Cổ phiếu ngân hàng 'rồ ga' sau lễ: Có nên tiếp tục gom thêm?

Các cổ phiếu nhóm ngân hàng vẫn giữ được vị thế “cổ phiếu vua” khi ghi nhận đà tăng áp đảo và đã phá kỷ lục của chính mình trong tuần giao dịch sau Lễ. 
Thị trường chứng khoán ngày 7/5 giao dịch với sắc đỏ trong phần lớn thời gian của phiên. Điểm sáng trong phiên này đó là việc các cổ phiếu nhóm ngân hàng vẫn giữ được vị thế “cổ phiếu vua” khi ghi nhận đà tăng áp đảo và đã phá kỷ lục của chính cổ phiếu đó.
Loạt cổ phiếu 'rồ ga tăng tốc'
Cổ phiếu TCB của Techcombank là cổ phiếu bứt phá mạnh mẽ đặc biệt hút sự chú ý của nhà đầu tư đạt 47.800 đồng/cp, mức cao nhất trong phiên 7/5. Trong 10 phiên giao dịch gần đây, thanh khoản của cổ phiếu này rất cao, đạt bình quân hơn 10 triệu đơn vị mỗi phiên.
Mới đây, ngân hàng JPMorgan đã nâng định giá cổ phiếu TCB từ 45.000 lên 55.000 đồng/cp, (2,4 USD/cổ phiếu) tính tới tháng 12/2021, được tính toán dựa trên mô hình chiết khấu cổ tức 2 giai đoạn.
Cũng theo JP Morgan, Techcombank có thể duy trì mức vốn chủ sở hữu ổn định, khiến tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) được ước tính sẽ tăng trưởng bền vững liên tục trong thời gian tới.
Bên cạnh đó cổ phiếu VPB của VPBank cũng được nhà đầu tư dòm ngó hơn sau thương vụ thoái vốn tại ‘gà đẻ trứng vàng’ FeCredit. Cổ phiếu này đã tăng liên tục trong hơn 1 tháng trở lại đây, đi từ mức 46.400 lên 61.600 đồng, tương ứng tăng hơn 30%, mức giá này là vùng cao nhất kể từ khi VPB niêm yết tới nay.
Trong báo cáo công bố mới đây, Công ty Chứng khoán SSI đã nâng khuyến nghị lên "khả quan" đối với cổ phiếu VPB với mức giá mục tiêu một năm sau điều chỉnh là 70.000 đồng/cổ phiếu.
Co phieu ngan hang 'ro ga' sau le: Co nen tiep tuc gom them?
 Đà tăng nóng của cổ phiếu ngân hàng.
Cổ phiếu HDB của HDBank cũng bắt đầu tăng giá mạnh từ phiên 5/5 khi có nhiều thời điểm tăng kịch trần, điều chỉnh giảm nhẹ ở phiên 6/5 và tiếp tục tăng sát trần trong phiên phiên ngày 7/5, lên mức cao kỷ lục kể từ khi niêm yết tới nay, ở mức 30.300 đồng/cổ phiếu.
Điểm tích cực nữa là nhà đầu tư nước ngoài hiện đang mua ròng HDB tới chục triệu đơn vị, trị giá trên dưới 250 tỷ đồng, là một trong những cổ phiếu được mua ròng nhiều nhất trên thị trường.
Cổ phiếu của VIB trong khi đó lập kỷ lục trong sáng ngày 7/5 khi lên 58.800 đồng và đã tăng hơn 10% trong vòng 1 tháng qua. Cổ phiếu này tăng nhanh kể từ sau khi ĐHĐCĐ thường niên vào cuối tháng 3, thời gian này thị giá VIB chỉ quanh 41.000-42.000 đồng/cp.
Bên cạnh các cổ phiếu đáng chú ý trên, nhiều cổ phiếu ngân hàng thời gian gần đây cũng tăng liên tục như OCB của OCB, ABB của ABBank, KLB của Kienlongbank...
Cổ phiếu STB của Sacombank, SHB của SHB, SSB của SeABank trước đó là tâm điểm thị trường nhưng những phiên gần đây lại điều chỉnh giảm và phần nào giảm sức hấp dẫn.
Nên gom thêm cổ phiếu ngân hàng?
Trong thời gian tới, theo đánh giá của các chuyên gia, cổ phiếu ngân hàng tiếp tục diễn biến tích cực. Về triển vọng cổ phiếu ngành Ngân hàng, các chuyên gia trên thị trường cho rằng nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục là trụ cột, động lực quan trọng dẫn dắt chỉ số VN-Index vượt qua mốc kháng cự quan trọng để chinh phục đỉnh mới như sắp tới đây là mốc 1.300 điểm.
Dù vậy mức độ phân hóa giá cổ phiếu ngân hàng diễn ra mạnh hơn vì giá cổ phiếu của nhiều ngân hàng không còn rẻ, nên dư địa tăng không còn nhiều trong giai đoạn tới, ít nhất là hết quý 2.
Chỉ những ngân hàng có câu chuyện riêng hứa hẹn tạo sự đột phá. Còn các cổ phiếu khác có thể tăng nhẹ hoặc đi ngang trong thời gian sắp tới.
Với chiến lược đầu tư ngắn hạn, các nhà đầu tư có thể tìm đến những cổ phiếu có câu chuyện riêng, có chất lượng tài sản vững chắc và kinh doanh hiệu quả hoặc sức hút từ những cổ phiếu mới lên sàn.
Mặc dù tâm lý nhà đầu tư không còn e ngại nhiều trước diễn biến của dịch bệnh Covid, nhưng trong bối cảnh VN-Index đang tiến sát mốc quan trọng, thị trường sẽ có phiên điều chỉnh giảm, đi ngang trước khi bật tăng tiếp.
Do vậy, thời điểm hiện tại các nhà đầu tư nên thận trọng cân bằng tỷ lệ tiền mặt và cổ phiếu. Chỉ nên mua cổ phiếu trong phiên điều chỉnh không nên mua đuổi cổ phiếu đang tăng giá.
Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN