Cổ phiếu ngành điện sẽ như nào trong năm 2023?

Đối với ngành điện, SSI Research kỳ vọng nhiều hơn về tỷ suất cổ tức hơn là mức độ tăng trưởng, trong khi VCBS cho rằng các dự án năng lượng tái tạo có thể hưởng lợi nhờ giá thành giảm.
SSI Research vừa công bố báo cáo phân tích ngành điện với chủ đề "Chú trọng đến cổ tức hơn mức độ tăng trưởng".
Theo SSI Research, tăng trưởng tiêu thụ điện suy yếu kể từ tháng 10/2022 do hoạt động xuất khẩu và tăng trưởng Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) chậm lại. Vào tháng 11/2022, tăng trưởng nhu cầu điện giảm tốc xuống 2,4% mặc dù cùng kỳ năm ngoái có mức nền so sánh thấp. Đồng thời, tốc độ tăng trưởng IIP đã giảm tốc xuống còn 5,3~5,5% trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 11 năm 2022 so với mức 10,3% trong tháng 9 năm 2022.
Tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện toàn quốc năm 2023 được dự báo sẽ giảm tốc độ xuống còn 5% dựa trên mức tăng trưởng GDP trong khoảng 6,0%-6,2%. Nhắc lại, dự báo về nhu cầu điện và tăng trưởng GDP năm 2022 của SSI Research lần lượt là 6,4% và 8,0%.
Theo NOAA, điều kiện thủy văn có thể duy trì thuận lợi cho đến quý 1 năm 2023 và sau đó trở nên kém thuận lợi hơn kể từ quý 2 năm 2023.
Do đó, SSI Research cho rằng đây là tình hình bất lợi đối với REE khi hơn một nửa lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ của REE đến từ mảng thủy điện.
Giá CGM (giá điện trên thị trường phát điện cạnh tranh) kỳ vọng đi ngang vào năm 2023, do nhu cầu nhiệt điện cao hơn sẽ bù đắp cho nhu cầu suy yếu trên toàn quốc.
Giá than thế giới duy trì ở mức cao sẽ có lợi cho các nhà máy nhiệt điện than sử dụng than trộn trong nước như QTP. Với tình hình kinh doanh hiện tại của EVN, SSI Research dự báo rằng nhiều khả năng EVNGENCO1 sẽ tăng mức chi trả cổ tức tiền mặt từ QTP. Theo kịch bản này, tỷ suất cổ tức năm 2022 của QTP có thể cao hơn dự báo hiện tại (13%).
Xu hướng giảm giá khí có thể hỗ trợ cho các nhà máy điện khí như NT2. Ở mức giá thị trường hiện tại, tỷ suất cổ tức năm 2022 của NT2 là 9,6%. Sẽ là tốt hơn nếu NT2 giao dịch ở mức tỷ suất cổ tức hấp dẫn hơn khoảng 13%-15%, cao hơn lãi suất tiền gửi 12 tháng hiện trong khoảng 8~10%. Việc NT2 không có các khoản nợ vay là điểm tích cực giúp tránh các rủi ro khi lãi suất cho vay tăng lên và biến động tỷ giá.
Đối với ngành điện, cũng như NT2, SSI Research kỳ vọng nhiều hơn về tỷ suất cổ tức hơn là mức độ tăng trưởng.
Co phieu nganh dien se nhu nao trong nam 2023?
 
Trong khi đó, CTCK Vietcombank (VCBS) cho rằng các dự án năng lượng tái tạo có thể hưởng lợi nhờ giá thành giảm.
Theo đó, VCBS cho rằng khi chính sách giá mới cho các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp được thông qua, các doanh nghiệp đang có kế hoạch mở rộng đầu tư vào lĩnh vực này trong trung và dài hạn như REE, PC1 và GEG sẽ được hưởng lợi nhờ xu hướng giảm chi phí đầu tư. 
Với các dự án năng lượng tái tạo, VCBS cho rằng có tín hiệu khởi sắc. Vào ngày 3/10/2022, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 15/2022/TT-BCT quy định về phương pháp xây dựng khung giá phát điện cho các nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng giúp các dự án trên sớm đi vào vận hành.
VCBS cho rằng sẽ mất nhiều thời gian trong quá trình đàm phán giá điện. Thông tư chỉ quy định cách xác định mức giá trần đối với các dự án NLTT chuyển tiếp dựa trên các dự án chuẩn mà không quy định quy trình đàm phán giữa EVN và từng dự án cụ thể nên có thể khiến cho việc xác định khung giá mất nhiều thời gian hơn.
Thời gian từ lúc thông tư 15 có hiệu lực cho đến khi Bộ Công Thương nhận được hồ sơ từ ERAV sẽ mất hơn 3 tháng và quá trình đàm phán giá bán điện của các nhà máy điện thường sẽ diễn ra trong thời gian dài nên VCBS kỳ vọng chính sách giá bán cho các dự án chuyển tiếp sẽ chỉ có thể chính thức ban hành vào cuối năm 2023.
Ngoài ra, VCBS cũng lưu ý các dự án nguồn điện mới. Trong đó sẽ có khoảng 14.120 MW nhiệt điện than không được phát triển mới sau khi QHĐ VIII được rà soát lại.
Không phát triển thêm dự án điện than sau năm 2030. Chỉ có 5 nhà máy điện than mới với tổng công suất 4.592 MW đi vào vận hành trong giai đoạn 2021-2025, các dự án dự kiến phát triển trong giai đoạn 2026-2030 hiện vẫn đang gặp khó khăn trong quá trình triển khai đầu tư.
Còn các dự án nhiệt điện khí được phát triển mạnh trong thời gian tới. Dự kiến sẽ có khoảng 3 nhà máy điện khí sử dụng nguồn khí Lô B: Ô Môn II (1.050 MW), Ô Môn III (1.050) và Ô Môn IV (1.050) đi vào vận hành trong giai đoạn 2021-2025. Quá trình triển khai các dự án trên hiện đang có những tín hiệu khả quan nhất định.
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN