Câu chuyện thế chấp cổ phiếu Bamboo Airways ở Ngân hàng OCB

Việc FLC sử dụng hàng trăm triệu cổ phiếu Bamboo Airways đảm bảo cho nghĩa vụ tài chính cho các khoản vay tại Ngân hàng OCB phần nào gợi nhớ đến câu chuyện FLC “gán nợ” toà nhà 256 Cầu Giấy cho chính nhà băng này hồi năm 2020.

Cau chuyen the chap co phieu Bamboo Airways o Ngan hang OCB-Hinh-2

FLC liên tục thế chấp hàng trăm triệu cổ phiếu Bamboo Airways tại OCB. Ảnh: nguồn Bamboo Airways

Liên tục thế chấp cổ phiếu bảo đảm khoản vay

Mới đây, Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC đã thông qua chủ trương tiếp tục sử dụng tài sản sở hữu của Tập đoàn để bảo đảm cho nghĩa vụ tài chính của Công ty Cổ phần Hàng không Tre Việt (BAV - Bamboo Airways) phát sinh tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB).

Theo đó, tài sản đảm bảo bao gồm gần 155 triệu cổ phiếu Bamboo Airways thuộc sở hữu của Tập đoàn FLC và Quyền tài sản phát sinh từ “Dự án sân Golf FLC Quảng Bình Golf Links” do FLC là nhà đầu tư.

Được biết, đây không phải là lần đầu tiên Tập đoàn FLC sử dụng cổ phần Bamboo Airways để đảm bảo nghĩa vụ cho bên liên quan tại OCB.

Trước đó, năm 2020, Tập đoàn FLC cũng đã sử dụng 13 triệu cổ phiếu BAV đảm bảo cho khoản vay của Công ty TNHH Cemaco Việt Nam.

Năm 2021, sử dụng 1 triệu cổ phiếu BAV bảo đảm cho khoản vay của Công ty Công ty Cổ phần thương mại F-Mart. Trong khi đó, nếu gộp cả việc sử dụng cổ phần Công ty Cổ phần Hàng không Tre Việt để đảm bảo cho cả các giao dịch của Tập đoàn FLC, thì chỉ tính riêng trong năm 2020, Tập đoàn này đã có 8 giao dịch, sử dụng khoảng 188 triệu cổ phiếu BAV để thế chấp cho các khoản tín dụng của mình và bên liên quan tại OCB.

Bamboo Airways từng có kế hoạch lên sàn UPCoM vào quý I/2022 với giá dự kiến không thấp hơn 60.000 đồng, tuy nhiên, đầu năm ngoái tại FLC lại xảy ra nhiều biến động với việc thao túng giá cổ phiếu họ FLC của nhóm ông Trịnh Văn Quyết bị vỡ lở và nhiều lãnh đạo tập đoàn này dính vào lao lý. Chính vì vậy, kế hoạch trên vẫn còn dang dở.

Bài học cũ giữa OCB và FLC

Việc Tập đoàn FLC liên tiếp sử dụng số lượng lớn cổ phiếu BAV để thế chấp tại OCB gợi nhớ lại phần nào câu chuyện Tập đoàn này “gán nợ” toà tháp FLC Twin Towers (toà nhà 256 Cầu Giấy) cho chính Ngân hàng OCB hồi năm 2020.

Đây cũng là một trong những tài sản chính được FLC dùng để thế chấp cho các nghĩa vụ trả nợ của các công ty thành viên phát sinh tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) trước đó. Theo đó, ngày 21.9.2020, HĐQT Tập đoàn FLC đã thông qua việc sử dụng tài sản tại số 265 Cầu Giấy để bảo đảm cho nghĩa vụ tài chính của Bamboo Airways tại OCB chi nhánh Thăng Long.

Sau đó, đến ngày 9.11.2020, HĐQT đã ban hành nghị quyết dùng toà nhà 265 Cầu Giấy để gán nợ thay thế cho nghĩa vụ trả nợ của Tập đoàn FLC, FLCHomes, CTCP Xây dựng FLC Faros (ROS), CTCP Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone (AMD) và CTCP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) tại OCB.

Sau khi gán nợ tòa trụ sở chính, HĐQT Tập đoàn FLC quyết định thuê lại một phần diện tích của chính tòa nhà này để phục vụ hoạt động kinh doanh của FLC và các bên thứ ba do FLC chỉ định. Bên cho thuê là OCB.

Đến cuối năm 2022, Tập đoàn FLC và các bên liên quan đã mua lại Toà nhà 265 Cầu Giấy từ OCB, sau đó chuyển nhượng lại cho CTCP Gateway Hà Nội với mức giá 2.000 tỉ đồng.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy CTCP Gateway Hà Nội có liên quan đến OCB. Cụ thể, Gateway Hà Nội được thành lập tháng 8.2022 với vốn điều lệ 345 tỉ đồng. Trong đó, Công ty CP Đầu tư Bình An House là pháp nhân chi phối khi nắm giữ đến 99% cổ phần Gateway Hà Nội.

Theo Cổng thông tin quốc gia về Đăng ký Doanh nghiệp, Công ty CP Đầu tư Bình An House được thành lập năm 2014, có địa chỉ ở tỉnh Bình Dương. Cập nhật tại ngày 2.6.2020, vốn điều lệ Công ty CP Đầu tư Bình An House đạt 300 tỉ đồng, cơ cấu cổ đông không được tiết lộ. Người đại diện pháp luật là ông Đào Duy Hải (sinh năm 1982).

Đáng chú ý ông Đào Duy Hải là Trưởng ban kiểm soát ở CTCP Chứng khoán quốc tế Việt Nam (VISe). VISe được thành lập năm 2006 với cổ đông là Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) và 8 cá nhân – thời điểm đó ông Trịnh Văn Tuấn đang giữ ghế Chủ tịch VIB và kiêm nhiệm thêm chức vụ Chủ tịch VISe.

Năm 2010, ông Trịnh Văn Tuấn rút khỏi HĐQT VIB và sang Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB).

Mặc dù rời VIB nhưng ông Tuấn vẫn đảm nhiệm vai trò Chủ tịch HĐQT VISe, nơi ông cùng vợ là bà Cao Thị Quế Anh (sinh năm 1966) trực tiếp nắm giữ tới 48,24% cổ phần.

Đến năm 2012 ông Trịnh Văn Tuấn mới rút khỏi HĐQT VISe để nhường lại vị trí Chủ tịch HĐQT VISe cho vợ mình là bà Cao Thị Quế Anh.

Gia Miêu-Quang Dân/LĐ

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN