Kinh hoàng trục lợi bảo hiểm bằng cách thuê người chặt tay, chân

Nhiều người hẳn chưa quên vụ một phụ nữ 30 tuổi đã thuê người chặt chân tay mình rồi vứt ở đường ray xe lửa, nhằm tạo dựng hiện trường giả một vụ tai nạn tàu hỏa nhằm trục lợi bảo hiểm.
Đây là một trong số những thủ đoạn... ớn lạnh trục lợi bảo hiểm đang diễn ra ngày càng tinh vi trong thời gian gần đây.
Gần 1/3 số vụ yêu cầu bảo hiểm là trục lợi
Ngày 5/5/2016, do mắc vào nợ nần, Lý Thị N. (SN 1986, ngụ xã Xuân Phú, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) đã thuê Doãn Văn Doanh (SN 1995, ở huyện Phúc Thọ, Hà Nội) với giá 50 triệu đồng chặt 1/3 bàn chân và 1/3 bàn tay bên trái của mình rồi tạo hiện trường giả một vụ tai nạn tàu hỏa để lấy tiền bảo hiểm.
Qua điều tra, Công an phát hiện nhiều dấu hiệu nghi vấn. Theo kết luận giám định thương tật, N. bị tổn hại 79% sức khỏe. Tuy nhiên, thương tích ở tay và chân cô này do vật sắc nhọn gây ra. Nhân viên y tế tham gia điều trị cho N. cũng nhận định, vết thương không giống do tai nạn tàu hỏa gây ra.
Đặc biệt, cơ quan điều tra phát hiện, trước đó hơn 1 tháng, N. mua liên tiếp 3 gói bảo hiểm thân thể của 2 công ty bảo hiểm nhân thọ. Theo hợp đồng, nếu bị thương tật vĩnh viễn do tai nạn giao thông, cô ta có thể được thanh toán tổng số tiền khoảng 3,5 tỷ đồng.
Trong những năm gần đây, hành vi trục lợi bảo hiểm đang diễn biến rất phức tạp ở hầu hết các loại hình, nghiệp vụ bảo hiểm với sự gia tăng về số lượng và tính chất nghiêm trọng của vụ việc, phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, trở thành vấn đề nhức nhối, gây thiệt hại nghiêm trọng cho doanh nghiệp bảo hiểm, người tham gia bảo hiểm và toàn xã hội.
Theo số liệu của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), trong giai đoạn từ năm 2008-2017, có trên 78.000 vụ trục lợi bảo hiểm với số tiền bị trục lợi khoảng 1.100 tỷ đồng, trung bình tổn thất 110 tỷ đồng/năm. Thị trường bảo hiểm nhân thọ có từ 6-28% số vụ yêu cầu bồi thường bảo hiểm là trục lợi, tùy từng doanh nghiệp bảo hiểm.
Hành vi trục lợi bảo hiểm rất đa dạng, trong đó hành vi tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình (như vụ Lý Thị N.) để hưởng quyền lợi bảo hiểm là thủ đoạn khó phát hiện nhất vì thủ phạm thường là người rất am hiểu về kỹ thuật nghiệm vụ bảo hiểm.
Thông thường, kẻ trục lợi thường mua các gói bảo hiểm phi nhân thọ như bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm tài sản và thiệt hại, bảo hiểm thân tàu rồi tự phá hỏng các bộ phận của xe hoặc hủy hoại bằng cách đốt xe, lao xe xuống vực (chủ yếu là xe cũ), tự đốt nhà xưởng, làm chìm tàu để đòi tiền bồi thường bảo hiểm.
Ý đồ trục lợi của hình thức này thường nảy sinh từ khi chuẩn bị tham gia bảo hiểm và có sự nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo nên quy mô trục lợi thường lớn, số tiền gian lận, trục lợi rất cao và gây nhiều khó khăn cho công tác điều tra của cơ quan chức năng khi tổn thất xảy ra.
“Cái bắt tay” của nhân viên bảo hiểm
Ngoài ra, có những hành vi trục lợi bảo hiểm do sự tiếp tay của các nhân viên, đại lý và cả người có chức vụ trong doanh nghiệp bảo hiểm để thông đồng với người được thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm để giải quyết bồi thường, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật.
Các đối tượng có thể giả mạo hồ sơ để tham gia bảo hiểm khi có tai nạn đã xảy ra, người đã bị tử vong, thương tật hoặc tài sản đã hỏng, tổn thất mới mua các gói bảo hiểm. Điển hình như vụ trục lợi bảo hiểm ở công ty bảo hiểm PJICO. Công ty TNHH Sông Tiền ký hợp đồng bán 16 tấn tôm đông lạnh cho Công ty Taifun.
Khoảng 1 tháng sau đó, trên đường chuyển hàng đến Đức, con tàu chở 15,8 tấn tôm, trị giá 144.300 USD đã bị cháy khi đang đến cảng nước bạn. Ngay trong ngày, Công ty Việt Thái Phong của bà Phạm Hồng thu (vợ Giám đốc Công ty Taifun) làm hồ sơ, đến chi nhánh PJICO-Sài Gòn mua bảo hiểm cho lô hàng nhằm lấy tiền bồi thường.
Quá trình đòi bảo hiểm diễn ra trong thời gian dài, kết quả, bà Thu đã thỏa thuận sẽ chia 50% cho ông Trần Nghĩa Vinh (nguyên Tổng Giám đốc PJICO) và Hồ Mạnh Quân (nguyên Phó tổng giám đốc) nếu chấp nhận chi bảo hiểm. Tuy nhiên sau đó, vụ việc bị phát hiện, bà Thu bị Tòa án tuyên phạt 12 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; các nguyên lãnh đạo PJICO lãnh án 5 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn.
 Lý Thị N. và Doãn Văn Doanh tại cơ quan điều tra.
Người được bảo hiểm còn tìm cách lập hồ sơ giả, hiện trường giả, thay đổi tình tiết vụ tai nạn hay giả mạo tài liệu, làm sai lệch thông tin trong hồ sơ yêu cầu bồi thường để được hưởng tiền bảo hiểm.
Nhiều đối tượng còn mua bảo hiểm cho một tài sản tại nhiều doanh nghiệp bảo hiểm để được nhận tiền bảo hiểm lớn hơn giá trị của tài sản; khai tăng hoặc khai khống mức độ tổn thất, sự kiện bảo hiểm (chủ yếu diễn ra trong bảo hiểm y tế, bảo hiểm xe cơ giới).
Thậm chí, để kiếm tiền từ các công ty bảo hiểm, đối tượng còn gian lận bằng cách dù không có tổn thất nhưng vẫn khai báo tổn thất. Nguyên do là ngay từ khi ký kết hợp đồng, các công ty bảo hiểm đã không kiểm tra, xác minh, thu thập thông tin thật kỹ về tài sản được bảo hiểm, dẫn đến bị trục lợi.
Điển hình như vụ Công ty Thương mại Du lịch Hải Phòng mua bảo hiểm cho hai tàu Tsikonya (còn 2 máy) lai kéo tàu Shantar từ Vlovostoc về Hải Phòng để làm sắt vụn. Tuy nhiên, khi đi qua khu vực đảo Hải Nam-Trung Quốc, do gặp bão nên tàu Shantar bị chìm.
Tòa án sơ thẩm TP.Hải Phòng đưa ra phán quyết: mặc dù trong quy tắc bảo hiểm của mình, công ty Bảo Long không bảo hiểm cho tàu lai kéo nhưng Bảo Long vẫn bán loại bảo hiểm này cho Công ty Thương mại Du lịch Hải Phòng, do đó, công ty Bảo Long phải chịu trách nhiệm bồi thường theo quy định trong hợp đồng do tàu Shantar bị chìm do gặp bão.
Tuy nhiên, sau quá trình xác minh, thu thập thông tin về tàu Shantar, kết quả điều tra của Interpol cho thấy, tàu Shantar được khai báo là hỏng cả 4 máy và bị chìm, thực tế là đang hoạt động bình thường trên vùng biển thuộc lãnh thổ Hàn Quốc.
Theo Công an TP.HCM

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN