Lãi suất giảm tiền vẫn chạy mạnh vào ngân hàng

Trước bối cảnh dịch Covid-19, hoạt động tín dụng tăng chậm buộc ngân hàng giảm chi phí huy động để giảm lãi suất đầu ra. Thế nhưng, tiền nhàn rỗi vẫn chảy mạnh vào ngân hàng. 
 
Theo báo cáo tháng 7/2020 của NHNN chi nhánh TP.HCM, đối với lãi suất huy động bằng VNĐ, các tổ chức tín dụng đã thực hiện giảm lãi suất theo định hướng và các mức lãi suất điều hành của NHNN.
Khối ngân hàng thương mại điều chỉnh giảm các kỳ hạn, phổ biến khoảng 0,08-0,58%/năm. Khối ngân hàng liên doanh và nước ngoài giảm phổ biến khoảng 0,7-2%/năm tùy kỳ hạn.
Lãi suất huy động bằng VNĐ được ngân hàng áp dụng phổ biến ở mức 4,2-4,25%/năm đối với kỳ hạn dưới 6 tháng; mức 4,9%-7,29%/năm đối với kỳ hạn từ 6 đến 12 tháng; mức 6,04%-7,55%/năm đối với các kỳ hạn trên 12 tháng.
Lai suat giam tien van chay manh vao ngan hang
 
Mặc dù lãi suất huy động giảm, đồng thời trước áp lực giá vàng tăng mạnh trong thời gian gần đây khiến nhiều người liên tưởng đến việc một số khách hàng sẽ rút tiết kiệm chuyển sang vàng.
Thế nhưng, theo báo cáo tháng 7/2020 của NHNN chi nhánh TP.HCM, tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đến 31/7/2020 (số liệu dự ước) đạt 2.648.000 tỷ đồng, tăng 0,6% so với cuối tháng trước, tăng 3,96% so với cuối năm 2019 và tăng 11,06% so với cùng kỳ.
Cụ thể, vốn huy động bằng VNĐ ước đạt 2.315.000 tỷ đồng, chiếm 87% trong nguồn vốn huy động, tăng 0,58% so với tháng trước và tăng 4,51% so với cuối năm 2019.
Vốn huy động bằng ngoại tệ ước đạt 333.000 tỷ đồng, chiếm 13% trong nguồn vốn huy động, tăng 0,74% so với tháng trước và tăng 0,33% so với cuối năm 2019.
Phân theo hình thức tiền gửi: tiền gửi thanh toán của tổ chức kinh tế và cá nhân ước đạt 1.351.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 51% trong nguồn vốn huy động, tăng 0,57% so với tháng trước và tăng 5,02% so với cuối năm 2019.
Tiền gửi tiết kiệm của khách hàng dân cư ước đạt 1.109.000 tỷ đồng, chiếm 42% trong nguồn vốn huy động, tăng 0,47% so với tháng trước và tăng 0,98% so với cuối năm 2019.
Phát hành giấy tờ có giá ước đạt 188.000 tỷ đồng, chiếm 7% trong nguồn vốn huy động, tăng 1,57% so với tháng trước và tăng 15,74% so với cuối năm 2019.
Đánh giá về tình hình huy động vốn của các ngân hàng trên địa bàn, lãnh đạo NHNN chi nhánh TP.HCM cho hay, huy động vốn trên địa bàn đến cuối tháng 6/2020 nhìn chung đã có tốc độ tăng trưởng tích cực hơn so với những tháng đầu năm (tăng 3,35% so với cuối năm trước).
Dự ước 7 tháng đầu năm 2020, huy động vốn tiếp tục tăng 3,96%, tuy nhiên thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.
Đây là ảnh hưởng do dịch Covid-19 đến các lĩnh vực hoạt động của nền kinh tế nói chung và hoạt động ngân hàng nói riêng. Trong đó, khối ngân hàng thương mại Nhà nước tăng 1,56%, khối ngân hàng thương mại cổ phần tăng 4,85%.
Vốn huy động bằng VND vẫn chiếm tỷ trọng chủ yếu trong tổng huy động vốn, chiếm 87%; vốn huy động bằng ngoại tệ chỉ chiếm 13%. Tính chung 6 tháng đầu năm 2020, huy động vốn bằng VNĐ tăng 3,91%, trong đó, tiền gửi thanh toán VNĐ tăng trưởng mạnh (tăng 5,75%).
Huy động vốn ngoại tệ tháng 6/2020 giảm 2,65% so với tháng trước. Trong đó, huy động vốn ngoại tệ giảm chủ yếu ở bộ phận tiền gửi thanh toán, giảm 3,27% so với cuối tháng trước.
Bộ phận tiền gửi thanh toán tiếp tục chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng nguồn vốn huy động, chiếm 51%. Bộ phận tiền gửi tiết kiệm chiếm 42%. Bộ phận phát hành giấy tờ có giá chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ, chiếm gần 7%. Phát hành giấy tờ có giá duy trì tốc độ tăng trưởng khá trong 6 tháng đầu năm, tăng 13,96%.
Theo Vân Linh/Đầu Tư Chứng Khoán

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN