Giải thưởng Đột phá được trao cho 'cha đẻ' công nghệ vắc xin COVID-19 Pfizer, Moderna

Với công lớn trong mở đường cho việc sử dụng công nghệ mRNA phát triển vắc xin ngừa COVID-19 của Hãng Pfizer/BioNTech và Moderna, nhà khoa học Katalin Karikó và Drew Weissman được vinh danh với giải thưởng Đột phá.
Hiện nay, các tập đoàn Pfizer (Mỹ), BioNTech (Đức), Moderna (Mỹ) được vinh danh là những nhà tiên phong sản xuất vắc xin COVID-19 trên thế giới. Đứng sau thành quả mang tính bước ngoặt này là 2 nhà khoa học Katalin Karikó và Drew Weissman. Mới đây, vào ngày 9/9, họ trở thành chủ nhân của giải thưởng khoa học danh giá Breakthrough (Đột phá) trị giá 3 triệu USD. Đây là giải thưởng uy tín trong lĩnh vực khoa học và toán học.
Tỷ phú Mark Zuckerberg là người đồng sáng lập và là giám đốc điều hành của Facebook cho biết: "Priscilla (vợ của ông Zuckerberg) và tôi đã đồng sáng lập giải Đột phá để tôn vinh các nhà khoa học đi đầu trong khám phá. Năm nay, tôi đặc biệt hứng thú với công trình của hai nhà khoa học Katalin Karikó và Drew Weissman đã giúp tạo ra vắc xin COVID-19".
Theo ông Zuckerberg, nghiên cứu của nhà sinh hóa gốc Hungary, Katalin Karikó, và nhà miễn dịch học người Mỹ Drew Weissman đã bắt đầu từ nhiều thập niên trước, nhằm tìm hiểu khả năng ứng dụng mRNA (RNA thông tin) trong việc tạo cơ chế phản ứng miễn dịch.
"Những nỗ lực của họ đã mở đường cho việc sử dụng mRNA trong bào chế vắc xin của Hãng Pfizer(Mỹ)/BioNTech (Đức) và Moderna (Mỹ), đồng thời mở ra tiềm năng ứng dụng mRNA trong các vắc xin và phương pháp điều trị bệnh khác về sau - bao gồm cả HIV và ung thư", tỷ phú Zuckerberg nói về những đóng góp to lớn của nhà khoa học Katalin Karikó và Drew Weissman đối với nhân loại.
Giai thuong Dot pha  duoc trao cho 'cha de' cong nghe vac xin COVID-19 Pfizer, Moderna
Hai nhà khoa học Katalin Karikó và Drew Weissman đứng sau công nghệ mRNA giúp bào chế 2 vắc xin COVID-19 của Pfizer/BioNTech và Moderna. Ảnh: THE PHILADELPHIA INQUIRER. 
Sinh năm 1955 ở Szolnok, bà Katalin Karikó theo học đại học và làm tiến sĩ chuyên ngành sinh học tại Trường đại học Szeged ở miền Nam Hungary. Sau đó, bà về làm việc tại Viện Nghiên cứu sinh học Szeged trong khoảng thời gian từ năm 1978 - 1985. Sau khi nhận quyết định thôi việc do viện có chế độ giảm cán bộ, bà cùng gia đình sang Mỹ sinh sống và tiếp tục theo đuổi ước mơ nghiên cứu khoa học.
Trải qua công tác tại một số trường đại học khác nhau, vào năm 2014, và Karikó gia nhập Công ty BioNTech của Đức với chức danh phó chủ tịch. Tại đây, nữ nhà khoa học gây tiếng vang với công trình nghiên cứu mRNA được dùng để điều chế vắc xin ngừa COVID-19. Điều đáng chú ý là công trình này của bà từng bị từ chối 20 năm trước. Không ai có thể ngờ công trình đó được bà dùng để điều chế vắc xin COVID-19 hoàn thành chỉ trong chưa đầy 8 tháng. Đây là thời gian kỷ lục bởi nhiều người phải mất tới 5 - 10 năm mới hoàn thành công trình nghiên cứu tương tự.
Tiến sĩ Drew Weissman tại Đại học Pennsylvania đã cộng tác với bà Karikó trong công cuộc phát triển vaccine COVID-19 công nghệ mRNA. Theo đó, hai người đặt nền móng cho 2 loại vắc xin thành công do Pfizer/BioNTech và Moderna sản xuất.

Mời độc giả xem video: TP.HCM tiêm vắc xin cho cả bà bầu - tiếp tục xây dựng bệnh viện dã chiến từ tuyến quận. Nguồn: VTV4.


Tâm Anh (TH)

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN