Những thăng trầm của các tỷ phú 'sinh ra' từ đại dịch COVID

Nhiều tỷ phú thế giới giàu lên nhanh chóng trong thời kỳ cao điểm của đại dịch COVID-19, song một vài người sau đó cũng tụt dốc nhanh chóng y như lúc họ xuất hiện.

Thực sự đã có một thời gian không ai là không mặc quần thể thao trong các cuộc gọi qua Zoom với khách hàng, hay thậm chí mơ về việc mua một chiếc BMW đã qua sử dụng trên Carvana.com, hay phải nhớ mình đã tiêm mũi vắc-xin nào trước, Pfizer hay Moderna.

Trong vòng chưa đầy 3 năm, đại dịch CVOID-19 đã thay đổi mọi thứ từ cách chúng ta sống, làm việc, giải trí đến giáo dục con cái. Và cũng hoá ra, khối tài sản kếch xù xuất hiện trong đại dịch COVID-19 được tạo ra cũng như mất đi nhanh hơn bất kỳ ai có thể tưởng tượng.

Việc tung ra vắc-xin COVID-19 đã đẩy giá cổ phiếu của Moderna Inc. tăng gần 2.400%, giúp giá trị tài sản ròng của nhà khoa học Stephane Bancel tăng lên 15 tỷ USD. Eric Yuan, người quyết định rời bỏ Trung Quốc sang Mỹ nhưng bị từ chối thị thực 8 lần trước khi được chấp thuận, chứng kiến tài sản ròng tăng lên 29 tỷ USD khi Zoom trở thành công cụ hội nghị truyền hình phổ biến trên thế giới. Và bộ đôi cha con đứng sau công ty bán ô tô đã qua sử dụng trực tuyến Carvana Co. đã tích lũy được khối tài sản 32 tỷ USD ở thời kỳ đỉnh cao.

Tất cả họ đều nằm trong một câu lạc bộ đặc biệt gồm 58 tỷ phú, những người có khối tài sản nhân lên với tốc độ chóng mặt nhờ những thay đổi do đại dịch COVID-19 và nguồn tín dụng lãi suất thấp mang lại, nhưng cũng giảm nhanh với tốc độ không ngờ.

Diễn biến tăng và giảm trong tài sản ròng của họ rõ nét hơn so với 131 tỷ phú khác mà Bloomberg Billionaires Index theo dõi. 131 tỷ phú này là những người có giá trị tài sản ròng tăng hơn gấp đôi nhưng không phụ thuộc vào việc dịch COVID-19 thay đổi cuộc sống của nhân loại toàn cầu.

Nhung thang tram cua cac ty phu 'sinh ra' tu dai dich COVID

58 tỷ phú này được xem là những tượng đài cho thời kỳ tài chính kỳ lạ vừa qua – thời kỳ vừa tạo ra vận may đặc biệt cho một vài người, lại vừa đẩy nhiều người vào cảnh nghèo đói cùng cực.

Đối với Kim Forrest, nhà sáng lập công ty đầu tư Bokeh Capital Partners ở Pittsburgh, sự hưng phấn liên quan đến các doanh nghiệp hưởng lợi từ quy định ở nhà trong dịch COVID-19 giống như những gì đã xảy ra trong thời kỳ bong bóng công nghệ vào hai thập kỷ trước, khi dòng tiền đổ vào gần như mọi thứ có từ dot-com trong tên của nó.

Nhóm 58 tỷ phú Covid này khác với những tỷ phú còn lại, mà nhiều người trong số đó lại hưởng lợi từ các gói hỗ trợ tài chính và lãi suất thấp kỷ lục. Đó là Elon Musk của Tesla Inc. - một tỷ phú đã trở thành người giàu nhất thế giới, hay Masayoshi Son của Softbank – người sử dụng đòn bẩy lớn để đặt cược vào lĩnh vực công nghệ, hay Sam Bankman-Fried – ông trùm tiền kỹ thuật số ở độ tuổi 30 và là người tạo nên đà tăng cho mọi đồng tiền ảo, từ Bitcoin tới Bored Apes.

Tuy nhiên, không ai trong những doanh nhân siêu giàu này cho thấy họ miễn nhiễm với làn sóng tăng lãi suất đang diễn ra trên khắp thế giới với mục đích kiềm chế lạm phát lan rộng. Chỉ số MSCI All-Country World Index giảm khoảng 25% kể từ đầu năm 2022 đến nay.

Tuy nhiên, những tỷ phú mới với khối tài sản kếch xù có liên quan chặt chẽ đến đại dịch COVID-19 lại sụp đổ với tốc độ chóng mặt, ngang với thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và Đại suy thoái.

Nhung thang tram cua cac ty phu 'sinh ra' tu dai dich COVID-Hinh-2

Moderna: Ông Bancel sinh ra ở Pháp. Khi đại dịch COVID-19 bùng phát, ông chỉ là một nhà khoa học kiêm nhà đầu tư đang vất vả làm việc trong phòng thí nghiệm ở Cambridge, Massachusetts. Sự xuất hiện của COVID-19 đã thay đổi cuộc đời cũng như công ty nghiên cứu công nghệ sinh học của ông, Moderna. Người đàn ông 50 tuổi này trở thành tỷ phú vào đầu năm 2020 khi có tín hiệu cho thấy công nghệ vắc-xin dựa trên mRNA của ông có thể giúp chống lại COVID-19.

Đến tháng 08/2021, hàng trăm triệu người được tiêm vắc-xin do ông tạo ra và giá cổ phiếu của Moderna tăng lên mức chưa từng thấy, đẩy giá trị tài sản ròng của ông Bancel lên 15 tỷ USD. Sau đó là sự xuất hiện của biến thể Omicron với khả năng né tránh vắc-xin.

Chủ nghĩa hoài nghi về chiến dịch tiêm chủng lâu nay vẫn tồn tại cùng với nhu cầu tiêm thuốc giảm dần khiến giá cổ phiếu của Moderna và tài sản của ông Bancel tan biến sau đó. Tháng 05/2022, ông tiết lộ kế hoạch quyên tăng hầu hết tài sản của mình.

Nhung thang tram cua cac ty phu 'sinh ra' tu dai dich COVID-Hinh-3

Eric Yuan: Yuan thành lập Zoom vào năm 2011, một phần vì anh gặp khó khi phải đi lại liên tục 10 tiếng đồng hồ để gặp bạn gái – hiện là vợ - khi họ còn là sinh viên. Zoom ghi nhận mức tăng trưởng ổn định trước đại dịch với định giá đạt 1 tỷ USD vào năm 2017. Tuy nhiên, phần mềm hội nghị truyền hình này trở thành cơ sở hạ tầng quan trọng trong đại dịch COVID-19.

Khi thế giới chuyển sang sử dụng Zoom cho công việc và kết nối xã hội, tài sản của Yuan tăng lên gần 29 tỷ USD. Giờ đây, khi các nền kinh tế mở cửa trở lại và cạnh tranh gia tăng, động lực tăng trưởng không còn nên Zoom phải cắt giảm dự báo doanh thu của mình. Yuan đã quyên góp khoảng 1/3 số cổ phần của mình ở Zoom trong năm 2021 và thu về hơn 2.6 tỷ USD từ việc bán cổ phiếu Zoom kể từ đầu năm 2020.

Nhung thang tram cua cac ty phu 'sinh ra' tu dai dich COVID-Hinh-4

Forrest Li: Nhà sáng lập Sea nhanh chóng trở thành người giàu nhất Singapore vào năm ngoái, khi tài sản của ông tăng lên gần 22 tỷ USD do những người bị mắc kẹt ở nhà vì dịch COVID-19 chuyển sang mua sắm trực tuyến và chơi game.

Là một trong những ngôi sao sáng nhất châu Á khi đó, giá cổ phiếu của Sea Ltd. đã tăng 2.300% từ năm 2017 đến năm 2021, với hy vọng mở rộng các dịch vụ ra nước ngoài. Song, đà sụt giảm đã diễn ra nhanh chóng sau đó. Tin tức về việc người hậu thuẫn lớn nhất của họ, Tencent Holdings Ltd., đang bán ra một phần cổ phần khiến các nhà đầu tư giật mình. Làn sóng bán tháo ngày càng lan rộng khi Ấn Độ đột ngột cấm trò chơi di động phổ biến nhất của họ.

Giờ đây, khi người tiêu dùng quay lưng với mua sắm trực tuyến và lãi suất, lạm phát đều gia tăng, công ty phải cắt giảm nhân sự và ban lãnh đạo cao nhất phải chấp nhận giảm lương để hạn chế thua lỗ và thu hút lại các nhà đầu tư.

Nhung thang tram cua cac ty phu 'sinh ra' tu dai dich COVID-Hinh-5

Ernie Garcia: Carvana, nền tảng thương mại điện tử dành cho ô tô đã qua sử dụng, là doanh nghiệp biến động mạnh nhất trong đại dịch COVID-19. Việc đặt cược mạnh tay vào chiến lược tăng trưởng bằng mọi giá đã khiến cổ phiếu này tăng gấp 25 lần so với thời điểm niêm yết. Sau đó, loạt yếu tố bất lợi bắt đầu dồn dập đến: tâm lý hoang mang, niềm tin của người tiêu dùng suy giảm, bão tuyết, rồi nhà đầu tư chán nản với các công ty không có chiến lược lợi nhuận rõ ràng…

Giờ đây, giá cổ phiếu của Carvana đã mất tất cả lợi nhuận đạt được từ đại dịch. Garcia, người sở hữu khoảng 30% cổ phần của Carvana, có thời điểm sở hữu khối tài sản trị giá gần 22 tỷ USD. Nhưng hiện tại, tài sản của ông chỉ bằng khoảng 1/4 con số đó, mặc dù ông đã bỏ túi khoản lãi kếch xù sau khi bán số cổ phiếu trị giá hàng tỷ đôla trong đợt tăng giá.

Nhung thang tram cua cac ty phu 'sinh ra' tu dai dich COVID-Hinh-6

Bom Kim: Kim trở lại Hàn Quốc và bắt đầu xây dựng Coupang vào năm 2010 sau khi bỏ học tại Trường Kinh doanh Harvard. Thường được mệnh danh là Amazon của Hàn Quốc, công ty thương mại điện tử Coupang Inc. đã chứng khiến giá cổ phiếu tăng vọt trong lần đầu giao dịch tại New York vào năm ngoái. Khi đó, các nhà đầu tư tranh nhau mua cổ phiếu của Coupang để đón đầu xu hướng mua sắm trực tuyến bùng nổ. Tài sản ròng của Kim cũng tăng vọt lên gần 9 tỷ USD.

Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau khi IPO, công ty liên tục phải đối mặt với những lời chỉ trích từ liên đoàn lao động và khách hàng về điều kiện làm việc. Và, khi nhà đầu tư quay lưng với các công ty thương mại điện tử trên toàn cầu, làn sóng bán tháo rất tàn bạo. Người hậu thuẫn cho Coupang, SoftBank Group Corp., đã bán 50 triệu cổ phiếu của công ty này vào tháng 03/2022 với giá 20.87 USD mỗi cổ phiếu, so với giá IPO là 35 USD.

Trong 58 tỷ phú COVID-19, 26 người có quốc tịch ở châu Á, 18 người đến từ Mỹ và Canada và 10 người đến từ châu Âu. Chỉ có hai người nữ, đầu tiên là Falguni Nayar – người sáng lập ra “kỳ lân” đầu tiên do phụ nữ lãnh đạo của Ấn Độ niêm yết trên sàn chứng khoán và công ty thương mại điện tử Nykaa. Người thứ hai là Denise Coates, đồng giám đốc điều hành và cổ đông lớn nhất của Bet365 Group Ltd. có trụ sở tại Vương quốc Anh.

Doanh nghiệp của họ được chia thành 7 nhóm, gồm vắc-xin, làm việc từ xa, ở nhà, thương mại điện tử, thiết bị y tế và thanh toán. Những thay đổi trong lối sống do các biện pháp hạn chế dịch COVID-19 tạo ra đóng vai trò lớn cho sự thành công của họ. Hơn một nửa tỷ phú có thói quen ở nhà, làm việc từ xa hoặc thương mại điện tử. Một phần ba có liên quan tới công ty dược phẩm và chăm sóc sức khoẻ, sản xuất mọi thứ từ vắc-xin đến máy thở.

Paige Ouimet, giáo sư tài chính tại Đại học North Carolina, cho biết: “Lợi ích kinh tế mà họ mang lại là rất lớn, đặc biệt là những người sáng chế ra vắc-xin COVID-19. Vì vậy, họ đáng lẽ nên được khen thưởng”.

Mặc dù giá trị tài sản ròng trung bình của các tỷ phú Covid vẫn tăng đáng kể so với trước khi đại dịch xảy ra, song những khoản lợi nhuận quá lớn lại không còn. Tài sản giảm đáng kể trong từng phân nhóm, mà giảm mạnh nhất là thương mại điện tử. Tài sản trong nhóm này giảm trung bình 58% so với mức đỉnh, do nhà đầu tư cũng như đầu cơ không còn nhiều hứng thú và người dân bắt đầu trở lại cuộc sống bình thường như trước đại dịch.

Nhung thang tram cua cac ty phu 'sinh ra' tu dai dich COVID-Hinh-7

Sự thăng trầm của những khối tài sản kếch xù này diễn ra trong bối cảnh triển vọng kinh tế thế giới ngày càng u ám. Trong khi đại dịch COVID-19 đẩy giá tài sản lên cao ngất ngưởng, người lao động trên toàn cầu lại rơi vào cảnh mất việc làm và nghèo khó.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, đại dịch khiến thế giới có thêm khoảng 97 triệu người có mức sống dưới 1.9 USD/ngày.

Các gói cứu trợ trong đại dịch COVID-19 không thể bù đắp được tất cả những gì họ đã mất. Và năm nay, khi thời kỳ tồi tệ nhất của Covid-19 dường như đã qua đi, những “đám mây đen” khác lại đang kéo tới: giá thực phẩm và năng lượng tăng vọt, lãi suất cao và nguy cơ suy thoái kinh tế thế giới đang rình rập.

Ngay cả ở các quốc gia giàu có, các chuyên gia cũng cảnh báo về cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt gia tăng, đồng nghĩa với việc các hộ gia đình có thu nhập thấp phải đối mặt với hai lựa chọn: hoặc cái ấm hoặc no bụng trong mùa đông này. Và ở các quốc gia nghèo hơn, đại dịch đã phá huỷ toàn bộ những nỗ lực suốt nhiều năm qua nhằm đưa hàng triệu người thoát khỏi cảnh nghèo đói. Lạm phát cao và nợ công gia tăng lại càng cản trở khả năng đảo ngược tình thế của họ, Ngân hàng Thế giới nhận định.

Nhung thang tram cua cac ty phu 'sinh ra' tu dai dich COVID-Hinh-8

Kim Dung/FILI

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN