3 nhóm dinh dưỡng cần thiết cho sức khoẻ sĩ tử mùa thi

Dinh dưỡng nên đầy đủ chất cần thiết để duy trì và vận hành các tế bào thần kinh, các chất dẫn truyền thần kinh và hormon não bộ.

3 nhóm chất quan trọng cho trí não

PGS.TS.BS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TPHCM cho biết, tất cả các chất dinh dưỡng đều rất cần thiết cho phát triển thể chất và tinh thần, trong đó có phát triển não. Ví dụ, nếu suy dinh dưỡng, không ăn đủ chất đạm cũng ảnh hưởng trí thông minh.

3 nhom dinh duong can thiet cho suc khoe si tu mua thi
 Ba nhóm chất quan trọng cho trí não chúng ta cần quan tâm gồm sắt, iốt, DHA vì đó là các chất dinh dưỡng thường bị thiếu ở nhiều người, đặc biệt là trẻ trong giai đoạn bào thai và trẻ nhỏ. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, có ba nhóm chất quan trọng cho trí não chúng ta cần quan tâm gồm sắt, iốt, DHA vì đó là các chất dinh dưỡng thường bị thiếu ở nhiều người, đặc biệt là trẻ trong giai đoạn bào thai và trẻ nhỏ.

Sắt

Sắt là một thành phần thiết yếu của hemoglobin trong các tế bào hồng cầu, mang oxy đến não để đáp ứng nhu cầu năng lượng của tế bào não. Sắt cần thiết cho chức năng thần kinh bình thường. Thiếu sắt sẽ khiến cơ thể bị thiếu máu, suy nhược và khả năng chống nhiễm trùng kém.

Trong thời kỳ mang thai, thiếu sắt có thể tác động tiêu cực đến chức năng não của em bé, bao gồm khả năng xử lý xã hội và cảm xúc, kỹ năng ngôn ngữ và kỹ năng vận động tinh của trẻ.

Thực phẩm chính giàu sắt gồm thịt đỏ hay gan; các loại đậu (đậu lăng, đậu xanh…); các loại rau lá xanh; thỉnh thoảng bạn có thể ăn thêm bánh mì và ngũ cốc.

Iốt

Iốt là thành phần quan trọng cấu thành nên các hormon tuyến giáp, rất cần thiết cho sự phát triển của não và chức năng não của người trưởng thành. Thiếu iốt đáng kể sẽ gây ra suy giáp, có thể dẫn đến đần độn, làm suy giảm nghiêm trọng sự phát triển của não bộ.

Nhưng ngay cả sự thiếu hụt iốt nhẹ trong thai kỳ cũng có thể hạn chế sự phát triển não bộ của trẻ, dẫn đến trí thông minh thấp hơn và khả năng tương tác xã hội kém hơn khi trẻ lớn lên.

Thực phẩm chính giàu iốt: Hải sản, thịt, sữa, một số loại ngũ cốc.

DHA

DHA đóng vai trò quan trọng trong quá trình tạo màng bọc tế bào thần kinh. Vì vậy, chất này hỗ trợ sự phát triển của não bộ, bao gồm trí nhớ, học tập, hành vi, sửa chữa các tế bào thần kinh bị tổn thương, bảo vệ thị lực và hỗ trợ cảm xúc tích cực.

Thực phẩm chính giàu DHA là các loại cá có dầu, như cá thu, cá mòi, cá hồi, cá cơm, cá trích. Ăn ít nhất hai phần cá có dầu một tuần.

Các loại thực phẩm tốt khác... chứa ALA, tiền chất của DHA và EPA: Một số loại hạt (hạt óc chó, hạt bí ngô…); các loại rau lá xanh, như cải xoăn; tảo xoăn; dầu từ hạt lanh và hạt cải.

Về dinh dưỡng nói chung nên ăn các thực phẩm lành mạnh, đa dạng và uống nước đầy đủ; tránh các thực phẩm ảnh hưởng xấu đến cơ thể: Quá nhiều đường bột, quá nhiều chất béo, quá ngọt…

Vận động và sống tích cực

Bên cạnh dinh dưỡng, lối sống tích cực, năng vận động cũng giúp cho hệ thần kinh khỏe mạnh. Đầu tiên là vận động thể lực để giúp máu lưu thông tuần hoàn được tốt, tập trung tốt hơn.

Hai là cần phải có những liên kết xã hội, tiếp xúc với người thân trong gia đình, thầy cô, bạn bè... để có những suy nghĩ tích cực hơn, phát triển tư duy, sáng tạo.

Ba là đảm bảo giấc ngủ tốt. Sau một ngày hoạt động mệt mỏi, não cần có thời gian nghỉ ngơi để nạp lại năng lượng. Nếu chất lượng giấc ngủ bị giảm sút hoặc không ngủ đủ giấc, não bộ sẽ phải hoạt động liên tục không ngừng nghỉ.

Điều này có thể khiến trí nhớ sẽ bị giảm sút đáng kể, làm tăng tình trạng rối loạn, lo âu, cáu gắt, mệt mỏi... hay nảy sinh các vấn đề đáng lo ngại như cảm thấy chán nản trong cuộc sống. 

Trẻ nhỏ thiếu chất sắt, iốt, DHA sẽ chậm chạp, khó tiếp thu khi trưởng thành. 

Trẻ 17 - 18 tuổi và lớn hơn, các nhóm chất trên đã không còn hiệu quả đối với các hoạt động não bộ. Ở những lứa tuổi này, quan trọng vẫn là chế độ dinh dưỡng đầy đủ, đều đặn và lành mạnh.  

 >>> Mời độc giả xem thêm video Chế độ dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai trong dịch Covid-19:

(Nguồn: THĐT)

An Quý

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN