Shark Liên chia sẻ về 'di sản của doanh nhân' nhân ngày 13/10

Trên trang cá nhân của mình, Shark Liên chia sẻ nhân ngày Doanh nhân Việt Nam, 13/10: "Nếu kinh doanh chỉ quan tâm đến việc kiếm tiền thì chưa phải là kinh doanh, mà cần phải mang đến giá trị cho cộng đồng".
Năm 2004, Thủ tướng ký quyết định chọn 13/10 là ngày Doanh nhân Việt Nam. Từ đó đến nay, những giá trị do doanh nhân mang đến đã phần nào được cộng đồng công minh thừa nhận. Dù vậy, vẫn còn nhiều góc khuất đến từ định kiến. 
Tôi nhớ ngày tôi còn nhỏ, mẹ tôi làm đủ nghề để nuôi đàn con. Ngoài làm công việc của nhà nông, mẹ còn đi làm hàng xáo " nghề chuyên mua thóc về xay, giã, dần sàng thành gạo sạch rồi đem bán". Mẹ làm  đủ nghề luôn tay luôn chân, một mình làm bằng ba, bằng bằng năm người khác. Tiền mẹ kiếm được không tờ nào không đẫm mồ hôi và nước mắt. Mẹ tôi sống nghĩa tình với bà con, nhà ai khó mẹ đều giúp. Nhiều người thương, nhưng vẫn có một số người ghét, gọi mẹ là “con buôn”.
Lúc đó, tôi không hiểu được. Đi học chỉ nghe thầy cô dạy ghét người xấu, người ác, mẹ tôi buôn bán chân chính kiếm tiền nuôi con, không xấu cũng không ác, tại sao người ta lại không ưa? lại ghen tức? Lớn hơn một chút, tôi nghe về khái niệm sĩ – nông – công – thương. Trong đó “thương” là thành phần được xếp cuối, ít được coi trọng hơn ba thành phần còn lại. Lúc này tôi mới lờ mờ hiểu, người làm công việc kinh doanh vốn không nhận được ánh nhìn thiện cảm của xã hội thời bấy giờ. 
Shark Lien chia se ve 'di san cua doanh nhan' nhan ngay 13/10
 Hình ảnh của Shark Liên trên trang cá nhân.
Nhiều năm đã trôi qua. Ngày nay, cuộc sống hiện đại mở rộng góc nhìn của con người, nhân tâm vì vậy cũng cởi mở và thấu suốt hơn. Mọi người hiểu rằng dù là sĩ phu, nông dân, công nhân lao động hay thương nhân, chỉ cần làm ra giá trị phục vụ cộng đồng, hết thảy đều đáng trân trọng. Mặc dù vậy, có lẽ vì đỉnh cao đón gió, mũi thuyền đón sóng, những doanh nhân thành đạt vẫn là bia ngắm cho biết bao mũi đạn làn tên. 
Một phần lớn, tôi nghĩ đến từ định kiến. Mỗi khi miền Trung bão lũ, miền Bắc mùa màng thất bát, tôi lại thấy Facebook của nhiều doanh nhân đón làn sóng những đợt người đổ vào chất vấn vì sao không đi làm từ thiện.
Một làn sóng khác đổ vào trang của những người như tôi, mỉa mai làm từ thiện mà cập nhật liên tục quá, chắc để đánh bóng tên tuổi. Có lẽ, nhược điểm của doanh nhân chính là… làm doanh nhân. Làm hay không làm, cập nhật hay không cập nhật đều có thể trở thành lý do để người đời ném đá. Thị phi chính là hòn đá, nhưng doanh nhân không làm bằng gỗ như những tấm bia. 
Mặt khác, cá nhân tôi và nhiều anh chị em cũng gặp nhiều thành phần trục lợi. Họ sống bằng cách câu view, câu like trên những câu chuyện đơm đặt, phiến diện về những người được công chúng quan tâm – doanh nhân hay người nổi tiếng. Tôi hiểu rằng trong rừng, có cây gỗ thì cũng có dây leo. Tuy nhiên, đôi khi tôi muốn nói với các dây leo rằng: hãy tỉnh táo để biết điểm dừng. Bởi nếu vượt quá giới hạn, cây gỗ chết, dây leo cũng mất nơi bám víu. 
Từ ngày chuyển từ bục giảng sang thương trường, tôi vẫn luôn mong cộng đồng doanh nhân được nhìn nhận công minh và tạo điều kiện để vươn xanh. Dân cường – quốc phú là một cặp khái niệm mang tính nhân quả.
Một khi từng cái cây đều cứng cáp, xanh tốt, mới có thể cùng toả bóng che mát cánh rừng cho sự sống sinh sôi. Và cho đến khi một cái cây ngã xuống, nó cũng để lại di sản là lớp mùn tốt tươi cho mầm non tiếp tục đâm chồi. 
Đến tuổi này, tôi đã từ lâu không nghĩ đến việc mình kiếm được bao nhiêu, mà đã chuyển sang trăn trở có thể để lại những gì. Tôi tin rằng, di sản của những doanh nhân chân chính là động cơ phản lực đẩy cuộc sống này phi tiến. Steve Jobs mất đi để lại di sản là đế chế Apple. Thomas Edison nằm xuống nhưng những sản phẩm của ông đã thắp sáng thế giới. 20% dân số tạo ra 80% giá trị cho cuộc đời, trong đó nhiều người là doanh nhân. 
Trong hơn 30 năm lăn lộn thương trường, tôi gặp không ít người giàu. Tài sản của họ có rất nhiều số 0, nhưng con số họ đã cho đi cũng vượt mức tưởng tượng của nhiều người. 60% doanh nghiệp Việt Nam làm từ thiện không vì mục đích kinh doanh – theo nghiên cứu của Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Quỹ Châu Á (TAF), Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng (CECODES). Nhưng tôi cho rằng phải nhiều hơn. 
Khi ngồi ghế nóng của “Thương vụ bạc tỷ”, tôi cùng các “cá mập” khác đã gặp nhau ở quan điểm: Nếu kinh doanh chỉ quan tâm đến việc kiếm tiền thì chưa phải là kinh doanh, mà cần phải mang đến giá trị cho cộng đồng.
Như huyền thoại đầu tư Warren Buffet từng khẳng định: “Từ thiện cũng là một cách đầu tư, nhưng là đầu tư để thay đổi thế giới theo chiều hướng bạn ao ước.” Tôi từng đói nghèo nên tôi ao ước một thế giới không còn ai phải chạy ăn từng bữa. Tôi từng đứng trên bục giảng nên tôi ao ước các em nhỏ đều được đến trường. Tôi là doanh nhân tôi muốn xây dựng, lan toả tinh thần khởi nghiệp ( Starup) của các bạn trẻ Việt Nam. 
Chính vì vậy, mặc dù đã ở tuổi về hưu, nhìn vào những đồng sự vẫn chưa dư dả, tôi vẫn cần mẫn vận hành công ty để tiếp tục tạo điều kiện cho họ kiếm tiền. Nhìn vào những phận đời chưa lau khô nước mắt, tôi vẫn tiếp tục đi con đường hành thiện. Và tôi biết bản thân chỉ là một trong rất nhiều doanh nhân Việt Nam vẫn đang miệt mài với tâm nguyện tạo ra giá trị. Và giá trị đó, là tinh thần hành thiện, sống thiện với mọi người, di sản vô hình đó tôi nghĩ không gì so sánh được. Hạnh phúc cũng đến từ những điều tốt lành nhỏ bé đó.
Đầu tháng Bảy, tôi đọc báo cáo thị trường, Việt Nam có gần 79.700 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể. Con số cao nhất từ trước đến nay. Trong 79.700 cái tên phải rút khỏi cuộc đua có đủ từ tập đoàn lớn đến công ty nhỏ, có startup mới chập chững, lẫn các lão làng đã hoạt động lâu năm.
Số lượng lớn “người chơi” rơi rụng, nhưng cũng không khiến đường đua kinh doanh trở nên dễ thở hơn với người ở lại, khi tất cả đều đang gồng mình vã mồ hôi trong cơn ác mộng: Kế hoạch phát triển đình trệ. Các khoản công nợ khổng lồ. Áp lực đồng lương, miếng cơm cho đội ngũ lao động, cộng sự…
Nhưng không vì vậy mà các chủ doanh nghiệp thắt chặt nút hầu bao. Ở thời điểm tôi đăng bài thông báo phát động chương trình cứu trợ bà con gặp khó khăn do dịch, những doanh nghiệp chính là những cái tên đầu tiên ghi danh trở thành Nhà hảo tâm gửi nghĩa đồng bào.
Bản thân họ gánh trên vai miếng cơm manh áo của hàng trăm, hàng nghìn người lao động giữa cơn sóng dữ, nhưng họ vẫn đưa bàn tay để nắm thêm những bàn tay nữa. Từ đó, việc kinh doanh của một công ty, hay sự sống còn của một tổ chức không còn là của riêng người doanh nhân nữa, đó là sinh kế của hàng triệu gia đình khác. 
“Thành công không phải là số tiền bạn kiếm được mà là sự khác biệt bạn tạo ra cho cuộc sống của người khác.” Tôi mượn câu nói của Michelle Obama để làm động lực cho bản thân, và cũng để chúc cộng đồng doanh nhân đồng đắc thành công. Thành công theo định nghĩa này, cũng chính là để lại cho cuộc đời di sản. 
Một chút tản mạn ngày Doanh nhân Việt Nam - Chúc đại gia đình doanh nhân Việt Nam thành công, hạnh phúc và nhiều may mắn.
Shark Liên

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN