Những con tàu dần biến mất của Trung Quốc - cơn đau đầu mới của chuỗi cung ứng toàn cầu

Những con tàu đang hoạt động trên vùng biển Trung Quốc đang biến mất khỏi các hệ thống giám sát, vô tình tạo ra “cơn đau đầu” mới đối với chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu. Sự tách mình của Trung Quốc với phần còn lại của thế giới, bên cạnh đó là sức ảnh hưởng đang ngày một sa sút trên trường quốc tế, có thể là những nguyên nhân dẫn tới tình trạng này.
Các chuyên gia phân tích cho biết họ bắt đầu nhận ra sự sụt giảm hoạt động luồng vận tải biển tính tới cuối tháng 10 khi Trung Quốc chuẩn bị áp dụng một bộ luật bảo mật dữ liệu.
Thông thường, các công ty dữ liệu hàng hải có thể giám sát các con tàu trên toàn thế giới thông qua hệ thống thu phát nhận diện tự động, hay còn gọi là AIS.
Hệ thống này cho phép các tàu gửi thông tin, ví dụ như tên gọi, vị trí, tốc độ, luồng tuyến... tới các trạm giám sát nằm dọc đường bờ biển sử dụng sóng radio tần số cao. Nếu như một tàu đi ra ngoài tầm kiểm soát của các trạm này, thông tin có thể được trao đổi thông qua vệ tinh.
Nhưng đó không phải là điều đang xảy ra tại nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, quốc gia nắm vai trò quan trọng trong hệ thống thương mại toàn cầu. Trong vòng 3 tuần qua, số lượng các tàu gửi tín hiệu từ vùng biển thuộc quốc gia này giảm gần 90%, theo dữ liệu từ VesselsValue, một nhà cung cấp dữ liệu hàng hải.
“Tín hiệu được gửi qua hệ thống AIS đang giảm mạnh tại Trung Quốc”, theo Charlotte Cook, chuyên gia phân tích thương mại tại VesselsValue.
Nhung con tau dan bien mat cua Trung Quoc - con dau dau moi cua chuoi cung ung toan cau
 Container tại cảng nước sâu Dương Sơn, Thượng Hải, Trung Quốc, hồi tháng 10. Ảnh: Getty Images.
Luật bảo mật dữ liệu mới có thể làm cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng trầm trọng hơn
Bộ Ngoại giao Trung Quốc trả lời CNN rằng các trạm kiểm soát AIS nằm dọc bờ biển Trung Quốc, vốn được xây dựng hợp pháp dưới các điều luật quốc tế, vẫn đang “hoạt động bình thường”.
Văn phòng Thông tin Quốc vụ Viện Trung Quốc không phản hồi lại câu hỏi tại sao các nhà cung cấp dữ liệu hàng hải lại không thể tiếp cận được dữ liệu từ quốc gia này.
Nhưng các chuyên gia phân tích cho biết họ đã tìm ra nguyên nhân dẫn tới thực trạng này. Đó chính là bộ luật bảo vệ thông tin cá nhân, có hiệu lực từ ngày 1/11. Bộ luật này yêu cầu các công ty xử lý dữ liệu phải nhận được sự chấp thuận của chính phủ trước khi dữ liệu được chia sẻ ra bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc - phản ánh quan ngại của Bắc Kinh rằng nhiều thông tin quan trọng có thể rơi vào tay các chính phủ nước ngoài.
Bộ luật không đề cập tới dữ liệu vận tải hàng hải. Nhưng các nhà cung cấp dữ liệu Trung Quốc có thể đang giữ thông tin như là một biện pháp đề phòng, theo Anastassis Touros, trưởng nhóm mạng lưới AIS tại Marine Traffic.
“Bất cứ khi nào có một bộ luật mới, sẽ cần thời gian để kiểm chứng xem những gì bạn làm có vi phạm hay không”, Touros chia sẻ.
Một số chuyên gia trong lĩnh vực hàng hải có được nhiều hơn những manh mối liên quan tới phạm vi ảnh hưởng của bộ luật này. Cook chia sẻ rằng các đồng nghiệp tại Trung Quốc đã tiết lộ với bà rằng các bộ tiếp sóng AIS đã bị tháo bỏ tại các trạm kiểm soát nằm dọc bờ biển quốc gia đông dân nhất thế giới kể từ đầu tháng 11, theo hướng dẫn từ cơ quan an ninh quốc gia. Những hệ thống được cho phép tiếp tục hoạt động phải được lắp đặt bởi “các bên có đủ thẩm quyền”.
Không phải tất cả dữ liệu đều bị hạn chế. Vệ tinh vẫn có thể được sử dụng để bắt tín hiệu từ những con tàu. Nhưng Touros cho biết khi một con tàu tới gần bờ, thông tin thu thập được sẽ có chất lượng kém hơn so với việc thu phát trên mặt đất.
“Chúng ta cần những trạm kiểm soát trên đất liền để có những dữ liệu chính xác hơn”, ông bổ sung.
Với việc Giáng sinh đang ngày một gần, tình trạng mất thông tin từ Trung Quốc, quốc gia sở hữu 6/10 cảng biển lớn nhất thế giới, có thể sẽ tạo ra nhiều hơn những vấn đề cho ngành vận tải toàn cầu. Các chuỗi cung ứng đã rơi vào tình trạng đứt gãy khi sự ách tắc tại các cảng biển diễn ra vô cùng nghiêm trọng, trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng hàng hóa của người dân tăng đột biến.
Các công ty vận tải biển dựa vào dữ liệu AIS để có thể dự báo hướng di chuyển của các con tàu, theo dõi các xu hướng thời vụ và cải thiện mức độ hiệu quả, theo Cook. Bà cho biết sự thiếu hụt dữ liệu “sẽ có tác động lớn lên chuỗi cung ứng hàng hóa trên toàn lãnh thổ Trung Quốc”. Quốc gia này là nhà nhập khẩu than và quặng sắt lớn trên thế giới, đồng thời cũng là một cường quốc xuất khẩu.
“Khi chúng ta bước vào giai đoạn Giáng sinh, nó sẽ có tác động lớn lên các chuỗi cung ứng, và đó là yếu tố quan trọng nhất ở thời điểm hiện tại”, theo Georgios Hatzimanolis, chiến lược gia truyền thông tại Marine Traffiic. Với việc thiếu hụt dữ liệu từ Trung Quốc, các công ty sẽ gặp khó trong việc xác định thời điểm tàu cập cảng, bốc dỡ hàng hóa và sau đó rời đi.
Chuỗi cung ứng toàn cầu đang phải đối mặt với một “áp lực rất lớn”, ông bổ sung.
Cô lập
Trung Quốc đặt ra mục tiêu tự chủ kinh tế khi phải đối mặt với không ít nguy cơ từ bên ngoài, ví dụ như lệnh cấm vận của Mỹ trên một số công nghệ chủ chốt.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã liên tục nhấn mạnh về mục tiêu tự chủ trong nhiều năm nay và trong suốt cuộc chiến tranh thương mại và công nghệ với Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump. Đó là chủ trương cốt lõi trong chiến dịch “Made in China 2025”, kế hoạch đầy tham vọng nhằm biến lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc thành một ngành kinh tế ứng dụng nhiều hơn các công nghệ hiện đại.
Một vài quan chức cấp cao của Trung Quốc gần đây nỗ lực xua đi những lo lắng từ các nhà đầu tư quốc tế rằng quốc gia này đang tự cô lập với phần còn lại của thế giới khi đặt nặng vấn đề an ninh quốc gia.
Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế Mới Bloomberg, tổ chức tại Singapore, rằng Trung Quốc sẽ “không cô lập mình với thế giới”. Phát biểu trực tuyến, ông lên tiếng kêu gọi các quốc gia hãy cùng nhau nỗ lực giữ cho các chuỗi cung ứng vận hành một cách “trơn tru và ổn định”.
Nhưng Trung Quốc lại chính là quốc gia áp dụng những chính sách mạnh tay khiến mục tiêu trên khó lòng có thể đạt được.
Ví dụ, trong suốt thời gian đại dịch bùng nổ, ông Tập liên tục nhấn mạnh vai trò của sự tự chủ, với nhiệm vụ phải tạo ra các chuỗi cung ứng “độc lập và có kiểm soát” nhằm giữ vững an ninh quốc phòng.
Quốc gia này cũng áp dụng những hạn chế đối với các công ty công nghệ muốn niêm yết cổ phiếu tại thị trường chứng khoán nước ngoài. Hội đồng an ninh mạng đã đề xuất các công ty lớn có hơn 1 triệu khách hàng cần phải nhận được sự chấp thuận từ phía các cơ quan chức năng trước khi niêm yết cổ phiếu ngoài lãnh thổ Trung Quốc. Và với bộ luật bảo mật dữ liệu mới đây, cơ quan này bày tỏ quan điểm lo ngại về việc dữ liệu nắm giữ bởi những công ty đó có thể bị khai thác bởi các chính phủ nước ngoài.
Nếu như Trung Quốc tiến quá xa trong những nỗ lực tự bảo vệ khỏi sự can thiệp của quốc tế, cái giá họ trả chắc chắn sẽ không hề rẻ.
Theo NDH

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN