Chứng khoán ngày 19/4: Cổ phiếu nào được khuyến nghị?

Một số mã cổ phiếu nhà đầu tư cần chú ý trước phiên giao dịch 19/4.

Khuyến nghị phù hợp DHG giá mục tiêu 102.100 đồng/cp

CTCK BIDV (BSC): DHG cung cấp thông tin chi tiết hơn về kế hoạch kinh doanh năm 2021 và triển vọng dài hạn của công ty cũng như hỗ trợ từ Taisho – công ty dược phẩm Nhật Bản giữ 51% cổ phần tại DHG.

Nhìn chung, VCSC nhận thấy khả năng điều chỉnh giảm dự báo lợi nhuận năm 2021 chủ yếu đến từ thu nhập tài chính; tuy nhiên, VCSC cũng nhận thấy khả năng điều chỉnh tăng dự báo doanh thu cho giai đoạn sau năm 2021 nhờ hỗ trợ từ Taisho – cụ thể liên quan đến sản phẩm và công nghệ – dù cần thêm đánh giá chi tiết.

Thu nhập từ lãi thấp hơn ảnh hưởng lợi nhuận năm 2021. DHG đặt mục tiêu doanh thu tăng trưởng 6% trong năm 2021 – phù hợp với dự báo – trong đó doanh thu từ kênh nhà thuốc và bệnh viện sẽ tăng lần lượt 5% và 14%.

Tăng trưởng lợi nhuận từ HĐKD dự kiến giảm tốc 4% (so với dự báo là 5%) do chi phí hoạt chất đầu vào (API) và đóng gói, một phần được bù đắp bởi khả năng chuyển chi phí sang người tiêu dùng của DHG. Giá API đang tăng trong bối cảnh chi phí logistics gia tăng và các biện pháp kiểm soát môi trường tại Trung Quốc.

Trong khi đó, DHG đặt mục tiêu LNTT đi ngang trong năm 2021 so với năm 2020 – và dự báo là tăng 12% - khi công ty kỳ vọng lãi suất tiền gửi thấp hơn trong năm 2021 so với dự phóng hiện tại là lãi suất thực tế đi ngang.

Theo DHG, công ty dự kiến ghi nhận lãi suất tiền gửi thấp hơn một phần do kế hoạch chuyển một khoản tiền gửi từ các ngân hàng nhỏ hơn sang các ngân hàng lớn hơn.

DHG dự kiến nâng đóng góp doanh thu từ kênh bệnh viện và các sản phẩm thuốc đặc trị. Theo DHG, đóng góp của kênh bệnh viện trong doanh thu từ sản phẩm tự sản xuất của công ty tăng từ 11% trong năm 2016 lên 14% trong năm 2020 và hiện đi đúng tiến độ để đạt 20% trong 5 năm tiếp theo khi DHG đặt mục tiêu tăng cường thâm nhập vào kênh bán hàng vốn tăng trưởng nhanh này nhờ hỗ trợ về sản phẩm và công nghệ của Taisho.

Do đó, DHG kỳ vọng tổng đóng góp từ thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau và thuốc hạ sốt sẽ giảm trong các năm tiếp theo, từ mức 55% doanh thu từ sản phẩm tự sản xuất trong năm 2020, do đóng góp cao hơn từ các sản phẩm thuốc đặc trị như thuốc thần kinh, tim mạch và tiêu hóa.

DHG kỳ vọng tăng trưởng doanh thu sẽ tăng tốc từ năm 2022. Theo tài liệu ĐHCĐ năm 2021 của công ty, DHG đề xuất mục tiêu tăng trưởng doanh thu hàng năm đạt 8%-10% trong giai đoạn 2022-2025, sẽ giúp tăng doanh thu lên 5,5 nghìn tỷ đồng trong năm 2025 so với dự báo doanh thu năm 2025 là 4,6 nghìn tỷ đồng.

Chung khoan ngay 19/4: Co phieu nao duoc khuyen nghi?
 Chú ý cổ phiếu nào phiên 19/4?

DHG dự kiến tăng trưởng doanh thu sẽ tăng tốc dựa trên (1) sự hiện diện của công ty trong kênh bệnh viện gia tăng nhờ các dây chuyền sản xuất mới đạt chuẩn GMP Nhật Bản (DHG hiện có 2 dây chuyền sản xuất theo tiêu chuẩn này) sẽ giúp công ty tham gia đấu thầu thuốc nhóm 1 và nhóm 2 (các nhóm thuốc có chất lượng cao nhất) của kênh bệnh viện

và (2) chuyển giao các sản phẩm của Taisho sang sản xuất và phân phối tại Việt Nam – đặc biệt là các loại thuốc đặc trị. Mặt khác, đóng góp doanh thu từ xuất khẩu – chủ yếu nhắm đến các thị trường nước ngoài của Taisho – sẽ duy trì ở mức thấp đến năm 2026, theo DHG.

Khuyến nghị phù hợp thị trường với DHG giá mục tiêu 102.100 đồng/cp.

Mở vị thế HPG quanh ngưỡng 54.000 đồng/cp

CTCK BIDV (BSC): HPG duy trì nhịp tăng nhẹ trong phiên giao dịch 16/4. Thanh khoản cổ nằm trên ngưỡng giao dịch trung bình 20 phiên, đồng thuận với nhịp tăng giá cổ phiếu.

Chỉ báo MACD ủng hộ xu hướng tăng giá cổ phiếu trong khi chỉ báo RSI cho thấy một nhịp điều chỉnh ngắn hạn. Đường giá cổ phiếu nằm trên dải mây Ichimoku vẫn ủng hộ nhịp tăng giá trung hạn.

Nhà đầu có thể cân nhắc mở vị thế quanh ngưỡng giá 54.0 và chốt lãi khi cổ phiếu tiếp cận ngưỡng 61.0. Cắt lỗ nếu mất ngưỡng hỗ trợ 52.0.

Khuyến nghị khả quan DGW với giá mục tiêu 140.000 đồng/cp

CTCK Bản Việt (VCSC): VCSC công bố báo cáo lần đầu dành cho CTCP Thế giới số (DGW) với khuyến nghị KHẢ QUAN và tổng mức sinh lời 16,5%, giá mục tiêu là 140.000 đồng/cp.

VCSC cho rằng vị thế dẫn đầu và kinh nghiệm trong việc phát triển thị trường của DGW – được chứng tỏ thông qua các hợp đồng phân phối độc quyền với Xiaomi và Huawei cũng như vừa trở thành một trong bốn nhà phân phối ủy quyền của Apple tại Việt Nam – sẽ dẫn dắt tăng trưởng của mảng phân phối hàng Công nghệ và Thiết bị văn phòng (OE).

VCSC dự báo doanh thu mảng ĐTDĐ (chiếm 51% tổng doanh thu năm 2020) sẽ ghi nhận tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) giai đoạn 2020-2023 đạt 28%, củng cố bởi thị phần gia tăng của Xiaomi và đóng góp mới từ các sản phẩm của Apple.

Dự báo CAGR 36% doanh thu của mảng OE - không tính các sản phẩm Internet of Things (IoT) trong giai đoạn 2020-2023, được dẫn dắt bởi xu hướng chuyển đổi số của doanh nghiệp và hợp nhất thị phần phân phối.

Mức giá mục tiêu đến giữa 2020 tương ứng với tổng mức P/E trung bình giai đoạn 2021-2022 là 14,1 lần so với P/E trượt 3 năm của các công ty cùng ngành là 8,5 lần và P/E trung bình trượt 3 năm của DGW là 9 lần.

DGW đã được định giá lại đáng kể trong 12 tháng qua nhờ doanh thu mạnh mẽ của các sản phẩm Xiaomi, và các hợp đồng mới với Apple và Huawei. VCSC cho rằng CAGR EPS đạt 28% trong giai đoạn 2020-2023, dựa theo dự báo của chúng tôi, sẽ duy trì tỷ lệ P/E của DGW trên mức trung bình lịch sử.

Rủi ro: Gia tăng thị phần chậm hơn dự kiến của Xiaomi tại Việt Nam; không còn hợp đồng độc quyền với Xiaomi và phân phối với Apple.

Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN