Một doanh nghiệp ở Vĩnh Phúc thưởng Tết cao nhất 260 triệu đồng

Mức thưởng Tết ở doanh nghiệp này gấp tới hơn 56,5 lần so với bình quân mức thưởng chung của các doanh nghiệp tại Vĩnh Phúc.

Theo thông tin từ Sở Lao động - Thương Binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Phúc, tính đến 12/12, toàn tỉnh có 106 doanh nghiệp sử dụng hơn 51.000 lao động báo cáo về tình hình tiền lương năm 2022 và dự kiến thưởng Tết năm 2023.

Tết năm nay, mức thưởng tết bình quân ở các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc là hơn 4,6 triệu đồng/người. Trong đó 1 doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có mức thưởng cao nhất lên tới 260 triệu đồng/người. Tương đương cao gấp 56,5 lần so với mức thưởng trung bình của các doanh nghiệp trong tỉnh.

Tuy nhiên, so với mức thưởng Tết năm 2022, thì mức thưởng năm nay giảm khá mạnh. Cụ thể, mức thưởng cho người lao động bình quân Tết Nhâm Dần 2022 của các doanh nghiệp trên địa bàn Vĩnh Phúc là trên 6,2 triệu đồng/người. Doanh nghiệp FDI có mức thưởng tết cao nhất dịp Tết Nhâm Dần lên đến 342 triệu đồng/người.  

Mức thưởng Tết cao nhất của doanh nghiệp tại Vĩnh Phúc lên tới 260 triệu đồng

Cũng trong dịp Tết Nguyên đán năm nay, phần lớn các doanh nghiệp dự kiến tặng quà Tết cho người lao động có giá trị 200.000 - 1.000.000 đồng/suất và tổ chức tiệc tất niên vào ngày thích hợp ở dịp cuối năm.

Một số doanh nghiệp dự kiến tổ chức khen thưởng lao động có nhiều thành tích trong lao động sản xuất, hỗ trợ một phần kinh phí hoặc bố trí ô tô đưa lao động ở xa về quê đón Tết.

Theo báo cáo của các doanh nghiệp, tiền lương doanh nghiệp thực trả năm 2022 trung bình đạt hơn 10,2 triệu đồng/người/tháng; thấp nhất là hơn 3,6 triệu đồng/người/tháng.

Bên cạnh những doanh nghiệp nỗ lực tạo việc làm, trả lương đầy đủ cho người lao động vẫn còn một doanh nghiệp đang nợ lương của 160 người lao động với số tiền 2,2 tỷ đồng. Hiện nay, cơ quan quản lý đang tích cực phối hợp với doanh nghiệp tổ chức đàm phán giữa các bên nhằm tháo gỡ, thanh toán tiền lương cho người lao động trước Tết Nguyên đán 2023.

Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện có trên 7.900 doanh nghiệp đang hoạt động, gồm 8 doanh nghiệp nhà nước, gần 7.500 doanh nghiệp ngoài nhà nước và 413 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Có khoảng 76% doanh nghiệp sử dụng dưới 10 lao động.  

Trước đó, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội vừa có văn bản yêu cầu lãnh đạo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội các tỉnh phải báo cáo tình hình tiền lương và thưởng Tết của doanh nghiệp đối với người lao động trước ngày 25/12.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội giao lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ động phối hợp với ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, Liên đoàn Lao động cấp tỉnh và các đơn vị liên quan, nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp gặp khó khăn khi bị cắt đơn hàng, giảm việc làm của người lao động.

Từ tình hình thực tế, các đơn vị có giải pháp phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; thực hiện tốt các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy phục hồi, phát triển thị trường lao động.

Nam Anh

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN