Cổ phiếu ngân hàng nào nên chú ý khi lãi suất giảm?

Lựa chọn hàng đầu của Yuanta vẫn tập trung vào ACB và MBB, khuyến nghị mua HDB và VPB. Còn VCB và STB tạm thời được đưa ra khỏi khuyến nghị.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã công bố đợt cắt giảm lãi suất điều hành lần thứ 3 trong năm 2023, có hiệu lực từ ngày 25/5. Trước đó, NHNN đã hai lần giảm lãi suất điều hành vào tháng 3 và tháng 4/2023. 
Theo Chứng khoán Yuanta, quyết định cắt giảm lãi suất của NHNN nhằm kích thích nền kinh tế trong bối cảnh GDP quý 1/2023 tăng trưởng thấp. CPI bình quân 4 tháng đầu năm ở mức 3,84% so cùng kỳ vẫn thấp hơn mục tiêu cả năm là 4,5% so cùng kỳ, điều này hỗ trợ NHNN linh hoạt trong việc nới lỏng chính sách tiền tệ.
Lãi suất giảm sẽ giúp giảm chi phí vốn cho các ngân hàng, từ đó giúp các ngân hàng có cơ sở để giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ người vay. Ngoài ra, tiền gửi có kỳ hạn sẽ kém hấp dẫn hơn do lãi suất thấp hơn, điều này có thể giúp tăng lượng tiền CASA, góp phần làm giảm chi phí huy động vốn cho các ngân hàng.
Lãi suất giảm cũng phần nào giúp giảm bớt gánh nặng cho người đi vay, từ đó làm giảm áp lực trích lập dự phòng cho các ngân hàng. Ngoài ra, các tài sản rủi ro, bao gồm cả cổ phiếu cũng sẽ được hưởng lợi từ việc giảm lãi suất.
Theo Bloomberg, P/B 2023E trung vị ngành ngân hàng đang ở mức 1,1x với ROE 2023E là 19%.
Do đó, lựa chọn hàng đầu của Yuanta vẫn tập trung vào ACB và MBB. Đồng thời công ty chứng khoán này cũng đưa ra khuyến nghị mua đối với cổ phiếu HDB và VPB. Còn VCB và STB tạm thời được đưa ra khỏi khuyến nghị mua do giá những cổ phiếu này ở thời điểm hiện tại đã gần chạm giá mục tiêu của Yuanta.
Tích sản khi định giá ở mức thấp
Trong khi đó, FIDT đánh giá, kết quả kinh doanh của các ngân hàng vẫn sẽ chịu nhiều áp lực trong khoảng thời gian còn lại của năm 2023 khi chất lượng nợ của các ngân hàng suy giảm mạnh, nợ xấu mới hình thành cao nhưng chưa mạnh tay xử lý trong quý 1 sẽ tạo áp lực lên các quý tiếp theo.
Co phieu ngan hang nao nen chu y khi lai suat giam?
 
Nhìn hình trên rõ ràng VCB có vị thế nhất định về định giá so sánh với chất lượng tài sản vượt trội và vị thế. Nhóm được định giá cao hiện tại thiên hướng về nhóm có free-float thấp hơn.
Nhóm “Định giá thấp – ROE cao” là các ngân hàng có tốc độ tăng trưởng nhanh và phong cách kinh doanh tương đối năng động.
Khi so sánh định giá P/B hiện tại so với trung bình từ 2016-nay, FIDT thấy đa phần cổ phiếu ngành ngân hàng đang nằm gần biên dưới (vùng định giá rẻ của chính nó) phản ánh những rủi ro ngành đang gặp phải và dòng tiền thị trường không đủ mạnh để ủng hộ ngành ngân hàng.
Tóm lại, FIDT đánh giá, KQKD các ngân hàng tiếp tục duy trì sự tích cực trong q1.2023 tuy nhiên các vấn đề về chất lượng tài sản và rủi ro của các Ngân hàng đang tăng lên phản ánh tình hình chung hiện nay. KQKD của các Ngân hàng vẫn sẽ càng áp lực trong các quý tiếp theo do tăng trích lập dự phòng để ổn định chất lượng tài sản.
Xu hướng giảm tốc trong tăng trưởng cho vay và quy mô bảng cân đối sẽ tiếp diễn trong năm 2023. NIM vẫn sẽ chịu nhiều áp lực trong nửa đầu năm 2023 và dần ổn định vào nửa cuối năm.
Chất lượng tài sản các ngân hàng đang suy giảm mạnh tuy nhiên các ngân hàng chưa thực sự mạnh tay xử lý trong quý 1/2023 sẽ gây áp lực lên kết quả kinh doanh trong các quý tiếp theo.
Do đó, FIDT đánh giá, năm 2023 vẫn sẽ là một năm nhiều khó khăn bất lợi cho ngành ngân hàng. Chiến lược đầu tư FIDT cho rằng phù hợp với ngành ngân hàng trong năm 2023 là tích sản khi định giá ở mức thấp.
Vẫn còn đó sự hấp dẫn
Chứng khoán BSC cho rằng, với các rủi ro của ngành đã dần lộ diện như tốc độ tăng trưởng lợi nhuận chậm lại hay lo ngại về chất lượng tài sản, các yếu tố này đã phần nào được phản ánh vào giá cổ phiếu ngân hàng và mức định giá hiện tại của ngành vẫn hấp dẫn (P/B TTM trung bình các ngân hàng niêm yết trên HOSE loại trừ VCB, BID, SSB là 1.1x so với trung bình 5 năm là 1.5x), đặc biệt là sau hàng loạt các chỉ đạo và chính sách hỗ trợ từ đầu năm.
BSC đánh giá triển vọng của ngành ngân hàng trong 2H2023 sẽ tiếp tục xoay quanh xu hướng hạ lãi suất hỗ trợ nền kinh tế, thúc đẩy giải ngân đầu tư công và  các chính sách tháo gỡ nút thắt pháp lý cho thị trường bất động sản giúp ổn định chất lượng tài sản và cải thiện tăng tưởng tín dụng. Do đó, chúng tôi duy trì quan điểm khả quan với ngành ngân hàng.
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN