Cổ phiếu mía đường 'ăn mừng' khi Việt Nam áp thuế chống phá giá đường từ Thái Lan

Để “ăn mừng” với kết luận áp thuế, hàng loạt cổ phiếu nhóm ngành mía đường tăng điểm mạnh thậm chí tím trần trong phiên 16/6 dù cả thị trường đỏ lửa.
Ngày 15/6, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 1578/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá (CBPG) và chống trợ cấp (CTC) chính thức đối với đường mía có xuất xứ từ Thái Lan.
Cụ thể, sau khi cân nhắc tác động kinh tế-xã hội theo quy định của Luật Quản lý ngoại thương, tình hình cung-cầu hiện nay, ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Công Thương quyết định áp thuế CBPG, CTC chính thức đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ Thái Lan ở mức 47,64%. Quyết định áp thuế CBPG, CTC này có thời hạn 05 năm và có thể được rà soát theo đúng quy định pháp luật.
Để “ăn mừng” với kết luận áp thuế, hàng loạt cổ phiếu nhóm ngành mía đường tăng điểm mạnh thậm chí tím trần trong phiên 16/6 dù cả thị trường đỏ lửa.
Có thể kể đến như cổ phiếu LSS của CTCP Mía đường Lam Sơn ghi nhận mức tăng trần lên 11.100 đồng/cp, cổ phiếu SLS của CTCP Mía đường Sơn La cũng tăng 7,3% lên 136.000 đồng/cp, KTS của CTCP Mía đường Kon Tum tăng 4,3% lên 14.700 đồng/cp, QNS của CTCP Đường Quảng Ngãi tăng hơn 4,6%, SBT của TTC Sugar cũng tăng 3,9%,…
Co phieu mia duong 'an mung' khi Viet Nam ap thue chong pha gia duong tu Thai Lan
 Hàng loạt cổ phiếu mía đường giao dịch tích cực.
Giá đường thế giới hiện ở mức cao nhất trong 3 năm qua, tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá đường trắng tại sàn London kỳ hạn tháng 7 hiện đang ở mức 460 USD/tấn, nếu về đến Việt Nam giá bán sỉ tương đương 17,500 đồng/kg (kể cả thuế và phí).
Giá đường thế giới được dự báo còn tăng, có thể lên hơn mức 500 USD/tấn (chưa bao gồm thuế, phí và premium) do nhu cầu tăng mạnh hậu Covid và thiếu hụt nguồn cung.
Biến động lợi nhuận của doanh nghiệp ngành mía đường luôn phụ thuộc lớn vào giá đường do mặt hàng kinh doanh chủ yếu là đường trắng và đường tinh luyện, trong khi các phụ phẩm chưa được đẩy mạnh.
Theo đó, với kỳ vọng giá đường sẽ tiếp tục tăng trưởng trong niên vụ 2020-2021, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành dự báo sẽ tích cực, từ đó tác động đến giá cổ phiếu.
Theo VCBS, niên độ 2020-2021, sản lượng đường toàn cầu sẽ thấp hơn niên đô 2019-2020. Ấn Độ là nước hưởng lợi do sản lượng trong nước dư thừa, Thái Lan bị ảnh hưởng do thời tiết xấu và dự kiến không thể đạt mục tiêu xuất khẩu sang các nước khác.
Brazil thu hẹp diện tích mía do chuyển hướng sang sản xuất ethanol. Bên cạnh đó, triển vọng giá đường sẽ được thúc đẩy bởi tác động của La Nina (được xác nhận trong tháng 10 và kéo dài đến nửa đầu năm 2021).
Theo nhận định của Công ty Chứng khoán SSI trong báo cáo phân tích công bố mới đây, mặc dù giá đường thế giới đã điều chỉnh mạnh sau khi lập đỉnh ngắn hạn vào cuối tháng 2/2021, giá đường vẫn còn dư địa tăng khi nhu cầu toàn cầu đang phục hồi mạnh mẽ trong các tháng sắp tới.
Cụ thể, SSI cho rằng đường là thực phẩm thiết yếu và nhu cầu đối với mặt hàng này ít nhạy cảm với dịch Covid-19, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam vẫn thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung đường, khi đường sản xuất trong nước dự kiến niên vụ 2020/2021 chỉ đạt 600 nghìn tấn (giảm 34% so với cùng kỳ năm ngoái, theo ước tính mới nhất của hiệp hội mía đường VSSA).
Nhóm chuyên gia của SSI ước tính nhu cầu tiêu thụ đường trong nước vẫn ổn định với mức tăng trưởng khoảng 3-5%/năm và đạt mức 2,2 triệu tấn trong năm 2021.
Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN