7 tháng đầu năm thu hút FDI hơn 10 tỷ USD, giảm 4%

Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 4,6 tỷ USD, chiếm 48,3% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Trung Quốc 990,4 triệu USD, chiếm 10,5%.

Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam (FDI) tính đến ngày 20/7/2020 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 18,8 tỷ USD, giảm 6,9% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó có 1.620 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 9,5 tỷ USD, giảm 21,5% về số dự án và tăng 14,4% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; có 619 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 4,7 tỷ USD, tăng 37,7%; có 4.459 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn đạt 4,6 tỷ USD, giảm 45,6%.

Trong tổng số lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 970 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp là 1,6 tỷ USD và 3.489 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 3 tỷ USD.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 7 tháng ước tính đạt 10,1 tỷ USD, giảm 4,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 7,2 tỷ USD, chiếm 71,1% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,5 tỷ USD, chiếm 15%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 0,7 tỷ USD, chiếm 7,1%.

7 thang dau nam thu hut FDI hon 10 ty USD, giam 4%
 

Trong 7 tháng năm 2020, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 4,3 tỷ USD, chiếm 45,7% tổng số vốn đăng ký cấp mới; ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 4 tỷ USD, chiếm 42,3%; các ngành còn lại đạt 1,2 tỷ USD, chiếm 12%.

Nếu tính cả vốn đăng ký bổ sung của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 7,7 tỷ USD, chiếm 54,4% tổng số vốn; ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 3,9 tỷ USD, chiếm 27,2%; các ngành còn lại đạt 2,6 tỷ USD, chiếm 18,4%.

Đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt hơn 1,2 tỷ USD, chiếm 26,9% tổng vốn; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt gần 1,2 tỷ USD, chiếm 25,8%; các ngành còn lại đạt 2,2 tỷ USD, chiếm 47,3%.

Trong số 65 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 7 tháng, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 4,6 tỷ USD, chiếm 48,3% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Trung Quốc 990,4 triệu USD, chiếm 10,5%.

Hàn Quốc 983,9 triệu USD, chiếm 10,4%; Đài Loan 809,2 triệu USD, chiếm 8,6%; Đặc khu hành chính Hồng Kông (TQ) 783,6 triệu USD, chiếm 8,3%; Nhật Bản 423,4 triệu USD, chiếm 4,5%; Quần đảo Virgin thuộc Anh 221 triệu USD, chiếm 2,3%.

Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 7 tháng có 80 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn đầu tư của phía Việt Nam là 206,3 triệu USD; có 17 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm đạt 46,6 triệu USD.

Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) 7 tháng đạt 252,9 triệu USD, bằng 91,2% cùng kỳ năm trước, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 178,7 triệu USD, chiếm 70,7% tổng vốn đầu tư; dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 15,9 triệu USD, chiếm 6,3%; thông tin và truyền thông đạt 15,4 triệu USD, chiếm 6,1%.

Trong 7 tháng có 24 quốc gia và vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam, trong đó Đức là nước dẫn đầu với 92,6 triệu USD, chiếm 36,6%; Myanmar 38,3 triệu USD, chiếm 15,1%; Hoa Kỳ 32,1 triệu USD, chiếm 12,7%; Singapore 28,3 triệu USD, chiếm 11,2%.

Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN