Covid-19 là cơ hội kiểm định vai trò của Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank

Vào lúc 7 giờ tối ngày 11-5, tin báo trên App Vietcombank của tôi rung lên với thông báo “Từ ngày 15-4-2020, Vietcombank thực hiện giảm số tiền lãi phải trả để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Chúng tôi chân thành chia sẻ và hi vọng sự hỗ trợ này sẽ giúp quý khách vượt qua được giai đoạn khó khăn này”.
Đây là một động thái của Vietcombank nhằm tiếp tục hỗ trợ khách hàng trước những tác động nặng nề của dịch bệnh Covid-19.

Covid-19 la co hoi kiem dinh vai tro cua Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank
Big 4 hoàn toàn có đủ năng lực, tiềm lực, uy tín và cơ chế để chi phối, quyết định dẫn dắt thị trường. Ảnh minh họa Thành Hoa

Vietcombank, cùng với 3 ngân hàng khác (BIDV, Agribank và Vietinbank) là 4 ngân hàng thương mại (NHTM) quốc doanh lớn nhất hiện nay ở Việt Nam (giới ngân hàng vẫn thường gọi là nhóm Big4) với quy mô huy động vốn và cấp tín dụng chiếm quanh mức 50% toàn hệ thống ngân hàng.

Theo báo cáo tài chính của 4 ngân hàng này, tổng số vốn điều lệ nhóm Big4 hiện khoảng 144.000 tỉ đồng, tổng tài sản lên tới hơn 5 triệu tỉ đồng (gấp đôi tổng tài sản mà Ủy ban Quản lý vốn nhà nước đang nắm giữ tại 19 tập đoàn, tổng công ty. Liệt kê ra những con số như vậy để thấy rõ quy mô, thị phần và vai trò dẫn dắt thị trường của nhóm 4 ngân hàng này là vô cùng lớn.

Thời gian qua, nền kinh tế Việt Nam bị tác động tiêu cực nặng nề do dịch bệnh Covid -19. Ngay sau khi nhận thấy tác động nặng nề của dịch bệnh và dự báo tình hình phức tạp còn kéo dài trong năm, NHNN đã có những động thái chính sách tức thời như ban hành chính sách cơ cấu lại nợ cho khách hàng nhưng không chuyển nhóm nợ (theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13-3-2020 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid 19); điều chỉnh giảm lãi suất điều hành và chỉ đạo cắt giảm phí dịch vụ thanh toán, phí thông tin dịch vụ tín dụng...

Các chính sách này được đánh giá là khá nhanh nhạy, kịp thời của NHNN. Tuy nhiên, song song với đó, bản thân tôi cũng còn nhiều ý kiến băn khoăn. Ví như việc Thông tư 01/2020/TT-NHNN không cho phép các tổ chức tín dụng (TCTD) được ghi nhận lãi dự thu đối với nợ tái cơ cấu do Covid19, vậy điều này có làm giảm động cơ tái cơ cấu nợ của các TCTD?

Ngoài ra, chính sách giảm lãi suất điều hành đã thực sự tác động tới lãi suất cho vay ra nền kinh tế hay giảm lãi vay đối với dư nợ hiện hữu? Việc giảm lãi vay chỉ mới chú trọng đến khoản vay mới nhưng khi tín dụng không tăng, thậm chí tăng trưởng âm tại nhiều ngân hàng thì liệu có tác động tích cực được không?

Trong bối cảnh này, hơn bao giờ hết, Chính phủ/NHNN cần lưu ý về công cụ đặc biệt quan trọng đang nắm giữ, đó là hệ thống các NHTM quốc doanh.

Như đã nói trên, Big 4 hoàn toàn có đủ năng lực, tiềm lực, uy tín và cơ chế để chi phối, quyết định dẫn dắt thị trường. Một động thái giảm lãi suất cho vay của Big 4 hoàn toàn có thể dẫn thị trường tín dụng, khiến lãi suất thay đổi, giảm theo.

Kinh tế học chỉ ra vai trò của người làm giá (price maker) trên thị trường, các thành viên khác trên thị trường phải làm theo, gọi chung là người chấp nhận giá (price takers). Như vậy, nếu cả 4 NHTM quốc doanh cùng vào cuộc giảm lãi suất (cho cả khoản vay hiện hữu và khoản tín dụng mới), chấp nhận thắt chặt chi tiêu, giảm phí, giảm lợi nhuận để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid 19, khi đó các doanh nghiệp sẽ được tiếp sức, có thêm nguồn lực vượt qua khủng hoảng.

Vấn đề là nhóm Big4 có muốn làm hay không? Điều này, Chính phủ/NHNN hoàn toàn có thể chỉ đạo.

Trong 4 NHTM, Agribank là NHTM 100% vốn nhà nước, quyền chỉ đạo của NHNN là tối cao. Ba NHTM còn lại là NHTM cổ phần nhưng Nhà nước cũng chi phối ở mức cao, gần như tuyệt đối (do Nhà nước nắm giữ từ 65% vốn điều lệ trở lên), do đó NHNN có quyền chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước thực hiện nhiệm vụ.

Vai trò chi phối hệ thống và thị trường của nhóm Big4 là đã rõ, tiềm lực họ có sẵn, nhưng họ cần một động cơ, một lý do, một quyết tâm và một chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ hoặc NHNN.

Hãy nhớ rằng, chính các NHTM này đang đề xuất với Chính phủ, Quốc hội phương án đầu tư, bổ sung vốn điều lệ.

Một trong các lý do đưa ra để đề xuất là giúp các ngân hàng này đáp ứng được các giới hạn, tỷ lệ an toàn vốn do NHNN đặt ra; để có thêm nguồn lực cấp tín dụng cho người dân, doanh nghiệp; phát huy vai trò đầu tàu, dẫn dắt huyết mạch của nền kinh tế.

Vậy hậu Covid 19 phải chăng là cơ hội tuyệt vời để kiểm định lại vai trò của các NHTM quốc doanh? Nếu họ vào cuộc cùng Chính phủ, đảm đương và phát huy tốt vai trò của mình, Quốc hội và Chính phủ hoàn toàn có đủ cơ sở để bơm thêm vốn cho các NHTM quốc doanh.

Trái lại, nếu không hoàn thành tốt sứ mệnh này, Chính phủ cũng có thể cân nhắc tới phương án giảm tỷ lệ sở hữu, nới room cho nhà đầu tư bên ngoài nâng cao tỷ lệ sở hữu.

Theo Lê Trần/TBKTSG

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN