Chứng khoán ngày 16/11: Những cổ phiếu nào được khuyến nghị?

Một số mã cổ phiếu nhà đầu tư cần chú ý trước phiên giao dịch 16/11.

Ngưỡng hỗ trợ VCB nằm quanh 85.500 đồng/cp

CTCK BIDV (BSC): VCB đang ở trong trạng thái tích lũy trung hạn trong khu vực 82.000-88.000 đồng/cp trong 3 tháng trở lại đây. Thanh khoản cổ phiếu những ngày giao dịch gần đây đang có chiều hướng giảm dần.

Các chỉ báo xu hướng hiện đang ở trong trạng thái tích cực. Phiên 13/11, đường MACD vừa cắt lên trên đường tín hiệu đồng thời chỉ báo RSI vẫn còn cách khá xa vùng quá mua nên cổ phiếu có thể thiết lập đà tăng trong ngắn hạn.

Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của VCB nằm tại xung quanh giá 85.500 đồng/cp. Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu nằm tại mức 96.000 đồng/cp, cắt lỗ nếu ngưỡng 84.500 đồng/cp bị xuyên thủng.

Khuyến nghị khả quan cho SAB với giá 201.000 đồng/cp

CTCK Bản Việt (VCSC): Ghi nhận chính của chúng tôi từ cuộc họp cho thấy SAB có vị thế cạnh tranh tốt hơn sau khi đưa ra dòng bia Lạc Việt (phân khúc phổ thông) và đặc biệt là Saigon Chill (phân khúc cao cấp phổ thông) trong năm 2020.

VCSC hiện đang có khuyến nghị khả quan cho SAB với giá mục tiêu 201.000 đồng/cp, tương ứng với tổng tỷ lệ sinh lợi 11,4%, bao gồm 2,7% lợi suất cổ tức.

Chung khoan ngay 16/11: Nhung co phieu nao duoc khuyen nghi?
 Khuyến nghị cổ phiếu nào phiên 16/11?

Tiêu thụ bia nội đia đã đang phục hồi tuy nhiên SAB thận trọng đối với triển vọng tăng trưởng ngành trong ngắn hạn trong bối cảnh kinh tế khó khăn do dịch COVID-19 và lũ lụt gần đây ở miền Trung Việt Nam.

Theo ban lãnh đạo, niềm tin và hành vi người tiêu dùng Việt Nam đã gần như trở lại bình thường sau khi Việt Nam thành công kiểm soát lây lan trong cộng đồng lần 2 của COVID vào tháng 9. Tuy nhiên, so với trước COVID-19, người tiêu dùng có xu hướng tiêu thụ tại nhà nhiều hơn so với uống ở ngoài và cũng như thắt chặt hầu bao. Bối cảnh này, cùng với việc chưa có khách du lịch, khiến ban lãnh đạo cho rằng tiêu thụ bia nội địa khó quay trở lại mức trước đại dịch trong 6-9 tháng tới.

Thị phần đang trong xu hướng tích cực trở lại sau những thách thức vào nửa cuối năm 2019 do những tin đồn thất thiệt về quyền sở hữu của SAB. Trong tương lai, ban lãnh đạo kỳ vọng Saigon Chill - được ra mắt vào đầu tháng 10 và nhắm đến người tiêu dùng trẻ tuổi - sẽ củng cố thị phần của SAB do sự hiện diện hạn chế hiện tại của SAB trong phân khúc cao cấp đại chúng. Theo ban lãnh đạo, phản hồi của người tiêu dùng về bao bì và hương vị của Saigon Chill rất tích cực. Nhiệm vụ trọng tâm hiện nay của thương hiệu này là mở rộng phân phối.

Ban quản lý nhận thấy vẫn còn khoảng trống để tiết kiệm chi phí bên cạnh các cải tiến cơ cấu sản phẩm/giá bán. Theo ban lãnh đạo, tỷ suất lợi nhuận của SAB sẽ cải thiện hơn nữa nhờ các chương trình tiết kiệm chi phí từng phần và dự án số hóa (Sabeco 4.0) cũng như cao cấp hóa danh mục sản phẩm. Đồng thời, với sự tăng trưởng kinh tế đầy hứa hẹn của Việt Nam, ban lãnh đạo nhận thấy tiềm năng tăng giá bán trong tương lai.

Khuyến nghị mua FPT và tăng giá thêm 31%

CTCK Bản Việt (VCSC): Duy trì khuyến nghị mua FPT và tăng giá mục tiêu thêm 31% khi cập nhật giá mục tiêu đến cuối năm 2021 trong khi thay đổi phương thức định giá thành 100% phương thức tổng của từng phần (SoTP) so với tỷ lệ 80%/20% phương thức chiết khấu dòng tiền tự do(DCF)/SoTP trước đây.

Giảm dự báo tổng LNST sau lợi ích CĐTS giai đoạn 2020-2023 khoảng 1% do điều chỉnh giảm dự báo doanh thu mảng Xuất khẩu Phần mềm (XKPM), thấp hơn nhẹ so với kỳ vọng trong 9 tháng năm 2020.

FPT hiện được giao dịch tại PEG 3 năm hấp dẫn là 0,7 dựa theo tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) EPS dự phóng giai đoạn 2020-2023 là 20%, củng cố bởi mảng XKPM, Dịch vụ Viễn thông và Giáo dục. VCSC dự báo các mảng này sẽ đóng góp khoảng 87% trong LNST sau lợi ích CĐTS dự phóng năm 2023 so với khoảng 78% trong năm 2019.

VCSC cho rằng FPT sẽ hưởng các lợi ích hậu dịch COVID-19 khi Công nghệ thông tin (CNTT) – đặc biệt là chuyển đổi số (DX) – trở nên cần thiết hơn trong hoạt động, tính liên tục và chiến lược kinh doanh. Ngoài ra, FPT Telecom có khả năng hưởng lợi từ nhu cầu gia tăng cho giải trí tại nhà và trung tâm dữ liệu.

Rủi ro: cạnh tranh gay gắt trong mảng viễn thông đến từ cả phân khúc đường truyền cố định và băng thông rộng; dịch COVID-19 kéo dài tiếp tục ảnh hưởng chi tiêu CNTT toàn cầu.

Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN