Chứng khoán ngày 8/7: Cổ phiếu nào được khuyến nghị?

Một số mã cổ phiếu nhà đầu tư cần chú ý trước phiên giao dịch 8/7.

Khuyến nghị khả quan POW với giá mục tiêu 18.000 đồng/cp

CTCK Bản Việt (VCSC): VCSC vừa có chia sẻ thông tin xung quanh cuộc gặp gỡ nhà đầu tư của Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (POW) vào ngày 05/07/2022.

Theo đó, POW đã công bố kết quả kinh doanh sơ bộ 6 tháng đầu năm 2022 với lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số đạt 1.159 tỷ đồng, giảm 20% so cùng kỳ. Ngoài ra, sản lượng điện 6 tháng đầu năm 2022 của POW đạt 7,1 tỷ kWh, cũng giảm 25%.

Trong 6 tháng đầu năm, CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch (NT2) (có hiệu suất hoạt động 58%, cao nhất trong số các nhà máy điện khí của Việt Nam), Nhơn Trạch 1 và các công ty thủy điện có kết quả kinh doanh tích cực. Mặt khác, các nhà máy Cà Mau và Vũng Áng hoạt động kém hiệu quả do thiếu khí và than.

Nhơn Trạch 3 và 4 vẫn đang triển khai mặc dù giá LNG cao. POW cho biết giá LNG giao ngay là 30 USD/MMBTU và giá LNG kỳ hạn là 16 USD/MMBTU. Công ty kỳ vọng giá LNG kỳ hạn sẽ giảm khi nhà máy Nhơn Trạch 3 & 4 đi vào hoạt động trong giai đoạn cuối năm 2024 - 6 tháng đầu năm 2025.

Dựa trên dự báo của Wood Mackenzie, POW tin rằng giá LNG dài hạn sẽ đảm bảo tỷ lệ sinh lời của dự án. Ngoài ra, POW có kế hoạch ký hợp đồng thời hạn 15 năm với GAS để đảm bảo nguồn nguyên liệu LNG cho Nhơn Trạch 3 & 4.

POW dự kiến sẽ giữ lại lợi nhuận trong những năm tiếp theo để đầu tư vào Nhơn Trạch 3 & 4. Do đó, công ty đang xem xét trả cổ tức bằng cổ phiếu trong năm 2024-2025. Ngoài ra, POW kỳ vọng Tổng Quy hoạch Phát triển Điện lực Việt Nam VIII sẽ được phê duyệt trong năm 2022.

VCSC khuyến nghị khả quan cho POW với giá mục tiêu 18.000 đồng/cp.

Chung khoan ngay 8/7: Co phieu nao duoc khuyen nghi?
 CTCK khuyến nghị cổ phiếu nào phiên 8/7?

Khuyến nghị mua GAS với giá mục tiêu 122.100 đồng/cp

CTCK Tiên Phong (TPS): Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS) cho biết, chuỗi điện khí Lô B - Ô Môn dự kiến sẽ có quyết định đầu tư cuối cùng (FID) vào tháng 7/2022, tạo tiền đề cho toàn chuỗi dự án Lô B - Ô Môn khởi công vào cuối năm 2022 và kỳ vọng đón dòng khí đầu tiên vào 2025.

Trước diễn biến tích cực trên, TPS hy vọng dự án Lô B - Ô Môn sẽ đóng góp tăng trưởng lớn cho Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP (GAS) trong tương lai.

Ngoài ra, dự kiến mỏ Sư Tử Trắng giai đoạn 2B sẽ hoạt động vào năm 2024 với sản lượng khí hàng năm đạt 2 tỷ m3 trong vòng 10 năm.

Trước đó, dòng khí đầu tiên của mỏ Sư Tử Trắng giai đoạn 2A đã vào bờ ngày 18/6/2021 bao gồm 3 giếng với tổng trữ lượng khí là 5.5 tỷ m3 và 63 triệu thùng condensate sẽ được khai thác từ 2021-2025.

Thêm vào đó, việc các dự án LNG tiếp tục được triển khai đúng kế hoạch sẽ tạo động lực tăng trưởng dài hạn cho GAS. Hiện dự án LNG Thị Vải đã hoàn thành trên 90% tiến độ xây dựng kho chứa LNG giai đoạn 1 và có thể bắt đầu nhập khẩu LNG từ tháng 11/2022 để bù đắp cho sản lượng thiếu hụt tại bể ngoài khơi Nam Côn Sơn và là nguồn nguyên liệu chính cho nhà máy điện Nhơn Trạch 3&4 từ 2023.

Nửa cuối năm 2022, TPS kỳ vọng GAS vẫn giữ mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ, nhờ nhu cầu khí thiên nhiên cho sản xuất điện vẫn duy trì do tình trạng thiếu than sẽ dẫn đến việc tiêu thụ khí ở mức cao cho nhiệt điện; hoạt động sản xuất phục hồi với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 6 tăng 11,5% cùng kỳ, hoạt động sản xuất tăng trưởng là yếu tố thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ khí thấp áp, khí CNG và khí LPG.

Đồng thời, việc giá dầu vẫn duy trì mức cao so với mức nền của năm 2021 do nút thắt nguồn cung chưa được tháo gỡ vì xung đột Nga-Ukraine vẫn căng thẳng và nhu cầu phục hồi sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát.

Với kịch bản giá dầu Brent trung bình năm 2022 đạt 90 USD/thùng, TPS dự báo doanh thu của GAS trong năm nay đạt 101.028 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 12.379 tỷ đồng, lần lượt tăng 28% và 43% so với năm trước. EPS tương ứng đạt 6.336 đồng/cổ phiếu.

Kết hợp 3 phương pháp gồm phương pháp chiết khấu dòng tiền của doanh nghiệp (FCFF), EV/EBITDA và P/E, TPS đưa ra mức giá mục tiêu cho GAS là 122.100 đồng/cổ phiếu, tương đương với tỷ suất lợi nhuận kỳ vọng 27,4% so với giá đóng cửa ngày 6/7.

Khuyến nghị theo dõi HPG

CTCK Agribank (Agriseco): Lũy kế 5T2022, sản lượng bán hàng của HPG đạt 3,4 triệu tấn, tăng 5% svck. Trong đó, sản lượng thép xây dựng tăng 26% svck với 631 nghìn tấn xuất khẩu, gấp hơn 2 lần svck. Sản lượng bán hàng HRC ghi nhận 1,2 triệu tấn, tăng nhẹ svck.

Mặc dù giá thép trong nước và trên thế giới đang có xu hướng chững lại và giảm xuống, giá HRC giao trong tháng 7 và 8 cao (nhờ được xác định trước bằng hợp đồng tương lai 2 tháng) sẽ được phản ánh vào KQKD của doanh nghiệp, giúp cải thiện biên lợi nhuận đang có xu hướng giảm do giá thép đã bước qua giai đoạn đỉnh của chu kì.

Ở thị trường tiêu thụ thép chính trên thế giới và đối tác nhập khẩu thép lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc, chính phủ đang có nhiều động thái hỗ trợ thị trường bất động sản như giảm lãi suất vay mua nhà xuống 4,4% từ mức 4,6% trước đó, dừng gia hạn áp thuế BĐS và nới lỏng các quy định liên quan đến các hoạt động huy động vốn của các DN BĐS.

Các chính sách này cùng với việc mở cửa lại nền kinh tế được kì vọng sẽ giúp thị trường BĐS trung quốc sớm hồi phục, từ đó thúc đẩy cầu thép.

Việc giá cổ phiếu đã giảm tới 50% kể từ vùng đỉnh thiết lập trong nửa cuối năm 2021 khiến HPG đang giao dịch với mức giá 22.000 đ/cp, tương đương P/B 1.3x, là mức P/B thấp nhất được ghi nhận kể từ khi đưa dự án Dung Quất 1 vào vận hành chính thức từ năm 2020.

Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN