Đại hội Nam Kim: Có thể đạt hoặc vượt kế hoạch kinh doanh sau 6 tháng

Chia cổ tức và thưởng cổ phiếu tỷ lệ 20%
Phát biểu tại kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên sáng ngày 24/4, ông Hồ Minh Quang, Chủ tịch HĐQT Thép Nam Kim (HoSE: NKG) cho biết ngành thép Việt Nam sau nửa đầu năm 2020 ảm đạm đã khởi sắc trong nửa cuối năm. Giá thép tăng mạnh từ quý cuối năm do kỳ vọng nền kinh tế vĩ mô phục hồi sau đại dịch, sự gián đoạn nguồn cung toàn cầu trong khi nhu cầu được cải thiện nhờ vào dòng vốn đầu tư công của Chính phủ các nước được giải ngân mạnh mẽ nhằm bù đắp cho sự sụt giản của khối tư nhân.
Nhờ vậy, Thép Nam Kim ghi nhận kết quả ấn tượng trong năm 2020. Cụ thể, dù doanh thu giảm 5% xuống 11.614 tỷ đồng nhưng tổng sản lượng tăng 5% đạt 703.843 tấn, lợi nhuận sau thuế đạt 295 tỷ đồng, gấp 6,2 lần năm trước.
Với kết quả này, HĐQT trình phương án chia cổ tức mặt tỷ lệ 10% (đã tạm ứng 3% tiền mặt, 7% còn lại trả cổ phiếu) từ lợi nhuận sau thuế, thưởng cổ phiếu 13% từ thặng dư vốn cổ phần. Tổng tỷ lệ cổ tức và thưởng chưa thực hiện là 20% bằng cổ phiếu.
HĐQT dự kiến phát hành tối đa 1 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP), không bị hạn chế quyền chuyển nhượng với giá 10.000 đồng/cp. Đối tượng chào bán là cán bộ quản lý (không bao gồm Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc) của Thép Nam Kim và công ty con, công ty liên kết. Tiêu chí cụ thể, danh sách và số lượng cổ phiếu được mua chi tiết do HĐQT phê duyệt.
Thời điểm phát hành là trong năm 2021. Thời gian thực hiện cụ thể giao cho HĐQT quyết định trên cơ sở phù hợp với giấy phép/ chấp thuận của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền và phù hợp với điều kiện thị trường.
Dai hoi Nam Kim: Co the dat hoac vuot ke hoach kinh doanh sau 6 thang-Hinh-2
Đại hội Nam Kim sáng ngày 23/4. Ảnh; M.H 
Kế hoạch lãi gấp đôi lên 600 tỷ đồng
Năm nay, triển vọng ngành thép nội địa được dự báo sẽ tiếp tục thăng hoa khi thị trường bất động sản khu công nghiệp lẫn dân dụng lấy lại đà tăng trưởng dưới sự dẫn dắt của làn sóng đầu tư công mạnh mẽ. Với hàng loạt dự án hạ tầng của chính phủ như hơn 500 km đường cao tốc Bắc Nam và khu vực đồng bằng sông Cửu Long, sân bay quốc tế Long Thành, sân bay Phan Thiết… Triển vọng thép toàn cầu cũng khả quan nhờ tiến trình tiên ngừa vắc xin phòng dịch Covid-19 được triển khai nhanh chóng, qua đó tạo động lực cho sản lượng thép phục hồi.
Theo đó, nới năm 2021, doanh nghiệp trình kế hoạch tổng sản lượng 900.000 tấn, tăng 28%; tổng doanh thu 16.000 tỷ đồng, tăng 38%; lợi nhuận sau thuế 600 tỷ đồng, gấp đôi thực hiện 2020. Cổ tức tối đa 10% bằng tiền mặt hoặc cổ phiếu.
Chia sẻ tại đại hội, ông Võ Hoàng Vũ, Tổng giám đốc cho biết kế hoạch xây dựng đầu năm, thời điểm giá thép thấp hơn nhiều so với hiện nay nên doanh thu năm nay có thể đạt 19.000 tỷ đồng.
Để thực hiện kế hoạch năm nay, ban lãnh đạo Nam Kim đề ra giải pháp tối ưu hóa nội lực như nâng công suất lên 1 triệu tấn/năm; đầu tư kho hàng cho thị trường nội địa và nhà máy ống thép hàn trên diện tích 5 ha tại Bình Dương với tổng đầu tư 250 tỷ đồng. Cùng với đó, doanh nghiệp tiếp tục nghiên cứu sản phẩm mới; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu tập trung vào thị trường châu Âu, Bắc Mỹ và Australia; nhất quán chính sách quản lý hàng tồn kho, xây dựng các kịch bản thị trường nguyên liệu nhằm kiểm soát rủi ro biến động giá, xây dựng chính sách luân chuyển hàng tồn kho nhằm tiết kiệm chi phí…
Đại hội thảo luận: Ông Võ Hoàng Vũ và ông Hồ Minh Quang thay nhau trả lời cổ đông
6 tháng chắc chắn hoàn thành hoặc vượt kế hoạch năm
- Doanh nghiệp quản lý rủi ro giá nguyên liệu tăng thế nào?
- Nam Kim có 2 thị trường nội địa và xuất khẩu. Với thị trường xuất khẩu, giá nguyên liệu tăng chuyển tải hết vào giá bán. Nhu cầu ở các thị trường như châu Âu, Bắc Mỹ rất tốt, có hiện tượng thiếu cung nên doanh nghiệp có thế chuyển tải giá tăng nguyên liệu vào giá xuất khẩu ngay. Với thị trường nội địa thì giá nguyên liệu và giá bán vẫn còn độ trễ nhưng không quá chênh lệnh, doanh nghiệp vẫn đang kiểm soát tốt.
- Chia sẻ về nhà máy bột giấy Dae Myung Paper Việt Nam mới mua?
- Hiện nay, các nhà máy của Nam Kim đang quá tải, doanh nghiệp đang cơ cấu lại. Nam Kim cần di dời ra kho hàng ra khỏi nhà máy tôn mạ để tập trung sản xuất, đồng thời cũng để tối ưu dịch vụ bán hàng. Doanh nghiệp mua nhà máy nhưng thực sự là mua đất để xây dựng kho bãi và nhà máy ống thép hàn, tổng chi phí 250 tỷ đồng.
- Chia sẻ về kế hoạch đầu tư nhà máy Chu Lai?
- Doanh nghiệp đánh giá thị trường niềm Nam đang rất tốt, đặc biệt là tăng trưởng bán hàng ống thép. Do vậy, Nam Kim tạm thời chậm lại kế hoạch đầu tư nhà máy Chu Lai để tập trung cho nhà máy ở Bình Dương cùng hoàn thiện các công tác bán hàng, dịch vụ. Ngoài ra, để phát triển nhà máy ở Chu Lai liên quan đến việc gia tăng nguyên vật liệu, gia tăng năng lực sản xuất.
Với nhà máy ở Chu Lai, doanh nghiệp mới dừng ở nhận đất, chi phí bỏ ra 1 triệu USD nên việc làm chậm lại không ảnh hưởng nhiều.
- Kế hoạch kinh doanh có quá cao không?
- Thực ra, kế hoạch kinh doanh của Thép Nam Kim đang rất thận trọng. Hiện nay, giá thép tăng cao, lợi nhuận các doanh nghiệp thép rất tốt nhưng giá có tăng thì có giảm. Do vậy, doanh nghiệp phải lên phương án quản trị rủi ro tốt.
Ban điều hành đánh giá đến 6 tháng đã có thể đạt hoặc vượt nhưng còn quý III và quý IV chưa rõ rủi ro ra sao. Do vậy, ban điều hành xin cổ đông giữ nguyên kế hoạch.
- Ban lãnh đạo có thể dự báo triển vọng giá thép 2021?
- Diễn biến ngành thép từ 2020 qua 2021 xoay chiều bất ngờ. Tôi cho rằng trong 2021-2023 chắc chắn kinh tế toàn cầu phục hồi, tiêu thụ thép tăng lên. Giá thép hiện nay tăng liên tục là do thiếu cung, thị trường Mỹ và châu Âu thiếu nhiều. Trong 10 năm qua, các nước phát triển không vận hành lò cao sản xuất thép, chỉ còn lại Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc đang cắt giảm sản xuất thép để bảo vệ môi trường thì nguồn cung không còn dư thừa nữa.
Nhìn chung, trong dài hạn, triển vọng ngành thép rất tốt nhưng ngắn hạn có biến động giá thì cần quản trị rủi ro.
- Kế hoạch chuyển nhượng Mỹ Xuân, Vũng Tàu?
- Nam Kim đang tập trung nguồn lực cho nhà máy hiện tại ở Bình Dương. Nam Kim mua đất trước cho kế hoạch đầu tư do hiện nay đất khu công nghiệp ngày càng hiếm. Giá trị khu đất ở Mỹ Xuân đã tăng gấp 3 so với giá mua, trong tình hình tài chính đang tốt thì doanh nghiệp không vội vàng bán đất.
- Nam Kim có kế hoạch xây dựng cửa hàng bán lẻ?
- Nam Kim tập trung vào hoạt động sản xuất, thúc đẩy bán hàng thông qua đơn vị phân phối.
Đại hội thông qua tất cả tờ trình của HĐQT.
Theo NDH

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN