Washington nói về hình ảnh xe quân sự Mỹ bị phá hủy ở tỉnh biên giới Nga giáp Ukraine

Bộ Quốc phòng Nga gần đây công bố hình ảnh cho thấy xe bọc thép quân sự Mỹ được nhóm vũ trang từ Ukraine sử dụng để "tấn công phá hoại" ở tỉnh Belgorod của Nga, theo RT.

Các xe bọc thép quân sự Mỹ sản xuất bị phá hủy ở tỉnh Belgorod. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga.

Theo báo Nga, giới chức Mỹ đưa ra nhận định rằng, các xe quân sự Mỹ sản xuất mà nhóm vũ trang từ Ukraine sử dụng có khả năng không được Washington hoặc các đồng minh phương Tây cung cấp.

"Chúng tôi đã nhận được một số thông tin nói rằng vũ khí Mỹ cung cấp được sử dụng trong cuộc tấn công", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller nói. "Tại thời điểm hiện tại, chúng tôi nghi ngờ về tính xác thực của những thông tin như vậy".

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ nói hình ảnh xe quân sự Mỹ bị phá hủy có thể là giả. "Chúng tôi hoài nghi về tính xác thực của các bức ảnh", ông Miller nói thêm.

Theo báo Nga RT, các bức ảnh dường như cho thấy các vũ khí do Mỹ sản xuất bị vô hiệu hóa, gồm xe bọc thép Humvee và ít nhất một xe bọc thép chiến đấu MaxxPro MRAP. 

Khi được các phóng viên đặt câu hỏi rằng vì sao Mỹ không thể đưa ra tuyên bố xác thực, phát ngôn viên Miler tái khẳng định quan điểm.

"Chúng tôi không nắm được các thông tin chính xác. Chúng tôi cũng xem các bức ảnh tương tự như mọi người. Tại thời điểm này, chúng tôi nghi ngờ về tính xác thực của các hình ảnh", ông Miller nói.

Các hình ảnh xe quân sự Mỹ bị phá hủy ở tỉnh Belgorod được Bộ Quốc phòng Nga công bố, theo RT. Bộ Quốc phòng Nga cho rằng, Kiev chủ ý tấn công phá hoại sau thất bại quân sự ở thành phố Bakhmut, miền đông Ukraine.

Hôm 22/5, phát ngôn viên Miller một lần nữa khẳng định rằng Mỹ không ủng hộ hay khuyến khích Kiev tấn công các mục tiêu trong lãnh thổ Nga.

Trong khi đó, thư ký báo chí Lầu năm Góc, chuẩn tướng Patrick Ryder nói Mỹ không cho phép chuyển giao thiết bị vũ khí Mỹ sản xuất cho các lực lượng bán quân sự không thuộc quân đội Ukraine.

Ông Ryder nói giới chức Mỹ "thường xuyên liên lạc với Ukraine" để làm rõ rằng Kiev chỉ được sử dụng vũ khí Mỹ hỗ trợ cho các nhiệm vụ ở bên trong lãnh thổ.

Giống như Miller, chuẩn tướng Ryder cũng hoài nghi về tính chân thực của các bức ảnh. "Khi nhìn vào các hình ảnh như vậy, chúng tôi không biết các bức ảnh đó có thật hay không", thư ký báo chí Lầu năm Góc cho biết, theo RT.

Nhật Minh - RT

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN