Mỗi tuần một doanh nghiệp: Lợi nhuận quý 1 của VPB ước tăng 15-20%

VDSC ước tính lợi nhuận trước thuế quý 1 của VPB có thể tăng trưởng khoảng 15-20%, sang quý 2, VPB có thể ghi nhận tăng trưởng âm trên nền cao cùng kỳ nhờ thu nhập từ kinh doanh chứng khoán.
Báo cáo của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) công bố cho thấy VPB (VPBank) đang giao dịch duy trì mức tăng trưởng cao trên nền tảng chất lượng tài sản được củng cố.
Nếu loại trừ thu nhập từ thương vụ bán 50% chần tại FE Credit là 20.352 tỷ đồng trong quý 4/2021 thì lợi nhuận trước thuế ngân hàng (NH) mẹ đạt 7.206 tỷ đồng, tăng 132% so với cùng kỳ năm ngoái và và 145% so với quý trước.
Cả năm 2021, lợi nhuận trước thuế của NH mẹ đạt 14.011 tỷ đồng (tăng 50%), trong khi FE Credit giảm đạt 610 tỷ đồng (giảm 84%). Diễn biến lợi nhuận trái ngược nhau tại NH mẹ và FE Credit do sự khác biệt về chất lượng tài sản. Theo tỷ trọng, NH mẹ đóng góp 96% vào tổng lợi nhuận trước thuế của VPB, so với 71% trong năm 2020.
Đáng chú ý là thu nhập ngoài lãi của VPB trong quý 4 tăng mạnh 49% so với cùng kỳ năm 2020. Dẫn dắt bởi thu nhập dịch vụ tăng 21%, kinh doanh CK tăng 169% và lãi từ hoạt động khác tăng 26%, chủ yếu nhờ thu hồi nợ tích cực tại FE Credit.
Trong thu nhập dịch vụ, các thay đổi về chiến lược tiếp cận khách hàng theo từng phân khúc tạo động lực tăng thu nhập ở mảng thanh toán và thẻ và dịch vụ khác (liên quan đến phí tài khoản) tăng 35%.
Mảng bảo hiểm tăng tốc về doanh thu phí bảo hiểm trong quý 4 so với quý III nhưng thu nhập bancassurance cả năm giảm 18,5% do dịch bệnh khiến NH không thể hoàn thành chỉ tiêu doanh số bảo hiểm tối thiểu để nhận hoa hồng bổ sung như năm 2020.
Moi tuan mot doanh nghiep: Loi nhuan quy 1 cua VPB uoc tang 15-20%
 
CIR hợp nhất đạt 24,4%, đi ngang so với quý 3 nhưng cải thiện so với 29,3% cuối năm 2020, do sự đóng góp nhiều hơn của NH mẹ (vốn có CIR thấp hơn FE Credit) vào hoạt động kinh doanh tổng thể. Tuy nhiên, CIR của NH mẹ và FE Credit đều tăng so với quý 3 khi các hoạt động hỗ trợ kinh doanh được đẩy mạnh trở lại sau giai đoạn giãn cách xã hội.
Theo VDSC, tỷ lệ nợ xấu hợp nhất tăng từ 4% cuối quý 3 lên 4,5% trong quý 4 và là mức cao nhất từ khi đại dịch bắt đầu, chủ yếu do độ trễ tác động của dịch bệnh đối với chất lượng tài sản của FE Credit. Mặc dù vậy, điểm tích cực là tỷ lệ nợ xấu hình thành đã giảm tại cả NH mẹ và FE Credit.
Chất lượng tài sản của NH mẹ cải thiện từ mức ổn định trong quý 3 với tỷ lệ nợ xấu (trên cho vay khách hàng) giảm từ 2,3% về 2%, mức thấp nhất kể từ năm 2015 nhờ khách hàng phục hồi và tăng cường xóa nợ.
Khuyến nghị mua với mức sinh lời 26%
Theo nhận định của VDSC, VPB có nền vốn mạnh với hệ số CAR NH mẹ đạt 14,2% cuối năm 2021, cao hàng đầu trong số các NH mà VDSC đang theo dõi. Hệ số này đảm bảo cho tốc độ tăng trưởng tín dụng cao 22% trong khi áp lực huy động thấp tại NH mẹ, trên nền tảng thanh khoản và bộ đệm vốn hàng đầu.
Đây là kết quả của dòng vốn mới từ bán một phần vốn tại FE Credit và phát hành riêng lẻ 15% sẽ hoàn thành trong nửa đầu năm 2022. Hoạt động phát hành riêng lẻ có thể mang về cho NH mẹ khoảng 28.500 tỷ đồng.
VDSC ước tính lợi nhuận trước thuế quý 1 của VPB có thể tăng trưởng khoảng 15-20%. Sang quý 2, VPB có thể ghi nhận tăng trưởng âm trên nền cao cùng kỳ (nhờ thu nhập từ kinh doanh CK). Do vậy, điểm rơi tăng trưởng lợi nhuận của VPB có thể đến trong 2 quý cuối năm.
Dự báo, lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2022 có thể đạt 19.826 tỷ đồng (tăng 27%), trong đó đóng góp của NH mẹ là 19.013 tỷ đồng (giảm 50% nhưng tăng 36% nếu xét trên lợi nhuận cốt lõi) và của FE Credit là 2.167 tỷ đồng (tăng 255%).
Sang năm 2023, tăng trưởng tín dụng cao sẽ vẫn duy trì trong khi NIM phục hồi và chi phí tín dụng giảm trên nền tảng tăng trưởng kinh tế trở lại mức trước dịch bệnh.
VDSC kỳ vọng lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 26.585 tỷ đồng (tăng 34%), trong đó NH mẹ là 25.498 tỷ đồng (tăng 34%), FE Credit là 3.622 tỷ đồng (tăng 67%).
Từ nhận định trên, VDSC đã điều chỉnh nâng giá mục tiêu của VPB từ 42.800 đồng/CP lên 46.200 đồng/CP, đã tính đến yếu tố pha loãng sau đợt phát hành. Mức định giá này được VDSC so sánh mức P/B dự phóng cuối năm 2022 và cuối năm 2023 là 1,7x và 1,5x, so với mức P/B hiện hành là 2x.
Dựa trên giá đóng cửa tại ngày 9/3 là 36.850 đồng/CP, VDSC khuyến nghị mua VPB với tổng mức sinh lời là 26%.
Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN