Trẻ vứt đồ chơi bừa bộn, cha mẹ đừng vội dọn ngay vì những lý do này

Nhiều bậc phụ huynh luôn cảm thấy đau đầu khi nhìn thấy con mình vứt đồ chơi khắp nơi, thực ra nó lại có ý nghĩa tích cực đối với sự trưởng thành của trẻ.

Đồ chơi là một phần quan trọng trong việc hình thành các kĩ năng của con trẻ từ khi còn nhỏ, cải thiện vận động cơ thể và các hành vi khác. Chính vì vậy việc để đồ chơi lộn xộn hay còn được gọi là môi trường “đống đồ chơi” sẽ giúp trẻ dễ dàng tiếp cận đồ chơi một cách trực quan và cảm quan hơn, từ đó có tác động tích cực đến sự phát triển của trẻ.

Lợi ích của việc để đồ chơi lộn xộn

Thúc đẩy sự sáng tạo của trẻ

Các nhà tâm lý học đã từng tiến hành nghiên cứu về điều này và phát hiện ra rằng, nếu một đứa trẻ sống trong môi trường có các yếu tố phức tạp, não của trẻ sẽ được sử dụng hiệu quả hơn và trẻ sẽ tiếp tục khám phá để thỏa mãn trí tò mò của chúng về môi trường.

Điều đó có nghĩa là, mặc dù "đống đồ chơi" của trẻ có thể trông hơi lộn xộn, nhưng đối với trẻ, nó có thể kích thích hoạt động não bộ của trẻ, để bộ não của trẻ được sử dụng tốt hơn, từ đó nâng cao năng lực sáng tạo của trẻ.

Kích thích sự quan tâm của trẻ

Những đống đồ chơi trông có vẻ lộn xộn đó thực sự có thể là một "hòn đảo kho báu" trong mắt trẻ em. Đồ chơi rất quan trọng trong tâm trí của trẻ, và khi có nhiều đồ chơi được xếp chồng lên nhau, những gì trẻ sẽ nhìn nhận đó không phải là một đống đồ chơi lộn xộn.

Đó là một kho báu, sẽ kích thích rất nhiều sự quan tâm và nhiệt tình của trẻ em, đồng thời cải thiện cảm xúc tích cực. Khi sự nhiệt tình của trẻ được huy động một cách hiệu quả, trẻ sẽ tích cực hơn trong việc tự phát triển khả năng của bản thân.

Nhược điểm của việc để đồ chơi lộn xộn

Mặc dù đồ chơi mang lại nhiều lợi ích cho trẻ nhưng đồng thời cũng có một số nhược điểm.

Gây thói quen xấu ở trẻ

Nếu cha mẹ không kiểm soát tình hình và số lượng của đồ chơi, nó có thể tạo thành một môi trường lộn xộn thực sự ảnh hưởng đến sức khỏe của con trẻ. Nếu thường xuyên sống trong môi trường quá bừa bộn như vậy, trẻ có thể hình thành thói quen xấu như không thích thu dọn đồ đạc, tạo sức ì của bản thân, tính cách dần trở nên khó chịu…

Ảnh hưởng đến hình thành ý thức vệ sinh của trẻ

Đồ chơi lộn xộn sẽ tạo cho trẻ cảm giác “mất vệ sinh” về mặt thị giác, nếu trẻ nhìn thấy quá nhiều đồ chơi lộn xộn sẽ tự hạ thấp tiêu chuẩn vệ sinh của mình, từ đó ảnh hưởng đến việc hình thành ý thức vệ sinh của trẻ. Để đồ chơi quá lộn xộn lâu ngày không dọn có thể làm giảm ý thức vệ sinh của trẻ.

Hình thành suy nghĩ sai lầm trong đầu trẻ

Đồ chơi lộn xộn sẽ khiến trẻ hiểu sai, điển hình là trẻ sẽ nghĩ rằng “việc nhà thì không cần phải dọn”, và sự bừa bộn đó là trạng thái bình thường của cuộc sống hằng ngày.

Một khi nhận thức như vậy được hình thành, hậu quả thực sự rất đáng lo ngại. Chúng sẽ hình thành nhận thức rằng "môi trường sống nên lộn xộn như thế này" từ khi còn nhỏ.

Cha mẹ cần làm gì khi con để đồ chơi lộn xộn?

Không dọn hộ mà hướng dẫn con dọn

Để ngăn trẻ hình thành thói quen xấu, cha mẹ cần kiểm soát kích thước “đống đồ chơi” của con. Nếu trẻ vứt đồ chơi lung tung, tốt nhất cha mẹ nên dẫn trẻ đi thu dọn, tránh để trẻ hình thành thói quen xấu. Điều cần lưu ý ở đây là cha mẹ không nên dọn dẹp thay con, vì làm như vậy sẽ không đạt được hiệu quả giáo dục trẻ và không hình thành cho trẻ ý thức sắp xếp đồ đạc.

Cha mẹ cần chú ý hướng dẫn trẻ cách dọn dẹp, chỉ cho trẻ thấy các thao tác và mục đích của việc dọn dẹp, để trẻ dần dần hình thành thói quen tự mình dọn đồ chơi của mình. Một điểm nữa là khi trẻ đóng gói đồ đạc một cách độc lập thực sự là một hành vi rèn luyện tốt, có thể cải thiện khả năng phối hợp tay mắt, khả năng phản ứng và lập kế hoạch của trẻ.

Trau dồi nhận thức về hiệu quả của trẻ

Khi cất đồ chơi, trẻ cũng có thể phát triển ý thức hiệu quả hơn từ hành vi này. Ví dụ, trẻ sẽ hiểu rằng nếu đồ chơi được sắp xếp và đặt gọn gàng thì việc tìm sẽ thuận tiện và nhanh chóng hơn. Nếu mình sắp xếp đồ chơi gọn gàng, mình sẽ có thể tìm thấy món đồ chơi yêu thích của mình một cách nhanh hơn trong nháy mắt.

Cung cấp cho trẻ những điều kiện cần thiết để sắp xếp đồ dùng

Cha mẹ cần chuẩn bị cho trẻ hộp đựng đồ phù hợp, để trẻ có thể tự mình dọn dẹp. Nếu cha mẹ không chuẩn bị các điều kiện bảo quản cơ bản cho con mình, thì trẻ có thể không biết bắt đầu từ đâu, điều này làm giảm đáng kể hiệu quả và tác động tích cực của việc dọn dẹp.

Nếu cha mẹ chuẩn bị các hộp đựng đồ và các điều kiện phân loại khác cho con mình, chúng có thể thấy kết quả công việc mình làm sau khi dọn dẹp xong một cách rất trực quan, điều này sẽ tạo động lực hơn cho chúng và mang lại cho chúng cảm giác hoàn thành, do đó khiến chúng phấn khởi hơn, rất có lợi cho sự phát triển những thói quen tốt của trẻ em.

Khen ngợi hành vi dọn dẹp của con

Để giúp trẻ hình thành ý thức vững chắc hơn trong việc sắp xếp đồ vật, cha mẹ nên vận dụng tốt phương pháp giáo dục khuyến khích để tạo động lực. Ví dụ, khi trẻ lần đầu tiên thu dọn đồ đạc, cha mẹ có thể khen ngợi hành vi của trẻ và thưởng cho trẻ vì sự tiến bộ của trẻ.

Và nếu trẻ thu dọn đồ đạc nhanh chóng thì bố mẹ cũng có thể khen ngợi tốc độ thu dọn đồ đạc của trẻ và khiến trẻ cảm thấy tự hào. Việc cha mẹ kịp thời khẳng định hành vi tích cực của trẻ có thể khiến trẻ hứng thú hơn với việc sắp xếp mọi thứ và nhận ra rằng đây là việc nên làm.

BẢO ANH (Theo Aboluowang)

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN