Đón đầu làn sóng tăng vốn, CTCK mở rộng nghiệp vụ bảo lãnh phát hành

Trước làn sóng tăng vốn mạnh toàn thị trường, các CTCK đang mở rộng nghiệp vụ bảo lãnh phát hành chứng khoán.
Sự sôi động của thị trường chứng khoán suốt từ giữa năm 2020 đến nay là động lực cho các doanh nghiệp huy động vốn thông qua phát hành phát hành cổ phiếu. Đợt tăng vốn lớn gần đây đến nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó đáng chú ý nhất là đến từ các đơn vị thuộc ngành chứng khoán, bất động động và ngân hàng.
Hàng tỷ cổ phiếu được chào bán ra công chúng, nhân viên, chào bán riêng lẻ, chuyển đổi trái phiếu, trả cổ tức cổ phiếu… sẽ tăng đáng kể vào thanh khoản của thị trường. SSI Research cho rằng tăng vốn có thể là yếu tố nâng đỡ cho vận động giá cổ phiếu ngân hàng và bất động sản.
Trước làn sóng đó, các công ty chứng khoán (CTCK) đang chuẩn bị huy động vốn, nguồn lực cần thiết cho việc đăng ký mới hoặc tăng năng lực nghiệp vụ bảo lãnh phát hành chứng khoán.
Don dau lan song tang von, CTCK mo rong nghiep vu bao lanh phat hanh
 Hàng loạt CTCK đang huy động vốn để đăng ký mới và tăng năng lực nghiệp vụ bảo lãnh phát hành chứng khoán.
HBDS, APS, TVB nhận được giấy phép mới
Ngày 26/5, Chứng khoán HDB (HDBS) thông báo nhận được giấy phép điều chỉnh hoạt động, với việc bổ sung nghiệp vụ bảo lãnh phát hành chứng khoán. Công ty còn dự kiến bổ sung nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán phái sinh sau đợt chào bán sắp tới.
Nhà môi giới chứng khoán này đang có kế hoạch 713 tỷ đồng thông qua phương án phát hành 71,3 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tăng vốn 330%. Nguồn tiền thu về dùng để bổ sung vốn mở rộng hoạt động kinh doanh, đầu tư tài sản và phát triển mạng lưới, đầu tư cho hệ thống công nghệ.
Chứng khoán Châu Á – Thái Bình Dương (HNX: APS) cũng mới được điều chỉnh giấy phép hoạt động bổ sung nghiệp vụ bảo lãnh phát hành chứng khoán. Giấy phép điều chỉnh có hiệu lực kể từ ngày 29/4.
APS cũng đang lên kế hoạch chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 100% để huy động số tiền 390 tỷ đồng. Công ty có kế hoạch sử dụng 30% cho hoạt động tự doanh, 10% đầu tư công nghệ và 60% lượng huy động còn lại dùng để bổ sung nguồn vốn vay margin.
Ngày 23/4, Chứng khoán Trí Việt (HNX: TVB) nhận được giấy phép điều chỉnh hoạt động bổ sung nghiệp vụ bảo lãnh phát hành chứng khoán.
Vào cuối năm 2020 công ty có chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 30% thu về tổng cộng 164 tỷ đồng. Số tiền này dùng để bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh, nâng cao năng lực tài chính.
Gần như ngay sau đó, công ty lại thông qua một đợt tăng vốn mới với tỷ lệ 50%, khối lượng 35,6 triệu cổ phiếu. Với giá dự kiến là 10.000 đồng/cp, công ty có thể thu về 356 tỷ đồng. Nguồn vốn mới sẽ được sử dụng cho hoạt động cho vay ký quỹ, đầu tư tự doanh và bổ sung vốn lưu động. 
Don dau lan song tang von, CTCK mo rong nghiep vu bao lanh phat hanh-Hinh-2
 Một số CTCK đã nhận được giấy phép bổ sung nghiệp vụ bảo lãnh phát hành chứng khoán gần đây.
Các CTCK đang đăng ký mới
HĐQT Chứng khoán APG (HoSE: APG) vừa thông qua việc đăng ký bổ sung nghiệp vụ kinh doanh bảo lãnh phát hành chứng khoán. Công ty sẽ chuẩn bị hồ sở, quy trình nghiệp vụ, nhân sự và các tài liệu khác để đề nghị chấp thuận đến UBCKNN.
HĐQT Chứng khoán Quốc Gia (NSI) thông qua việc bổ sung hoạt động bảo lãnh phát hành chứng khoán, thông qua quy trình nghiệp vụ, quy trình kiểm soát nội bộ và quy trình quản trị rủi ro cho mảng mới này.
Việc bổ sung nghiệp vụ mới diễn ra ngay sau khi công ty huy động được nguồn vốn 130 tỷ đồng, nhờ chào bán cho cổ đông hiện hữu 7 triệu cổ phiếu và chia cổ tức 6 triệu cổ phiếu. Đợt phát hành này giúp vốn điều lệ công ty đạt 300 tỷ đồng.
Chứng khoán Đại Nam (DNSE) cũng vừa thông báo huy động 840 tỷ đồng thông qua chào bán 84 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu. Số tiền này dùng để bổ sung nghiệp vụ bảo lãnh phát hành chứng khoán; đáp ứng vốn tham gia thị trường chứng khoán phái sinh và kinh doanh chứng khoán phái sinh, đáp ứng điều kiện là thành viên giao dịch chứng khoán phái sinh...
Chứng khoán KS (KSS) dự kiến huy động 890 tỷ đồng từ chào bán gần 89 triệu cho cổ đông hiện hữu. Công ty sẽ bổ sung vốn để đủ điều kiện đăng ký kinh doanh đầy đủ các nghiệp vụ kinh doanh môi giới, tự doanh, bảo lãnh phát hành chứng khoán và tư vấn đầu tư.
Tăng năng lực bảo lãnh phát hành chứng khoán
Các công ty đang có nghiệp vụ này cũng tích cực bổ sung vốn cho hoạt động bảo lãnh phát hành chứng khoán. Chứng khoán SSI (HoSE: SSI) dự kiến tăng vốn lên 11.000 tỷ đồng thông qua phát hành gần 443 triệu cổ phiếu, mục đích nâng cao năng lực bảo lãnh phát hành, năng lực đầu tư và năng lực cho vay giao dịch ký quỹ.
Chứng khoán TP HCM (HoSE: HCM) đang triển khai phát hành hơn 152,5 triệu cổ phiếu với giá 14.000 đồng/cp, tương ứng với lượng vốn huy động 2.135 tỷ đồng. Công ty có kế hoạch sử dụng 1.495 tỷ đồng để bổ sung vốn cho vay giao dịch ký quỹ, sử dụng 427 tỷ đồng bổ sung vốn cho hoạt động bảo lãnh phát hành chứng khoán và hơn 213 tỷ đồng cho hoạt động tự doanh.
VNDirect (HNX: VND) tăng vốn 100% thông qua chào bán 214,4 triệu cổ phiếu. Giá chào bán 14.500 đồng/cổ phiếu, dự kiến huy động hơn 3.110 tỷ đồng. Số tiền thu về nhằm bổ sung năng lực cho vay ký quỹ, bảo lãnh phát hành chứng khoán, phân phối chứng quyền và các hoạt động khác.
Chứng khoán Đà Nẵng (UPCoM: DSC) chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược, tăng vốn điều lệ tăng từ 60 tỷ lên 1.000 tỷ đồng, dự thu 940 tỷ đồng. Công ty quyết định sẽ bổ sung các nghiệp vụ kinh doanh mới là tự doanh chứng khoán và nghiệp vụ bảo lãnh phát hành chứng khoán.
Theo Lan Điền/NDH

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN