty tài chính
Ngày 25/8 mới đây, Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB) đã ký kết các thỏa thuận chuyển nhượng vốn điều lệ tại Công ty Tài Chính TNHH MTV Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB Finance) cho Ngân hàng TNHH Đại chúng Ayudhya (Krungsri) của Thái Lan – thành viên chiến lược thuộc Tập đoàn MUFG – Nhật Bản.
Thỏa thuận chuyển nhượng SHB Finance sẽ đem lại nguồn thặng dư vốn đáng kể cho cổ đông của SHB cũng như nâng cao năng lực tài chính và vị thế của SHB.
Đầu quý 2 vừa qua, VPBank đã bán thành công 49% vốn FE Credit cho Công ty Tài chính tiêu dùng SMBC (SMBCCF) – công ty con do SMBC sở hữu 100% vốn. Trong thương vụ này, FE Credit được định giá 2,8 tỷ USD.
MSB cũng đang dự tính bán toàn bộ 100% vốn FCCOM, thay vì mức 50% như dự kiến trước đó. Trong một báo cáo mới công bố, Công ty Chứng khoán Guotai Junan Vietnam (GTJASVN) kỳ vọng MSB sẽ thu về ít nhất 500 tỷ đồng lợi nhuận từ thương vụ bán 100% FCCOM, qua đó bổ sung nguồn lực phục vụ hoạt động kinh doanh của ngân hàng.
HĐQT VietinBank cũng đã phê duyệt việc chuyển nhượng 49% vốn của Công ty tài chính VietinBank Leasing cho Công ty Mitsubishi UFJ Lease & Finance (Nhật Bản) và 1% vốn cho một nhà đầu tư trong nước.
Thật ra xu hướng bán công ty tài chính đã dần phổ biến trong những năm gần đây. Trước đó vào năm 2018, Techcombank cũng đã hoàn tất chuyển nhượng TechcomFinance cho Tập đoàn Lotte Hàn Quốc, dù công ty này chỉ mới có giấy phép kinh doanh và chưa đi vào hoạt động.
Được biết Techcombank đã mua lại Công ty Tài chính cổ phần Hóa chất Việt Nam (VCFC) và đổi tên thành Techcom Finance vào tháng 6/2015.
Hay như Ngân hàng HDBank và Ngân hàng MB cũng đã bán 49% vốn ở công ty tài chính tiêu dùng cho đối tác Nhật Bản. Ở chiều ngược lại, các thương vụ thoái vốn của các nhà băng ngoại như ANZ hay Commonwealth khỏi mảng bán lẻ, tài chính tiêu dùng cũng đều nhanh chóng có các đối tác mua lại.
Ngan hang thoai von cong ty tai chinh: Vi sao buong tay 'ga de trung vang'?
 Vì sao ngân hàng buông tay các công ty tài chính.
Chia sẻ về nguyên nhân của động thái bán vốn tại công ty tài chính, Chủ tịch Đỗ Quang Hiển - “bầu Hiển” cho hay, khi thoái vốn tại SHB FC, bên cạnh lợi ích về thặng dư vốn cho SHB, còn giúp nâng cao năng lực quản trị điều hành, công nghệ, thương hiệu. Đặc biệt, SHB sẽ lựa chọn đối tác nước ngoài nên có sự cộng hưởng, đồng hành về chiến lược kinh doanh lâu dài.
Lãnh đạo VPBank cũng chia sẻ, FE Credit là công ty tài chính nên có thể kêu gọi bán vốn tới 49%, nhưng nếu như vậy thì quyền lợi của ngân hàng mẹ có thể giảm đi.
Tuy nhiên, khi có đối tác chiếm đến 49%, ông Ngô Chí Dũng lại kỳ vọng điều này sẽ đem lại tài chính, công nghệ, kinh nghiệm quản trị điều hành… Hơn nữa, nguồn tiền này sẽ giúp ngân hàng mẹ tăng vốn, giúp tập trung hơn vào các mảng bán lẻ và doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Có thể thấy bán công ty tài chính không có nghĩa là các ngân hàng từ bỏ “gà đẻ trứng vàng” mà là sự thay đổi này tuỳ theo chiến lược kinh doanh của ngân hàng trong mỗi giai đoạn.
Có thể thời điểm này, trước tác động khó khăn từ dịch bệnh, ngân hàng muốn cơ cấu lại hoạt động theo hướng tinh gọn hơn, dành nguồn lực tài chính cho những lĩnh vực cốt lõi đang cần vốn đầu tư nhiều hơn.
Thực tế nhiều công ty tài chính làm ăn ra sao trong nửa đầu năm?
Báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của VPBank cho biết FE Credit giải ngân cho vay khoảng 28.000 tỷ đồng từ đầu năm, nhiều hơn 5% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, doanh số cho vay này thấp hơn rất nhiều so với thời điểm trước khi dịch Covid-19 diễn ra (nửa đầu năm 2019 công ty cho vay 37.000 tỷ).
Với việc chỉ thu về 1.200 tỷ đồng lãi trước thuế, FE Credit chỉ đóng góp khoảng 13% vào tổng lợi nhuận hợp nhất của VPBank nửa năm qua, mức thấp nhất kể từ năm 2016.
Năm 2020, dù kết quả kinh doanh ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19 khiến lợi nhuận giảm 17%, FE Credit vẫn đóng góp 29% vào lợi nhuận hợp nhất của ngân hàng với 3.713 tỷ đồng trước thuế.
Cũng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, tuy nhiên HD Saison vẫn ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận dương nửa năm qua. Trong đó, công ty tài chính này thu về 590 tỷ đồng lãi trước thuế sau 6 tháng đầu năm, tăng 5,5% so với cùng kỳ.
Hiện tại, trong cơ cấu cho vay của HD Saison đang có khoảng 45% (5.700 tỷ) là cho vay tiền mặt; 30% (4.300 tỷ) là cho vay mua xe máy và còn lại 25% (3.600 tỷ) là cho vay mua điện máy và các sản phẩm khác.
So với lợi nhuận hợp nhất của HDBank cùng giai đoạn, HD Saison đã đóng góp khoảng 14%. Trong năm 2020 trươc đó, với 1.001 tỷ lãi trước thuế, công ty cũng đóng góp vào 17% tổng lợi nhuận hợp nhất của ngân hàng mẹ.
Bên cạnh đó, MCredit cũng ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận cao đầu năm nay. Cụ thể, doanh thu nửa đầu năm qua của công ty này đạt 2.168 tỷ, tăng 16% so với cùng kỳ. Nhờ việc tiết giảm được các chi phí mà lợi nhuận trước thuế MCredit thu về đã đạt tới 346 tỷ đồng, tăng 188%.
Dù chỉ đóng vào một phần nhỏ vào lợi nhuận hợp nhất của ngân hàng mẹ MBBank. Tuy nhiên, MCredit lại đang là công ty có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận tốt nhất thị trường.
Trong năm 2020 trước đó, lợi nhuận trước thuế của công ty này cũng tăng tới 77%, đạt 320 tỷ đồng. Đến cuối năm 2020, công ty này đã có dư nợ cho vay khoảng 10.000 tỷ đồng, chiếm gần 8% thị phần cho vay tiêu dùng trong nước.
Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN