Lũ lụt, COVID-19 tạo ‘sóng’ cổ phiếu trên thị trường chứng khoán

Dịch bệnh, lũ lụt, thiên tai,… chính là những thảm hoạ trong năm 2020, tuy vậy cũng nhờ có những yếu tố này một số nhóm ngành trên thị trường chứng khoán lại được dịp nổi sóng.

Sóng cổ phiếu y tế nhờ COVID-19

Đầu năm 2020, sau thông tin dịch bệnh xuất hiện và bắt đầu có ca nhiễm tại Việt Nam, thị trường chứng khoán đột nhiên tán loạn, nhà đầu tư đối mặt với cảm giác lo sợ và rút tiền, bán tháo cổ phiếu.

Vẫn vững trước đại dịch khi ấy phải kể đến cổ phiếu của công ty trong lĩnh vực y tế, đặc biệt là sản xuất vật phẩm không-thể-thiếu phòng dịch là khẩu trang. Từ dịp đó, cổ phiếu DNM của Tổng CTCP Y tế Danameco xác lập những ngày tăng nóng và thu hút tiền của nhiều nhà đầu tư lướt sóng.

Đà tăng của cổ phiếu DNM được chia thành 2 giai đoạn rõ rệt, giai đoạn đầu tiên diễn ra từ đầu tháng 2 tới cuối tháng 4 và cổ phiếu DNM đã tăng mạnh từ vùng 9.000 đồng lên 35.000 đồng/cp. Đây cũng là lúc làn sóng COVID-19 diễn ra mạnh và Việt Nam thực hiện giãn cách xã hội.

Sau giai đoạn này khi dỡ bỏ giãn cách xã hội, cổ phiếu DNM không còn dậy sóng như trước và biến động trong biên độ hẹp từ vùng 35.000-40.000 đồng/cp.

Tuy vậy, khi dịch Covid-19 bất ngờ bùng phát trở lại với tâm điểm Đà Nẵng trong giai đoạn cuối tháng 7 đã khiến giới đầu tư tìm đến DNM và cổ phiếu này tiếp tục "dậy sóng" lần 2 với chuỗi 6 phiên tăng trần liên tiếp.

Góp phần vào đà tăng của cổ phiếu DNM không những là hoạt động kinh doanh tăng trưởng mạnh trong năm 2019 và kế hoạch mở rộng dây chuyền trong năm 2020 mà còn đến từ tâm lý sợ hãi trong mùa COVID-19.

Nói về tình hình kinh doanh, năm 2019 cũng đánh dấu sự tăng trưởng trở lại ấn tượng của DNM, trong khi trong giai đoạn năm 2016-2018, doanh thu có sự đi lùi về doanh thu và lợi nhuận ròng.

Cụ thể, Công ty ghi nhận doanh thu thuần tăng gần 120% so với năm trước, đạt hơn 356 tỷ đồng. Cùng với đó, lợi nhuận ròng cũng gấp hơn 2,2 lần năm trước, đạt gần 8,7 tỷ đồng.

Lu lut, COVID-19 tao ‘song’ co phieu tren thi truong chung khoan
 Đà tăng nóng của DNM xuất hiện trong tháng 8.

Nắm bắt được xu hướng chung của thị trường khi thiếu hụt nguồn khẩu trang y tế, HĐQT DNM đã đề xuất phương án đầu tư 4-6 dây chuyền sản xuất khẩu trang, các máy móc liên quan (máy đóng gói,…) để đảm bảo cung ứng đầy đủ các thiết bị và vật tư y tế phục vụ chống dịch.

Ngoài DNM, một số cổ phiếu trong nhóm ngành dược liệu đều tăng trưởng so với thời điểm đầu năm. Ví dụ như cổ phiếu OPC của Dược phẩm OPC, cổ phiếu DHG của Dược Hậu Giang…

Tuy vậy, nhóm ngành dược được xem là nhóm ngành phòng thủ và chỉ tăng trong ngắn hạn. Báo cáo của Chứng khoán Bản Việt cho rằng việc tăng giá của nhóm cổ phiếu ngành dược như một cách đầu cơ hưởng lợi từ việc bùng phát dịch bệnh. Thông thường, giá cổ phiếu sẽ điều chỉnh về mức hợp lý dựa trên nền tảng cơ bản, mà cụ thể là kết quả kinh doanh năm 2019.

Báo cáo của Chứng khoán SSI cũng chỉ ra rằng, việc tác động đến ngành dược mang yếu tố tâm lý trong ngắn hạn, tương tự như bất kỳ các diễn biến dịch bệnh bùng phát trong lịch sử.

“Tuy nhiên, hiện tại không thấy bất kỳ thay đổi đáng kể nào về mặt cơ bản đối với các công ty dược trước dịch bệnh, vì vậy chúng tôi vẫn duy trì quan điểm trung lập với lĩnh vực này trong năm 2020,” SSI nhận định.

Sóng cổ phiếu phân bón từ mức giảm giá dầu

Sau sóng cổ phiếu y tế dần tan thì sóng cổ phiếu phân bón trỗi dậy. Một số cổ phiếu ngành này thu hút tiền của nhà đầu tư như DCM của Phân bón Dầu khí Cà Mau, DPM của Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí, hay LAS của Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao…

Nhóm cổ phiếu phân bón đi lên trong bối cảnh kết quả kinh doanh khả quan của từng doanh nghiệp. Bên cạnh đó thì việc giá dầu thế giới giảm sâu đã có ảnh hưởng tích cực đến nhóm ngành này.

Theo Chứng khoán BIDV (BSC), giá dầu giảm giúp các doanh nghiệp phân bón được hưởng lợi theo 2 hướng thứ nhất là giá khí đầu neo theo giá dầu FO giảm sẽ giảm ngay lập tức, thứ 2 là giá xăng dầu giảm giúp chi phí vận chuyển, chi phí bán hàng giảm.

Giá khí đầu vào chiếm tỷ trọng lớn trong giá vốn của các đơn vị ngành phân bón. Cụ thể, giá vốn hàng bán năm 2019 của DPM chiếm 82% doanh thu, chủ yếu là khí đầu vào. Tỷ lệ này tại DCM lên đến 86,4%.

Bên cạnh đó, giá nguyên liệu đầu vào giảm cũng giúp giá vốn của CTCP Phân bón Bình Ðiền giảm do giá nguyên liệu chiếm đến 80% doanh thu của doanh nghiệp này.

Ngày 20/4 (rạng sáng 21/4 giờ Việt Nam), giá dầu thô WTI (dầu ngọt nhẹ Tây Texas, Mỹ) giao tháng 5 rơi xuống mức -37,63 USD/thùng, đây là hiện tượng có "1-0-2" trong lịch sử thế giới. Trong khi đó, vào ngày 22/4, giá dầu WTI tương lai giao tháng 6 cũng chỉ ở mức 13,78 USD/thùng.

Một thông tin nữa cũng được cho là giúp triển vọng ngành phân bón phần nào được cải thiện đó là ngày 13/4, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An đã ký ban hành Công văn số 2593/BCT-HC gửi Bộ Tài chính về việc điều chỉnh, sửa đổi quy định tại Luật thuế 71 đối với sản xuất phân bón.

Theo đó, Bộ Công Thương kiến nghị đưa mặt hàng phân bón vào đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) với mức 0% hoặc 5% như trước đây sẽ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phân bón.

Thực tế cho thấy, việc phân bón không thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng đã gây nhiều ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước.

Toàn bộ thuế VAT nguyên liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất phân bón không được khấu trừ, nên doanh nghiệp phải hạch toán vào chi phí sản xuất - kinh doanh khiến giá phân bón tăng hơn 5%. Ðiều này làm giảm cạnh tranh so với giá phân bón nhập khẩu.

Lu lut, COVID-19 tao ‘song’ co phieu tren thi truong chung khoan-Hinh-2
 Sóng sau xô sóng trước trên thị trường chứng khoán.

Sóng cổ phiếu nông nghiệp nhờ lũ lụt

Sau một thời gian dài "im hơi, lặng tiếng", nhóm cổ phiếu ngành nông nghiệp cũng đã quay trở lại gây bất ngờ cho giới đầu tư, với mức tăng đáng kể cả về thanh khoản lẫn thị giá cổ phiếu trong những phiên giao dịch đầu tháng 9.

Một số cái tên tạo sóng như bộ đôi HAG và HNG cùng nhóm doanh nghiệp gạo, giống cây trồng như TAR, LTG, NSC, AGM, PAN.

Nổi bật phải kể đến là bộ đôi cổ phiếu của bầu Đức, chỉ tính riêng trong 3 phiên giao dịch (7-9/9), tổng cộng đã có 15,51 cổ phiếu HNG và 41,99 triệu cổ phiếu HAG được giao dịch. Thị giá của 2 mã cổ phiếu cũng lần lượt tăng 11,03% và 4,14%.

Đà tăng của bộ đôi cổ phiếu này diễn ra trong bối cảnh Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) vừa có thông báo về việc chuyển cổ phiếu HNG của HAGL Agrico từ diện kiểm soát sang diện cảnh báo từ ngày 7/9. Lý do là vì công ty đã có lãi ròng 6 tháng đầu năm 2020 là 11 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 30/6/2020 giảm về âm 2 tỷ đồng.

Đối với HAG, lãi ròng sau soát xét của HAGL tăng đáng kể so với con số ghi nhận của báo cáo tự lập. Tuy nhiên, công ty vẫn nhận được khá nhiều ý kiến của đơn vị kiểm toán, đặc biệt là vấn đề liên quan đến khoản nợ gần 7.300 tỷ đồng đã vượt quá tài sản ngắn hạn tại ngày 30/6/2020.

Theo nhận định của một số nhà đầu tư trên thị trường, câu chuyện lũ lụt nghiêm trọng tại Trung Quốc là một trong những yếu tố khiến nhóm cổ phiếu nông nghiệp tăng mạnh và tạo sóng.

Đại dịch COVID-19 cùng với lũ lụt đang đe doạ tới nguồn cung lương thực của Trung Quốc và báo động một cuộc khủng hoảng lương thực. Theo tờ The Economic Times, giá thực phẩm tăng cao thúc đẩy quốc gia 1,4 tỷ dân nhập khẩu lượng thịt kỉ lục và lượng lúa mì cao nhất 7 năm qua vào tháng 6/2020.

Vấn đề lương thực đã trở thành tâm điểm khi giữa tháng 8 vừa qua, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh về tình trạng khủng hoảng về an ninh lương thực, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Do đó, không quá khó hiểu khi cổ phiếu các doanh nghiệp ngành nông nghiệp như HAG, HNG, TAR, LTG, NSC, AGM,… được chú ý hơn cả do đều là những công ty có hoạt động xuất khẩu mạnh, đặc biệt là với thị trường Trung Quốc.

Nhiều chuyên gia cho rằng, yếu tố tác động tích cực đến tâm lý của các nhà đầu tư đối với nhóm cổ phiếu nông nghiệp trong những phiên vừa qua là dự báo nhu cầu nông sản có thể sẽ tăng cao do nguồn cung bị ảnh hưởng bởi lũ lụt tại Trung Quốc có thể đẩy giá các mặt hàng này lên.

Những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp vốn có một đặc thù là kết quả kinh doanh phải dựa trên yếu tố “thiên thời, địa lợi”. Điều này tạo nên một yếu tố thiếu chắc chắn đối với giá cổ phiếu.

Việc theo sóng cổ phiếu có thể đem đến cho nhà đầu tư nhiều lợi nhuận trong một khoảng thời gian đầu tư ngắn tuy vậy nhà đầu tư có thể gặp bất lợi nếu không vào và ra đúng thời điểm của cơn sóng!

Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN