Năm 2022 khối ngoại quay trở lại mua ròng tỷ USD sau 2 năm miệt mài bán

Một trong những động lực giúp thị trường bứt phá chính là sự trở lại mạnh mẽ của dòng tiền khối ngoại. Lực mua rất quyết đoán với giá trị mua ròng nhiều phiên lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Năm 2022, chứng kiến đà suy giảm mạnh của nhiều cổ phiếu. Có những thời điểm, VN-Index giảm hơn 35% kể từ đỉnh, kéo theo việc nhiều cổ phiếu lao dốc mạnh, cá biệt có những cổ phiếu mất từ 70 – 80% giá trị, bất kể là cổ phiếu cơ bản hay đầu cơ.
Nếu năm 2021 chứng kiến tâm lý hưng phấn quá đà thì năm 2022, trong nhiều thời điểm lại chứng kiến tâm lý hoang mang thái quá của nhà đầu tư khi nhiều nhà đầu tư nội đã thực hiện việc bán tháo cổ phiếu.
Nam 2022 khoi ngoai quay tro lai mua rong ty USD sau 2 nam miet mai ban
 Tổng hợp khối ngoại mua/bán ròng qua từng năm tại TTCK Việt Nam.
Một trong những động lực giúp thị trường bứt phá chính là sự trở lại mạnh mẽ của dòng tiền khối ngoại. Lực mua rất quyết đoán với giá trị mua ròng nhiều phiên lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Đây là một trong những giai đoạn khối ngoại mua ròng nhanh và mạnh nhất trong lịch sử chứng khoán Việt Nam.
Chỉ trong khoảng gần 2 tháng cuối năm trở lại đây, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 26.600 tỷ đồng trên HoSE qua đó đảo chiều dòng vốn ngoại vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Tính từ đầu năm, khối ngoại đã mua ròng khoảng hơn 1 tỷ USD cổ phiếu Việt Nam. Định giá hấp dẫn so với tiềm năng tăng trưởng là một trong những yếu tố thúc đẩy sự trở lại của khối ngoại.
Điều đáng nói, động thái trong tháng 11 trái ngược hoàn toàn với mấy tháng trước đó. Tính tới cuối tháng 10, khối ngoại bán ròng hơn 3.200 tỷ đồng trên HoSE. Tuy nhiên, sau tháng 11, con số này đảo chiều thành mua ròng hơn 11.700 tỷ đồng.
Nổi bật, các quỹ ETF đang dần khẳng định vai trò dẫn dắt dòng vốn ngoại đổ vào chứng khoán Việt Nam. Fubon FTSE Vietnam ETF – thỏi nam châm hút tiền từ khu vực Đông Á hay bộ đôi DCVFM VNDiamond và DCVFM VN30 ETF đang được nhà đầu tư Thái Lan rất ưa thích là những ví dụ điển hình.
Về cơ bản, kênh ETF sẽ là xu hướng đầu tư của tương lai. Trong năm 2022, nhiều quỹ ETF mới đã được cho ra mắt như DCVFM VNMidcap ETF, KIM Growth VNFinselect ETF, CSOP FTSE Vietnam 30 ETF. Các sản phẩm mới mang đến thêm những lựa chọn với “khẩu vị” đa dạng qua đó góp phần thu hút không chỉ khối ngoại mà cả nhà đầu tư trong nước tham gia đầu tư chứng khoán Việt Nam ngày càng đông đảo.
Mặc dù so với 2 tuần trước, khối ngoại đã giảm mua ròng, nhưng tuần qua khối này vẫn mua ròng gần 2.000 tỷ đồng, tập trung vào các cổ phiếu chứng khoán.
Theo Chứng khoán VNDirect, quỹ ETF khu vực mới nổi và cận biên mua ròng hơn 1.700 tỷ cổ phiếu Việt Nam chỉ trong một tháng. Khoảng giữa tháng 11 trở lại đây, thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua một nhịp hồi mạnh từ đáy dài hạn với động lực lớn đến từ khối ngoại.
Bên cạnh động thái giải ngân trở lại của các quỹ chủ động lớn như Dragon Capital, VinaCapital…, dòng vốn ngoại đổ vào thị trường qua kênh ETF cũng ghi nhận những động thái tích cực.
Ngoài những quỹ như Fubon ETF, FTSE Vietnam ETF, V.N.M ETF, đáng chú ý khi iShares MSCI Frontier and Select EM ETF cũng đang liên tục hút ròng. IShares MSCI Frontier and Select EM ETF là quỹ ETF chuyên đầu tư vào khu vực cận biên và mới nổi. Tính từ 15/11 tới nay, iShares MSCI Frontier and Select EM ETF đã bất ngờ hút ròng xấp xỉ 234 triệu USD, tương ứng 5.850 tỷ đồng.
Tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam trong danh mục xấp xỉ 30% với 44 mã. Như vậy, ước tính với 234 triệu USD iShares MSCI Frontier and Select EM ETF hút ròng trong 1 tháng qua, khoảng 70 triệu USD (xấp xỉ 1.750 tỷ đồng) đã được giải ngân mua cổ phiếu Việt Nam.
Có thể thấy, dòng vốn ETF ồ ạt đổ vào thị trường, trong bối cảnh định giá của chứng khoán Việt Nam xuống thấp lịch sử sau giai đoạn liên tục giảm sâu. Thị giá nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn cũng giảm xuống mức thấp, qua đó kích thích dòng tiền bắt đáy của khối ngoại.
Đồng thời, việc dòng vốn có dấu hiệu quay lại sau giai đoạn 2020-2021 liên tục bị rút mạnh cho thấy niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài về khu vực cận biên và mới nổi đang trở lại. Với động lực này, Việt Nam được cho sẽ có nhiều triển vọng nhất khi đang đứng đầu rổ thị trường cận biên với tỷ trọng khoảng 30%.” – VNDirect cho biết.
Thực tế, khối ngoại thực hiện mua ròng trên thị trường chứng khoán trong bối cảnh kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn diễn biến rất tích cực. Mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá, Việt Nam sẽ là nền kinh tế dẫn đầu khu vực Đông Á-Thái Bình Dương với mức tăng trưởng 7,2% trong năm 2022 và 6,7% trong năm 2023.
Nam 2022 khoi ngoai quay tro lai mua rong ty USD sau 2 nam miet mai ban-Hinh-2
Bà Trần Thị Khánh Hiền - Giám đốc Khối Phân tích, Chứng khoán VNDirect. 
Tại Talkshow “Phố Tài chính”, bà Trần Thị Khánh Hiền - Giám đốc Khối Phân tích VNDirect cho rằng mọi năm tháng 11 là thời điểm các quỹ hay các nhà đầu tư lựa chọn nhìn lại và cơ cấu danh mục của mình.
Nguyên nhân là bởi hết quý 3 phần lớn những diễn biến của nền kinh tế trong năm đã được phản ánh và nhà đầu tư chuẩn bị các phương án cho năm sau. Tuy nhiên năm nay bối cảnh kinh tế còn nhiều áp lực về lãi suất, tỷ giá và tổng cầu giảm khiến các nhà đầu tư còn những thận trọng.
Về dài hạn thị trường đã phản ánh phần lớn những khó khăn của nền kinh tế và có mức chiết khấu sâu khiến giá của nhiều doanh nghiệp tốt trở nên hấp dẫn. Điển hình như giai đoạn này các nhà đầu tư nước ngoài cũng đã bắt đầu có động thái cơ cấu lại danh mục và mua ròng trên thị trường thay vì bán ròng như giai đoạn trước.
"Gần đây ETF Fubon – một trong số những ETF lớn đầu tư vào Việt Nam, họ có thông báo sẽ huy động khoảng 4.000 tỷ để tiếp tục đầu tư vào thị trường Việt Nam. Chứng tỏ các nhà đầu tư nước ngoài cũng nhìn được thời điểm này tài sản trên thị trường chứng khoán đã trở nên rất rẻ và bắt đầu giải ngân”, chuyên gia chia sẻ.
Nam 2022 khoi ngoai quay tro lai mua rong ty USD sau 2 nam miet mai ban-Hinh-3
 Ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng Chứng khoán SSI.
Ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng Chứng khoán SSI cũng đã có những chia sẻ về việc mua ròng của các quỹ ETF như DCVFM VN Diamond ETF, Fubon FTSE Vietnam ETF.
Ông Hưng cho rằng đây là điều dễ hiểu bởi khi thị trường giảm nhiều đã khiến hàng loạt cổ phiếu bị chiết khấu xuống mức định giá rẻ hơn. Mức độ mua ròng của quỹ Fubon tính từ đầu năm đến nay khoảng 10.000 tỷ đồng, trong đó trong tháng vừa qua là khoảng 2.500 tỷ đồng mặc dù giá trịchứng chỉ quỹ của quỹ này tính đến ngày 29/11 giảm khoảng 36, 37% so với đầu năm.
Ông Hưng chia sẻ trước đây, các nhà đầu tư Thái Lan hay Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam vì thị trường Việt Nam là lựa chọn tốt của họ trong thời điểm đó, nhưng khi phát hiện ra lựa chọn tốt hơn thì họ sẽ rút vốn, ví dụ có thời điểm Hàn Quốc thích thị trường Brazil hơn nên đã rút vốn khỏi Việt Nam.
Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN