Chuyên gia Nguyễn Hồng Điệp: Nâng hạng TTCK nhanh hay chậm phụ thuộc các bộ ngành thực thi

Trong suốt thời gian dài, TTCK Việt nam đã chứng kiến động thái bán ròng liên tục từ khối các nhà đầu tư nước ngoài. 
Có nhiều lý giải cho việc này như có ý kiến nghiêng về khối ngoại lo ngại tình hình phức tạp của dịch bệnh, tìm cách rút vốn. Hay có ý kiến cho rằng đơn giản họ chốt lời, khi đã mua ròng rất nhiều ở vùng giá thấp.
Nhưng có một luồng ý kiến rất đáng lưu tâm khi đưa ra giả thuyết NĐT nước ngoài chưa rót vốn trở lại TTCK Việt nam vì lý do chậm trễ trong việc đáp ứng các tiêu chí nâng hạng thị trường.
Vậy các tiêu chí nâng hạng thị trường chứng khoán là gì, rủi ro và cơ hội khi mở các tiêu chí đó ra như thế nào? Trong bài viết dưới đây, tôi xin được chia sẻ những kiến thức cơ bản, cũng như quan điểm và dự báo về thời điểm Việt nam chính thức được nâng hạng thị trường.
Tiêu chí nâng hạng
Trên thế giới có 3 tổ chức lớn về xếp hạng thị trường là FTSE Russell, MSCI và S&P Dow Jones. Định kỳ hàng năm họ đều đánh giá xếp hạng các nước theo tiêu chí riêng. Dù có những sự khác biệt nhất định, nhưng chủ yếu các tổ chức này tập trung vào các khía cạnh cơ bản như: mức độ phát triển của nền kinh tế, sự ổn định về chính trị, quy mô và tính thanh khoản của thị trường, hiệu quả vận hành của thị trường, khả năng tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài, khả năng lưu chuyển dòng vốn,...
Thị trường tài chính các nước được phân chia thành 3 nhóm là Thị trường phát triển (Devoloped Market), Thị trường mới nổi (Emerging Market) và Thị trường cận biên (Frontier Market). Riêng FTSE còn chia Thị trường mới nổi thành 2 loại: Mới nổi tiên tiến và Mới nổi sơ cấp. Theo tiêu chuẩn hiện nay, cả 3 tổ chức trên đều xếp Việt nam ở mức thấp nhất là Thị trường cận biên (Frontier Market).
Vậy Việt nam có lợi ích gì khi được nâng hạng thị trường lên Emerging Market? Đầu tiên là sẽ đưa hình ảnh đất nước lên tầm cao mới, tạo điều kiện thuận lợi trong tín dụng quốc gia. Thứ hai là thu hút dòng vốn đầu tư quốc tế, chủ yếu thông qua các Quỹ đầu tư chỉ số ETF.
Hầu hết các Quỹ ETF đang tracking dựa theo bộ chỉ số của FTSE hoặc MSCI. Một khi được nâng hạng tức sẽ thay đổi tỷ trọng đầu tư, một dòng tiền khổng lồ hàng tỷ dollar sẽ đổ vào thị trường. Thứ ba là khi lên thị trường mới nổi, sẽ làm tăng tính thanh khoản, quy mô giao dịch, đưa chứng khoán đến với nhiều tầng lớp xã hội hơn.
Với những lợi ích to lớn như trên, rõ ràng việc nâng hạng là giấc mơ đối với người làm tài chính Việt nam. Vậy để được xét đưa vào danh sách nâng hạng, Việt nam cần đáp ứng những tiêu chí gì?
Như đã nói ở phần trên, cả 3 tổ chức dù có những tiêu chí riêng biệt nhưng chủ yếu xoay quanh các yếu tố về sự ổn định chính trị, mức độ phát triển kinh tế đất nước, hiệu quả vận hành thị trường và các yếu tố mang tính kỹ thuật. Về những điều chính yếu như chính trị xã hội, Việt nam cơ bản đã đáp ứng tốt. Nhưng bên cạnh đó vẫn còn tồn đọng những khó khăn làm cản trở sự hòa nhập của thị trường. Những vướng mắc lớn nhất hiện nay là:
1. Khả năng tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài: Trong điều này có 2 phần lớn, một là giới hạn room, hai là quy trình lưu chuyển vốn ngoại tệ. Về giới hạn room thì Việt nam đã và đang tích cực thay đổi để đáp ứng bằng việc ban hành những bộ luật mới như luật Doanh nghiệp sửa đổi, luật Chứng khoán. Về quy trình lưu chuyển vốn ngoại tệ thì NHNN cũng đã có những thông tư mới tạo điều kiện thuận lợi và nhanh chóng cho nhà đầu tư nước ngoài.
2. Hoạt động thanh toán bù trừ: Đây là một trong những điểm yếu của TTCK Việt nam khi tiền bán cổ phiếu chờ về đang là T+2. Việc mua cổ phiếu theo chu kỳ T+3 là chấp nhận được, nhưng tiền bán cổ phiếu theo yêu cầu quốc tế phải là T0.
Đây là 2 vướng mắc mang tính trọng yếu, còn lại những vấn đề nhỏ hơn mang tính kỹ thuật như thông tin bằng tiếng Anh, điều kiện lao động, cũng dễ xử lý. Quan sát những phản ứng của Chính phủ Việt nam thấy rõ lòng mong muốn cải thiện môi trường đầu tư.
Chỉ còn lại là vấn đề xử lý hài hòa để không xung đột trong khung pháp lý. Việc nâng hạng thị trường nhanh hay chậm bây giờ phụ thuộc ở những bộ ngành thực thi.
Chuyen gia Nguyen Hong Diep: Nang hang TTCK nhanh hay cham phu thuoc cac bo nganh thuc thi
 Nhiều kỷ lục chấn động trên thị trường chứng khoán Việt.
Room ngoại và thời điểm nâng hạng  
Một trong những vướng mắc rất quan trọng liên quan đến việc chậm trễ nâng hạng của TTCK Việt nam là vấn đề room của nhà đầu tư nước ngoài. Dù đã có những bước tiến lớn, nhưng hiện Việt nam vẫn giới hạn room ngoại ở một số ngành nghề có điều kiện như ngân hàng, cảng biển,…
Trong lĩnh vực ngân hàng, suốt 21 năm qua vẫn khống chế room ngoại ở mức 30%. Mặc dù có nhiều đề xuất từ các tổ chức khác nhau, nhưng vấn đề này vẫn chưa có hướng giải quyết. Gần đây có những thông tin hành lang cho rằng đơn vị cao nhất là SBV đã có văn bản đề xuất nâng room cho các tổ chức tín dụng ngoài quốc doanh lên 35%, đặc biệt cho một vài đơn vị đáp ứng chuẩn Basell 3 và ký kết các hiệp định EVFTA lên 49%. Nếu điều này là sự thật và được thông qua sẽ là cú hích rất lớn cho thị trường, tạo niềm tin để nhà đầu tư nước ngoài rót vốn trở lại.
Bất kỳ chính sách nào cũng có 2 mặt của nó. Rủi ro khi nới room ngoại có thể xuất hiện trường hợp tổ chức nước ngoài thôn tính một ngân hàng nào đó. Ngân hàng là huyết mạch của nền kinh tế, có tính nhạy cảm rất cao. Tuy nhiên, rủi ro đó là không lớn.
Mặt lợi ích thu được lại rất đáng để đánh đổi. Về nội tại các ngân hàng sẽ được hưởng lợi từ công nghệ tiên tiến, từ phương pháp quản trị chuyên nghiệp và dòng vốn lớn, giá rẻ. Kể cả nếu có các tổ chức tài chính nước ngoài chiếm tỷ trọng bao phủ tại một vài ngân hàng cũng là điều nên chấp nhận.
Về mặt thị trường khi đó với room đầy đủ, việc mua bán của khối ngoại sẽ dễ dàng hơn. Có câu hỏi được đặt ra là tại sao bây giờ room nhiều nhà bank còn dư thừa, cần gì phải nới room? Thực ra độ dư thừa đó không thể hiện tính pháp lý và không có giá trị thúc đẩy hay tạo niềm tin vào điều hành. Chỉ khi có những thay đổi mang tính đột phá, đó mới là quyết tâm đạt mục tiêu nâng hạng.
Với những phân tích trên, tôi dự báo trong kỳ tháng 9/2022 của FTSE và kỳ tháng 11/2022 của MSCI, rất có nhiều khá năng Việt nam sẽ lọt vào danh sách xem xét nâng hạng lên Thị trường mới nổi. Nếu như vậy, sẽ mất khoảng 2 năm thử thách, tức đến năm 2024 Việt nam chính thức được lên hạng Emerging Market.
Dù thời gian không ngắn, nhưng nếu thể hiện được những sự nỗ lực từ phía Chính phủ và các bộ ngành, dòng tiền nước ngoài sẽ đổ vào TTCK ngay từ bây giờ. Nên chú ý vào những ngân hàng khối tư nhân như TCB, TPB, ACB, VPB.
Ngoài ra những mã có thanh khoản cao, có giá trị vốn hóa lớn, cũng là địa chỉ an toàn cho NĐT khi câu chuyện nâng hạng trở thành hiện thực. Hy vọng những điều tốt lành sẽ đến cho chứng khoán Việt Nam trong tương lai không xa.
Nguyễn Hồng Điệp (CEO Công ty Tư vấn đầu tư S-Talk)

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN