Chứng khoán ngày 29/5: SSI, MSN và LPB có nên đầu tư?

Các công ty chứng khoán đã đưa ra những khuyến nghị gì cho cổ phiếu SSI, LPB và MSN trong ngày 29/5?
SSI (Khuyến nghị Mua): Tăng giả định thị phần môi giới chứng khoán
Chứng khoán VietCap (VCSC): Chúng tôi tăng giá mục tiêu cho CTCP Chứng khoán SSI (SSI) thêm 15,3% lên 27.200 đồng/cổ phiếu và duy trì khuyến nghị MUA.
Giá mục tiêu cao hơn của chúng tôi chủ yếu được thúc đẩy bởi (1) mức tăng 13,5% trong dự báo của chúng tôi đối với LNST sau lợi ích CĐTS giai đoạn 2023-2027 (15,5%/17,2%/14,4%/12,5%/11,3% cho năm 2023/24/25/26/27), (2) tác động tích cực của việc cập nhật giá mục tiêu của chúng tôi đến giữa năm 2024 và (3) giả định cao hơn đối với P/B mục tiêu của SSI từ 2,1 lần lên 2,3 lần.
Chúng tôi tăng dự báo LNST sau lợi ích CĐTS năm 2023 của SSI thêm 15,5% lên 1,9 nghìn tỷ đồng (+10,4% YoY) chủ yếu nhờ (1) doanh thu môi giới tăng 8,9%, (2) lãi từ FVTPL tăng 7,9% và (3) lỗ từ FVTPL giảm 21,9% do KQKD quý 1/2023 thấp hơn dự kiến. Chúng tôi dự báo LNTT năm 2023 đạt 2,3 nghìn tỷ đồng, tương ứng mức tăng trưởng 10,4% YoY so với mục tiêu tăng trưởng 20,4% YoY của SSI.
Yếu tố hỗ trợ/(Rủi ro): Thanh khoản thị trường và cho vay ký quỹ cao hơn/(thấp hơn) so với dự kiến; lãi/(lỗ) ròng lớn trong danh mục FVTPL của SSI.
LPB (Khuyến nghị Khả quan): Chi phí dự phòng thấp hỗ trợ lợi nhuận Q1/23
Chứng khoán VNDirect: KQ Q1/23: Chi phí dự phòng thấp bù đắp tổng thu nhập hoạt động (TOI) giảm
LPB ghi nhận TOI và LN ròng lần lượt là 3,1 nghìn tỷ đồng (-3,9% svck) và 1,2 nghìn tỷ đồng (-12,5% svck), hoàn thành 22% và 26% dự phóng 2023 của chúng tôi. TOI giảm đến từ (1) thu nhập lãi giảm 3,5% do biên lãi thuần (NIM) giảm và (2) thu nhập ngoài lãi giảm 6,5% do khoản lỗ thuần 12 tỷ đồng đến từ hoạt động khác (trong khi Q1/22 lãi 191 tỷ đồng), được bù đắp một phần nhờ khoản lãi từ HĐKD ngoại hối đạt 145 tỷ đồng (trong khi Q1/22 lỗ 15 tỷ đồng) và thu nhập phí ròng (NFI) tăng 4,0% svck. TOI giảm và chi phí hoạt động tăng 16,6% svck đã khiến lợi nhuận trước dự phòng giảm 15,5% svck. Tuy nhiên, chi phí tín dụng giảm mạnh 28,2% svck và 82,9% so với quý trước đã giúp LN ròng chỉ giảm 12,5% svck.
NIM giảm không gây bất ngờ; tín dụng / nguồn vốn tăng trưởng tốt
NIM giảm 70 điểm cơ bản svck trong Q1/23 do chi phí vốn (COF) tăng 200 điểm cơ bản svck, được bù đắp một phần từ lợi suất tài sản tăng 105 điểm cơ bản svck. NIM giảm không gây bất ngờ do lãi suất tiền gửi tăng mạnh trong Q4/22. Tín dụng tăng 2,7% kể từ đầu năm, cao hơn so với ngành là 2,1%. Tiền gửi khách hàng tiếp tục tăng mạnh 5,3% sv quý trước (so với mức tăng 11,6% trong Q4/22), khi khách hàng tiếp tục chuyển dịch từ kênh đầu tư nhiều rủi ro hơn như chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), bất động sản sang kênh an toàn hơn là gửi tiết kiệm.
Xử lý nợ xấu tăng nhưng nhìn chung chất lượng tài sản vẫn vững chắc
Tỷ lệ nợ xấu tăng nhẹ 10 điểm cơ bản svck lên 1,5% (không đổi sv quý trước). Tỷ lệ nợ nhóm 2 tăng 50 điểm cơ bản lên 2,0%, cho thấy chất lượng tài sản có suy giảm nhưng chưa đến mức đáng báo động. Đáng chú ý, LPB đã sử dụng dự phòng để xử lý 1,2 nghìn tỷ nợ xấu trong Q1/23 so với mức 1,4 nghìn tỷ đồng trong 2022. Mặc dù xử lý nợ xấu tăng mạnh, chi phí dự phòng chỉ là 226 tỷ đồng, tương đương 0,4% dư nợ do LPB đã chủ động dự phòng trong 2022. Do đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) đã giảm từ 142% vào cuối năm 2022 xuống còn 111% vào cuối Q1/23.
Dự phóng lợi nhuận 2023-24 không có nhiều thay đổi
Chúng tôi giảm dự phóng NIM, TOI và chi phí dự phòng nhưng nhìn chung vẫn giữ nguyên dự phóng LN ròng 2023-24 là 4,9 nghìn tỷ đồng/5,6 nghìn tỷ đồng. Với việc lãi suất huy động tiếp tục giảm và Thông tư 02 sẽ giúp ngành ngân hàng kiểm soát tốt hơn nợ xấu/ dự phòng, chúng tôi tự tin rằng LPB sẽ đạt được dự phóng.
Duy trì khuyến nghị Khả quan với giá mục tiêu cao hơn là 17.400 đồng/cp
LPB hiện đang giao dịch ở mức P/B 2023 là 0,8 lần, thấp hơn nhiều so với mức TB 3 năm là 1,2 lần. Ở mức định giá này, chúng tôi tiếp tục nhận thấy giá trị dài hạn ở cổ phiếu. Duy trì khuyến nghị Khả quan với giá mục tiêu cao không đổi là 17.400 đồng. Tiềm năng tăng giá gồm (1) NIM cao hơn kỳ vọng và (2) phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài. Rủi ro giảm giá bao gồm (1) tăng trưởng tín dụng thấp hơn dự kiến và (2) dự phòng nợ xấu cao hơn dự kiến.
Chung khoan ngay 29/5: SSI, MSN va LPB co nen dau tu?
 
MSN (Khuyến nghị Mua): Triển vọng năm 2023 vẫn gặp nhiều thách thức do sức tiêu dùng yếu
VCSC: Chúng tôi điều chỉnh giảm 15% giá mục tiêu cho CTCP Tập đoàn Masan (MSN) nhưng nâng khuyến nghị từ KHẢ QUAN lên MUA do giá cổ phiếu của công ty đã điều chỉnh khoản 25% trong 3 tháng qua.
Giá mục tiêu thấp hơn của chúng tôi do (1) chúng tôi điều chỉnh dự báo lợi nhuận từ HĐKD (EBIT) năm 2023 của WinCommerce (WCM) xuống mức lỗ 271 tỷ đồng so với lợi nhuận ròng 68 tỷ đồng trong dự báo trước đây do lợi nhuận trong quý 1/2023 thấp hơn dự kiến và (2) chúng tôi điều chỉnh giảm 8% dự phóng LNST sau lợi ích CĐTS năm 2023 của TCB (xem thêm Báo cáo Cập nhật TCB của chúng tôi ngày 09/05/2023). Những yếu tố này được bù đắp một phần do chúng tôi cập nhật mô hình định giá sang giữa năm 2024.
Trong năm 2023, chúng tôi duy trì kỳ vọng rằng sức tiêu dùng yếu sẽ ảnh hưởng đến mảng kinh doanh bán lẻ tiêu dùng của MSN và chi phí tài chính cao hơn so với cùng kỳ sẽ làm giảm thu nhập năm 2023 của MSN. Tuy nhiên, do chúng tôi kỳ vọng chi tiêu tiêu dùng tích cực hơn và bối cảnh kinh tế thuận lợi hơn trong năm 2024, chúng tôi dự báo tăng trưởng EBIT của MSN là 8%/24%/17% và đóng góp từ tăng trưởng LNST của TCB là -8%/13%/26% trong các năm 2023/24/25. Do NHNN đã điều chỉnh giảm lãi suất điều hành 100 điểm cơ bản trong năm 2023, chúng tôi kỳ vọng chi phí lãi vay trung bình của MSN trong năm 2024 sẽ giảm khoảng 100 điểm cơ bản so với năm 2023.
Yếu tố hỗ trợ: Niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam phục hồi sớm hơn dự kiến; các giao dịch bán vốn chiến lược để tăng chỉ số thanh khoản và giảm nợ vay sau đó, điều mà ban lãnh đạo đã cam kết tại ĐHCĐ năm nay.
Rủi ro chính đối với quan điểm tích cực của chúng tôi: Niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam yếu hơn dự kiến; mở rộng cửa hàng không hiệu quả đối với WCM và Phúc Long Heritage (PL).
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN