Điểm tên những cổ phiếu giảm trên 30% trong tháng 9

Khi thị trường chứng khoán trong tháng 9 giảm 11% thì cổ phiếu có mức giảm cao gấp 3-4 lần, chủ yếu là nhóm bất động sản.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua 1 tháng giao dịch kém tích cực khi có những phiên giảm điểm liên tiếp, chỉ số VN-Index liên tục mất các mốc hỗ trợ, kèm theo đó là nhiều mã cổ phiếu giảm mạnh.
Tính chung tháng 9, VN-Index đã giảm mạnh 11,6% và 24,4% từ đầu năm xuống 1.132,1 điểm, mức thấp nhất trong 20 tháng.
Theo nhận định của Công ty Chứng khoán VNDirect trong báo cáo chiến lược công bố mới đây, thị trường chứng khoán diễn biến kém tích cực trong tháng 9 là do lãi suất tăng và áp lực giảm giá VND ngày càng lớn.
Cụ thể, vào ngày 23/9, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã nâng lãi suất điều hành thêm 100 điểm cơ bản, đánh dấu lần tăng đầu tiên kể từ cuối năm 2011. Ngoài ra, VND đã mất giá 4,5% tính từ đầu năm trước áp lực tăng giá của USD.
Nhiều cổ phiếu còn giảm mạnh hơn thị trường gấp 3-4 lần. Đơn cử như CEO của Tập đoàn C.E.O - từng là một trong những cổ phiếu được săn đón nhất trong năm 2021 khi cổ phiếu bất động sản lên ngôi, thị giá đến 4/10 mất 44% chỉ trong 1 tháng.
Thậm chí so với với mức đỉnh giá 92.500 đồng/cp CEO từng xác lập vào ngày 7/1, giá trị của cổ phiếu này đã giảm tốc 81%.
Diem ten nhung co phieu giam tren 30% trong thang 9
 Cổ phiếu CEO rớt thảm.
Theo báo cáo tài chính bán niên 2022, tổng doanh thu 6 tháng đầu năm của CEO đạt 223 tỷ đồng, tăng 40% trên nền so sánh thấp của năm 2021. Lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm đạt 34,98 tỷ đồng, tăng 150 so với cùng kỳ năm ngoái (cùng kỳ do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên CEO lỗ 69 tỷ đồng).
Tại sự kiện gặp gỡ nhà đầu tư ngày 9/8 vừa qua, Chủ tịch HĐQT CEO Group, ông Đoàn Văn Bình vẫn lạc quan về tình hình doanh nghiệp và khẳng định sẽ hoàn thành kế hoạch lợi nhuận 300 tỷ đồng trong năm nay.
Không chỉ riêng CEO mà nhiều đại diện của nhóm bất động sản cũng giảm hơn 30% trong tháng qua như IJC, LDG, NLG, HDG, DXG, IDJ, SCR, DXS, SZC, CTD.
Hiện tại, hầu như nhóm cổ phiếu này đã thủng đáy và ở mức chiết khấu khá rẻ, do đó phiên 5/10 kết thúc đa số cổ phiếu nhóm này tăng hết biên độ do nhà đầu tư mạnh dạn bắt đáy.
Thông thường cuối năm thường là thời điểm các doanh nghiệp bất động sản gấp rút hoàn thành các thủ tục và bàn giao nhà cho khách hàng, do đó doanh thu của các doanh nghiệp bất động sản thường tích cực hơn trong các quý cuối năm. Điều này khiến giá cổ phiếu đa số khởi sắc.
Đứng sau mức giảm 44% của CEO là IDI của CTCP Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia I.D.I khi giảm 41%. IDI bắt đầu giảm sâu kể từ phiên 23/9 - ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức năm 2021 của cổ phiếu này.
Cụ thể, kết phiên giao dịch ngày 23/9, cổ phiếu IDI đã giảm từ 19.750 đồng/cp xuống còn 18.800 đồng/cp, tức giảm 4,81%. Ngày 27/9, IDI giảm 5,14% và đóng cửa ở mức 16.600 đồng/cp.
Đặc biệt trong 3 ngày 26/9, 28/9 và 29/9, IDI đã có 3 phiên giảm sàn, kết thúc phiên giao dịch ngày 29/9, cổ phiếu này có giá 14.450 đồng/cp, giảm gần 27% chỉ trong 5 phiên.
Bắt đầu tháng 10, IDI tiếp tục ghi nhận 2 phiên giảm sàn liên tiếp và may mắn đã hồi phục trở lại khi tăng trần phiên 5/10 lên mức 13.450 đồng/cp.
Diem ten nhung co phieu giam tren 30% trong thang 9-Hinh-2
Thị giá IDI mất 41% trong 1 tháng. 
Thị giá giảm mạnh gây dấu hỏi lớn khi tình hình kinh doanh của IDI khá thuận lợi đồng thời công ty chịu chi trả cổ tức sau 3 năm. Doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp bắt đầu cải thiện từ quý 4/2021 và bùng nổ trong nửa đầu 2022.
Doanh thu thuần đạt 4.258 tỷ đồng, tăng 33%; lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 427 tỷ đồng, gấp 10 lần so với cùng kỳ 6 tháng đầu năm 2021. Nếu so với kết quả cả 2 năm 2020 và 2021 cộng lại, con số lợi nhuận này cao hơn 83%. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến thời điểm cuối quý 2 đạt trên 903 tỷ đồng.
TNG và GIL là 2 đại diện nhóm dệt may ghi nhận mức giảm mạnh lần lượt 40% và 39%. Nguyên nhân có thể do bức tranh ngành dệt may quý 4 được dự báo không mấy tươi sáng, đơn hàng giảm vì lạm phát ở các thị trường gia tăng, hàng tồn kho của khách hàng ở mức cao, đặc biệt ở Mỹ và EU.
Theo khảo sát của SSI, các nhà sản xuất hàng may mặc trong nước, số lượng đơn đặt hàng trong quý 4 thấp hơn 25-50% so với quý 2, tương đương giảm 15-20% so với cùng kỳ năm 2021.
Thực tế, GIL chứng kiến sự sụt giảm nghiêm trọng trong doanh thu hàng tháng trong quý 3 (doanh thu tháng 6 giảm 60% so với cùng kỳ, tháng 7 giảm 83%) do công ty phụ thuộc nhiều vào một khách hàng lớn.
Mặt khác, biến động tỷ giá USD/VND cũng khiến nhiều nhà xuất khẩu dệt may gặp khó khăn. Hiện, hầu hết công ty dệt may đều ghi nhận doanh thu bằng USD nhưng nhiều chi phí của họ cũng được tính bằng USD. Do đó trong quý 2, nhiều công ty đã ghi nhận khoản lỗ tỷ giá.
Khi triển vọng bán hàng trở nên ảm đạm, trong khi tỷ giá USD/VND được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong nửa cuối năm 2022, điều này sẽ tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có chi phí bằng USD cao như TNG…
Được kỳ vọng về giao dịch T+2 sẽ thúc đẩy thị trường giao dịch mạnh mẽ và đóng góp tích cực cho đà tăng của nhóm cổ phiếu chứng khoán tuy nhiên mọi chuyện đều xảy ra ngược lại, hầu như thị trường đỏ lửa vì các thông tin vĩ mô khá tiêu cực. Do đó trong tháng qua VIX, APS, SHS, VCI là đại diện nhóm chứng khoán giảm hơn 30%.
Hiện tại, thị trường chứng khoán khá rủi ro và không có nhiều tin tức hỗ trợ tích cực cho nhóm ngành này nên không có báo cáo nhận định về triển vọng cho nhóm chứng khoán.
Diem ten nhung co phieu giam tren 30% trong thang 9-Hinh-3
Danh sách các cổ phiếu giảm hơn 30% trong tháng 9. 
Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN