Cổ phiếu RIC tăng trần 31 phiên: Coi chừng 'kẹp hàng' khi cuộc 'thổi' giá kết thúc

Giữa lúc thị trường giằng co tăng giảm thì cổ phiếu RIC của CTCP Quốc tế Hoàng Gia - đơn vị vận hành casino lớn nhất ở Quảng Ninh luôn đắm chìm trong sắc tím, ghi nhận mức tăng dựng đứng liên tiếp trong 31 phiên.
Đà tăng của RIC bắt đầu từ ngày 8/1 với mức giá 4.800 đồng/cp lên 37.750 đồng/cp (kết phiên 1/3) trong tình trạng “trắng bên bán” với dư mua hàng chục nghìn đơn vị.
Trong giai đoạn trước đó, cổ phiếu RIC thuộc nhóm cổ phiếu penny (trà đá) có thị giá chỉ quanh mức 5.000 đồng/cp, giao dịch với thanh khoản hạn hẹp vài nghìn đơn vị mỗi phiên, thậm chí có những phiên không có giao dịch.
Hơn nữa, RIC còn bị Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) đưa vào diện kiểm soát vì báo cáo tài chính soát xét bán niên 2020 ghi nhận lỗ sau thuế chưa phân phối hơn 280 tỷ đồng.
Trước đó, hoạt động thua lỗ khiến cổ phiếu bị HoSE hạn chế giao dịch, chỉ được khớp lệnh và thoả thuận vào phiên chiều.
Dù vậy, đến nay cổ phiếu RIC đã bắt đầu xuất hiện nhiều phiên giao dịch sôi động với giá trị khớp lệnh lên đến hàng tỷ đồng, thậm chí vẫn có nhà đầu tư “xếp hàng” chờ mua cổ phiếu này tại mức giá trần.
Vốn hóa thị trường tương ứng tăng gấp 7,7 lần sau chưa đến 2 tháng, đạt gần 2.700 tỷ đồng.
Được biết, chủ sở hữu RIC (công ty mẹ) là Công ty TNHH Đầu tư Quốc tế Khải Tiệp, thành lập tại George Town, Đảo Grand Cayman, Quần đảo Cayman. Công ty này đang nắm giữ 52,4% cổ phần của RIC. Tiếp sau đó là Thành viên HĐQT Lê Quốc Thắng sở hữu 8,53% vốn.
Ngoài cổ đông lớn này, các cổ đông lớn khác của RIC đều là các cá nhân trong bộ máy lãnh đạo công ty. Giao dịch người nội bộ của RIC trong năm vừa qua cũng rất hạn chế, duy chỉ có ông Nguyễn Khởi Phát (Juan, Chi Fa - Đài Loan) thực hiện mua tăng tỷ lệ sở hữu từ 2,68% lên 3,27%.
Co phieu RIC tang tran 31 phien: Coi chung 'kep hang' khi cuoc 'thoi' gia ket thuc
 Đà tăng dựng đứng trong vòng 31 phiên của RIC.
Động lực tăng của RIC đến từ đâu?
Đà tăng mạnh của cổ phiếu RIC diễn ra trong bối cảnh doanh nghiệp kinh doanh ngày càng sa sút và thua lỗ. Cụ thể, trong năm 2020, RIC ghi nhận doanh thu 125 tỷ đồng, giảm 47% so với thực hiện trong năm 2019, đồng thời chi trả thêm các chi phí khiến doanh nghiệp này lỗ tới 82 tỷ đồng, là năm thứ 2 liên tiếp báo lỗ (lỗ năm 2019 là 73 tỷ đồng).
Tình trạng thua lỗ triền miên của casino lớn nhất Quảng Ninh bắt đầu từ năm 2013. Ban lãnh đạo công ty cho rằng nguyên nhân đến từ việc các nước trong khu vực ồ ạt mở thêm sòng bạc nên lượng khách phân tán, thị phần bị xé nhỏ trong khi quy định không cho phép người Việt tham gia.
Hạ tầng giao thông trong khu vực như sân bay Vân Đồn, đường cao tốc Hà Nội – Hạ Long chậm tiến độ cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc thu hút nhóm khách du lịch gốc Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Giai đoạn 2016-2019, RIC lỗ ròng tổng cộng gần 207 tỷ đồng. Ở mảng casino, doanh thu của công ty sụt giảm những năm gần đây khi lượng khách từ Trung Quốc và Đài Loan đến ít hơn.
Do đó, tổng lỗ lũy kế trên bảng cân đối kế toán của RIC tính đến cuối năm 2020 đã ở mức 282,5 tỷ đồng. Cùng bởi tình hình bê bết, RIC đã không trả cổ tức từ năm 2012 đến nay.
Đáng chú ý, trong báo cáo soát xét bán niên năm 2020, đơn vị kiểm toán là Deloitte đã nhấn mạnh tới khả năng hoạt động liên tục của RIC. Cụ thể, sự lây lan của đại dịch có tác động không nhỏ tới tình hình tài chính và hoạt động sản xuất của RIC.
Trong kỳ hoạt động 6 tháng đầu năm, Công ty tiếp tục chịu lỗ từ hoạt động kinh doanh và có dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm. Tại ngày 30/6/2020, Công ty tiếp tục có lỗ luỹ kế và tổng nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn.
“Khả năng hoạt động liên tục của Công ty trong vòng 12 tháng tới phụ thuộc vào sự hỗ trợ về tài chính từ các tổ chức tài chính, khả năng thu hồi các khoản phải thu và gia hạn các khoản phải trả của Công ty”, đơn vị kiểm toán Deloitte nhận định.
Tính tới cuối năm 2020, Công ty vẫn mất cân đối khi nợ phải trả ngắn hạn đạt 118 tỷ đồng, vượt quá lượng tài sản ngắn hạn (60 tỷ đồng).
Với diễn biến dịch Covid-19 có dấu hiệu phức tạp trong nước, hoạt động kinh doanh của RIC được dự đoán vẫn tiếp tục gặp thách thức trong năm 2021.
Nếu tiếp tục báo lỗ trong năm nay, RIC sẽ phải hủy niêm yết bắt buộc và kịch bản này nếu xảy ra sẽ khiến thanh khoản cổ phiếu suy giảm, nhà đầu tư bị mắc kẹt.
Nhiều nhận định cho rằng, các nhà đầu tư lớn đã “thổi giá” cổ phiếu để được hưởng lợi khiến RIC tăng trần tận 31 phiên liên tiếp.
Co phieu RIC tang tran 31 phien: Coi chung 'kep hang' khi cuoc 'thoi' gia ket thuc-Hinh-2
 RIC sẽ tăng đến đâu?
Ghi nhận trên thị trường chứng khoán Việt Nam, việc tăng giá bất thường của các cổ phiếu với nhiều phiên tăng trần liên tiếp thường liên quan đến những thương vụ đặc biệt.
Trong năm 2020, cổ phiếu GAB của Đầu tư khai khoáng và Quản lý tài sản FLC cũng tăng 14 lần. Sau đó, thị trường xuất hiện thông tin về sáp nhập của công ty này với các công ty khác liên quan đến Tập đoàn FLC là Xây dựng Faros (ROS) và Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone (AMD).
Nói về cổ phiếu tăng dựng đứng gần đây có thể kể đến DAT của CTCP Đầu tư du lịch và Phát triển Thủy sản với 38 phiên tăng trần liên tiếp từ mức giá 6.820 đồng/cp tại phiên 8/2/2020 lên đến đỉnh 12/8/2020 là 92.100 đồng/cp.
Mặc dù tăng giá mạnh nhưng gần như không có nhiều nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu này vì thanh khoản chỉ đạt vài trăm thậm chí vài chục đơn vị mỗi phiên.
Bên cạnh đó, cơ cấu cổ đông của công ty cũng tương đối cô đặc khi Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia I.D.I (IDI) nắm giữ 79,25% vốn điều lệ. Công ty mẹ của IDI là Tập đoàn Sao Mai (ASM) cũng đang sở hữu 3,94% vốn điều lệ.
Hệ luỵ là đến thời điểm hiện tại, giá cổ phiếu DAT “tụt dốc không phanh” và đang còn giữ ờ mức 28.000 đồng/cp.
Với RIC, hàng ngày lệnh mua vẫn chất đống cho thấy vẫn còn nhiều nhà đầu tư đua lệnh để gom RIC với mong muốn thu về lợi nhuận cao. Tuy nhiên với việc tăng nóng trong khi không có thông tin hỗ trợ thì nguy cơ nhà đầu tư bị 'kẹp hàng' rất có thể xảy ra khi cuộc 'thổi' giá kết thúc.  
Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN