Chuyên gia đề xuất nên tính toán lại tỷ trọng VN30 và VN-Index, xem xét phiên ATO và ATC

Sáng ngày 25/5, tại buổi tọa đàm "Giải pháp phát triển thị trường chứng khoán bền vững" do Báo Người lao động tổ chức, các chuyên gia đã nêu ra nhiều vấn đề của thị trường chứng khoán cũng như đưa ra nhiều giải pháp, kiến nghị với cơ quan quản lý nhà nước nhằm giúp thị trường minh bạch và bền vững hơn.
Thị trường hết nóng sẽ tạo ra sự trồi sụt
PGS.TS Nguyễn Văn Trình, chuyên gia kinh tế, Phó hiệu trưởng trường ĐH Võ Trường Toản phân tích về biến động của thị trường thời gian qua, nguyên nhân có bên ngoài và bên trong, khách quan và chủ quan, vĩ mô và vi mô. Trước hết, nguyên nhân bên ngoài là chứng khoán thế giới, nhất là chứng khoán Mỹ có những phiên sụt giảm mạnh, Dow Jones mất trên 1.000 điểm, cũng tác động tới Việt Nam vì chúng ta là nền kinh tế mở, liên thông. Nguyên nhân chứng khoán Mỹ sụt giảm là do Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đang có động thái quyết liệt tăng lãi suất, lên 0,5 điểm % và thậm chí tăng thêm 0,75%... khiến tâm lý của nhà đầu tư Mỹ thận trọng, rút vốn và bán tháo chứng khoán làm cho các chỉ số chứng khoán Mỹ sụt giảm.
Thị trường sụt giảm còn do nhà đầu tư lo ngại lạm phát. Mà lạm phát cũng có nhiều nguyên nhân, như sau hàng loạt các gói hỗ trợ trong phòng chống dịch bệnh, tiền đẩy ra ồ ạt, đương nhiên dẫn đến cung tiền cao, giá cả sẽ tăng vọt… Đồng thời, do ảnh hưởng của dịch bệnh, do ảnh hưởng của xung đột địa chính trị, dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng; rồi Trung Quốc áp dụng chính sách Zero – Covid cũng tác động tới thị trường. Do đó, việc tìm những biện pháp để ngăn ngừa, kiểm soát lạm phát, sẽ giảm ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán.
Ông Phan Quốc Bửu – Giám đốc phân tích Ngành BSC khu vực phía Nam, Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) thống kê, tính tới cuối 2021 tổng dư nợ margin toàn thị trường gấp 3 lần cuối năm 2019. Nguồn cung hàng hoá tăng mạnh trong 2 năm vừa qua. 
Ông nêu ra một số điểm tích cực là lợi nhuận quý 1/2022 của các doanh nghiệp niêm yết vẫn tăng 38,5% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng trưởng nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn là 22% so cùng kỳ.
Khối ngoại đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ra sản phẩm tài chính mới, hoạt động mua bán của khối ngoại là kim chỉ nam cho nhà đầu tư. Dù vậy, hoạt động của khối ngoại có xu hướng lu mờ trong các năm gần đây. Đến cuối 2021, giao dịch khối ngoại chỉ chiếm 8-9% giao dịch toàn thị trường và có tăng trong vài tháng gần đây do nhà đầu tư cá nhân suy giảm.
Xét về định giá thị trường, PE của 2022 đang ở mức 10-11 lần, là mức rất hấp dẫn, đã thu hút khối ngoại quay lại mua ròng 180-200 triệu USD trong thời gian qua. Do đó, thị trường chứng khoán sẽ đi lên trong dài hạn tuy nhiên có sự thay đổi về mặt bản chất của thị trường.
Ông cho rằng việc xử lý minh bạch của Chính phủ giúp thị trường tăng bền vững trong dài hạn. Nhưng trong ngắn hạn, thị trường cần tương đối nhiều thời gian để ổn định tâm lý và dồn tiền trước khi đạt mục tiêu cao hơn.
Đồng quan điểm, GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhận định thị trường hết nóng sẽ tạo ra sự trồi sụt.
Đúng như nhận định, thị trường chứng khoán trong thời gian vừa qua thật sự là một giai đoạn thị trường tăng trưởng nóng, vì vốn hóa thị trường đã tăng lên mức tương đương với nhiều nước trong khu vực, tới gần 93% của GDP Việt Nam. Số lượng nhà đầu tư mở mới tài khoản tham gia vào thị trường cũng liên tục lập kỷ lục.
"Rõ ràng, các thông số trên nói lên giai đoạn tăng trưởng của 2 năm qua là không bình thường mà gọi là"'tăng trưởng nóng", đương nhiên sẽ tới thời điểm hết nóng và quay trở lại trạng thái bình thường, và tạo ra sự trồi sụt gần đây", GS.TS Hoàng Văn Cường nhìn nhận.
Khoảng 2 triệu nhà đầu tư tham gia thị trường hầu hết là những nhà đầu tư cá nhân mới bước vào thị trường trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn. Trong đó, nhiều người chưa đủ thông tin, chỉ tham gia với "3 chữ cái" mà không rành về doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực gì, tham gia sao... Và khi thị trường rung lắc, có suy giảm thì sẽ rút ra, càng tạo chao đảo thị trường, phản ánh tính chất không chuyên nghiệp.
"Bên cạnh đó, quản lý nhà nước và hệ thống về thể chế, pháp luật, khuôn khổ thì cũng bộc lộ những điểm yếu, dẫn tới việc lũng đoạn thị trường của một số nhà đầu tư lớn, nhà đầu tư dẫn dắt. Đây là những lỗ hổng cần phải sớm hoàn thiện", GS.TS Hoàng Văn Cường cho biết.
Chuyen gia de xuat nen tinh toan lai ty trong VN30 va VN-Index, xem xet phien ATO va ATC
Buổi tọa đàm "Giải pháp phát triển thị trường chứng khoán bền vững" do Báo Người lao động tổ chức 
Nên tính toán lại tỷ trọng trong VN30 và VN-Index, xem xét phiên ATO và ATC có cần thiết không
Dựa trên những phân tích đó, PGS.TS Nguyễn Văn Trình cho rằng phải kiểm soát được chất lượng doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán vì có chất lượng thì nhà đầu tư mới tin tưởng. Cùng với đó, kiểm soát luôn việc tăng vốn ảo vì có những công ty trên sàn có dấu hiệu "in giấy ra bán", Ủy Ban Chứng khoán phải ngăn chặn lại. Ngoài ra, cần nói thêm là để tránh hỗn loạn trên thị trường như vừa rồi, chúng ta nên tính toán lại tỷ trọng những ông lớn trong VN30 và VN-Index; xem xét lại phiên ATO và ATC có cần thiết không, vì đây là 2 phiên có thể gây xáo trộn trên thị trường.
Đặc biệt, xem xét quy định cho nhà đầu tư thực hiện giao dịch. Cụ thể, hiện tại nhà đầu tư mua xong 3 ngày sau cổ phiếu về mới bán được nhưng ai có quan hệ với công ty chứng khoán có thể ứng tiền mua được hoặc bán khống cổ phiếu, gây bất bình đẳng. Cuối cùng, phải tạo thêm sản phẩm mới cho thị trường. Chúng ta cố gắng đưa trái phiếu vào giao dịch để tăng thêm thanh khoản cho thị trường.
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng nhà đầu tư cần nâng cao trình độ để tránh bị các đội lái lôi kéo. 
Với các DN niêm yết, việc phát hành trái phiếu tương đối bài bản, còn với các DN chưa niêm yết việc phát hành trái phiếu lại có vấn đề lớn, gần đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà quản lý và nhà đầu tư.
Ông phân tích, thị trường trái phiếu chưa niêm yết bùng phát trong năm 2020-2021 nhưng không đi đôi với nhận thức, hiểu biết về trái phiếu, đồng thời thiếu quy định pháp luật nên dẫn đến phát hành các loại trái phiếu "3 không", chỉ bán trên Zalo, Facebook, mạng xã hội nhưng vẫn thu hút được lượng tiền lớn. Thậm chí có DN phát hành trái phiếu gấp 40 lần vốn chủ sở hữu. Vì thế, việc chấn chỉnh hoạt động thị trường trái phiếu rất quan trọng nhằm nâng cao niềm tin của DN và các nhà đầu tư vào thị trường này. Thêm nữa, nó cũng là động lực giúp thị trường chứng khoán phát triển bền vững và trở thành kênh cung cấp vốn cho nền kinh tế trong thời gian tới.
Thị trường cổ phiếu, trái phiếu Việt Nam phát triển mạnh nhưng so với một số nước trong khu vực như Thái Lan thì còn nhỏ bé, tiềm năng phát triển còn rất lớn nếu như có sự vào cuộc của cơ quan quản lý Nhà nước và các nhà đầu tư hiểu biết, đưa thị trường thành kênh dẫn vốn hiệu quả.
Ghi nhận những kiến nghị về việc nâng cao chất lượng nhà đầu tư
Chốt lại, TS Nguyễn Đức Kiên, Tổ tưởng tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho biết sẽ trao đổi với cơ quan quản lý về giải pháp bảo vệ nhà đầu tư.
Việc lành mạnh hóa thị trường bước đầu tạo niềm tin cho nhà đầu tư. Đến thời điểm này hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cho thị trường chứng khoán đã tương đối đầy đủ. Thị trường luôn luôn biến động, qua việc xử lý các sai phạm trên thị trường cho thấy chúng ta có các công cụ để xử lý các vi phạm để minh bạch hoá thị trường. Vấn đề là con người, một số nhà đầu tư vì lợi nhuận cá nhân, công ty mình đã hoạt động không đúng tôn chỉ mục đích.
Các nhà đầu tư F0 mua trái phiếu hoặc cổ phiếu trong thời gian qua có tính chất theo tâm lý đám đông nhiều hơn là quyết định phân tích để tham gia đầu tư vào thị trường vốn trung và dài hạn. 
Những chỉ đạo của Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thời gian qua tương đối kịp thời. Có sự khác biệt giữa cách xử lý sai phạm trước đây của Công ty Dược Viễn Đông, Vinashin với xử lý sai phạm vừa qua của cá nhân ông Trịnh Văn Quyết, vì thế góp phần ổn định được thị trường.
Ông hy vọng tuyên ngôn của Thủ tướng Chính phủ trong buổi họp tháng 4 chỉ đạo về thị trường chứng khoán là điều hành bằng các công cụ thị trường, bằng các công cụ công khai minh bạch để điều hành thị trường tài chính, không hình sự hoá các sai phạm là tín hiệu tốt để thị trường phát triển, làm công khai minh bạch và có thể kiểm tra được các hoạt động của thị trường.
Còn thị trường trái phiếu có quy mô gần 20% GDP nhưng cần đi sâu phân tích vào quy mô đấy, nếu nhìn vào tốc độ tăng thị trường năm 2020-2021 thì khá tách rời so với sơ đồ tăng trưởng GDP.
Năm 2021, chúng ta chỉ tăng trường 2,58% về GDP vì bên cạnh bị đợt dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến tốc độ tăng trưởng kinh tế thì các nguồn lực tăng trưởng của chúng ta, trong đó có thị trường chứng khoán chưa giúp được nhiều. Khi chứng khoán sụt giảm thì kênh bất động sản tăng, lãi suất huy động cũng tăng. Với quy mô tăng trưởng tín dụng chúng ta dự báo đầu năm và cấp cho các tổ chức tín dụng thì các tổ chức tín dụng gặp khó khăn trong huy động, điều đó làm lãi suất huy động trong thời gian qua tăng.
Ông Kiên cho biết ghi nhận những kiến nghị về việc nâng cao chất lượng nhà đầu tư và sẽ trao đổi với các cơ quan để làm sao có các lớp học nâng cao cho nhà đầu tư; có giải pháp bảo vệ quyền lợi hợp pháp, hợp lý và chính đáng cho các nhà đầu tư F0.
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN