Dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 10 triệu tỷ đồng, tăng 9,52%

Đến ngày 19/11/2021, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 10 triệu tỷ đồng, tăng 9,52% so với cuối năm 2020.
Tại hội thảo "Nhận diện tín dụng đen dưới góc nhìn pháp luật và các giải pháp phát triển tín dụng khu vực nông thôn", Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Đào Minh Tú điểm qua một số kết quả đạt được trong hoạt động tín dụng chính thức, góp phần đẩy lùi tín dụng đen.
Phó Thống đốc cho biết, đến ngày 19/11/2021, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 10 triệu tỷ đồng, tăng 9,52% so với cuối năm 2020, là kết quả rất đáng ghi nhận trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động đến hầu hết các lĩnh vực, ngành kinh tế.
Trong đó, dư nợ tín dụng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt trên 2,5 triệu tỷ đồng, tăng 10,21% so với năm 2020 (cao hơn tăng trưởng chung nền kinh tế). Cho vay phục vụ đời sống, cho vay tiêu dùng đạt gần 1,95 triệu tỷ đồng, chiếm 19,6% dư nợ nền kinh tế.
Ngoài nguồn vốn tín dụng thương mại, NHCSXH đang triển khai 23 chương trình tín dụng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách với dư nợ đạt trên 243 nghìn tỷ đồng, tăng 7,51% so với cuối năm 2020, tăng 25,2% so với thời điểm trước khi ban hành Chỉ thị 12/CT-TTg với gần 6,4 triệu khách hàng còn dư nợ.
Du no tin dung toan nen kinh te dat tren 10 trieu ty dong, tang 9,52%
 Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú
Phó Thống đốc cho biết, quan điểm chỉ đạo của Thống đốc NHNN xác định, tín dụng tiêu dùng được coi là lĩnh vực được quan tâm, tạo điều kiện, hỗ trợ và mở rộng trong thời gian tới. Từ chủ trương này, NHNN sẽ có những chính sách, tạo điều kiện, khuyến khích và phát triển việc cho vay tiêu dùng đối với nền kinh tế. Chính vì thế, sẽ tạo điều kiện cho các NHTM, TCTD, kể cả tín dụng vi mô, hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân, NHCSXH, đặc biệt là các công ty tài chính được tăng cường, tập trung phát triển tín dụng tiêu dùng.
NHNN tiếp tục hoàn thiện cơ chế, hành lang pháp lý để tín dụng tiêu dùng hoạt động phát triển nhưng có sự quản lý của Nhà nước, đảm bảo cho vay tín dụng giải quyết hài hòa hai mục tiêu: một là, tạo điều kiện để người dân có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế thực sự được thụ hưởng một chương trình, một chính sách; hai là, phải có cơ chế quản lý, giám sát chặt chẽ để hoạt động tín dụng tiêu dùng lành mạnh, đảm bảo ổn định thị trường tiền tệ và thị trường tín dụng một cách lành mạnh.
Bên cạnh đó, NHNN tiếp tục phối hợp với Bộ Công an để khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về công dân trong việc xác thực khách hàng để giúp các TCTD tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng cho người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là người dân thuộc nhóm dễ bị ảnh hưởng của “tín dụng đen”.
Ngành Ngân hàng cũng đã và đang chủ động phối hợp tích cực với các bộ, ngành có liên quan để chung tay đẩy lùi nạn tín dụng đen, không chỉ mô hình NHCSXH vừa qua, mà NHNN cũng đang chỉ đạo đối với hoạt động của các tổ chức tài chính vi mô; cũng đã và đang có sự phối hợp, cũng như chương trình hành động với việc tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội. Các tổ chức tài chính vi mô giải quyết được một cách tích cực, nhất là đối với những người dân yếu thế nhất trong xã hội, ở những vùng kinh tế khó khăn, qua đó góp phần chặn được tín dụng đen. Hiện, NHNN đang hoàn thiện hệ thống pháp lý đối với các tổ chức tài chính vi mô để làm sao tạo điều kiện mở rộng ở các địa phương. Đây là hình thức tác dụng rất trực tiếp để giải quyết vấn đề tín dụng đen.
Phó Thống đốc yêu cầu các TCTD tập trung nguồn vốn, NHNN sẽ dành nguồn vốn một cách hợp lý và có những chính sách khuyến khích đối với các NHTM nếu như cho vay lĩnh vực tiêu dùng một cách tích cực và hiệu quả, cũng như khuyến khích cho vay nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, tạo điều kiện mở rộng mạng lưới của các TCTD ở vùng sâu, vùng xa, phục vụ cho nhu cầu vay tiêu dùng của các đối tượng yếu thế.
Bên cạnh đó, khẩn trương đưa các sản phẩm, dịch vụ của hệ thống các TCTD, các công ty tài chính sử dụng công nghệ hiện đại để giảm bớt việc thanh toán bằng tiền mặt, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Các NHTM, các công ty tài chính tiêu dùng chủ động đổi mới công nghệ, thủ tục thuận lợi, giảm lãi suất, chủ động tiếp cận với người dân có nhu cầu vay tiêu dùng tại các địa phương.
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN