Mèo trong văn hóa Việt: Vì sao gần gũi nhưng lại ít tính linh thiêng?

Hình tượng con mèo trong văn hóa Việt rất gần gũi, phong phú nhưng không giàu tính thiêng như rồng, phượng, hổ, ngựa, chó...

Mèo trong văn hoá thế giới

Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ – nguyên giảng viên Khoa Ngữ Văn, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, con mèo trong biểu tượng của văn hóa thế giới có sự phức tạp và phong phú. Nó không thuần nhất, mà chao đảo giữa xu hướng tốt lành và độc ác.

Ví như trong văn hóa Nhật Bản, mèo được coi là con vật báo điều dữ, có khả năng giết chết và nhập hồn vào những người đàn bà; mặt khác, nó cũng được coi là loài vật hiền lành và được dùng làm vật trang trí.

Ở Campuchia, người ta có tục nhốt mèo vào lồng rồi vừa đi vừa hát để cầu mưa, người ta cho rằng, khi mèo bị tưới nước, tiếng kêu của nó làm động lòng thần Indra để thần ban mưa xuống, làm phì nhiêu đất đai.

Ở Trung hoa cổ đại, mèo lại được coi là con vật báo điềm lành. Trong các lễ hội nông nghiệp, người ta có những vũ đạo mô phỏng động tác của mèo để cầu mùa màng bội thu.

Đối với người Ai cập cổ đại, mèo biểu trưng cho sức mạnh và sự khéo léo, thuộc giống mèo của nữ thần giám hộ phục vụ con người, giúp con người chiến thắng những kẻ thù ẩn nấp trong bóng tối hoặc bụi rậm.

Trong văn hóa Phật giáo, mèo biểu lộ những ý nghĩa khác nhau. Mèo cùng với rắn bị coi là con vật vô cảm, không mảy may xúc cảm trước sự từ trần của Đức Phật. Nhưng mèo lại được coi như là một biểu hiện của trí anh minh siêu việt, của tuệ giác, mục đích cao nhất của tu hạnh.

Mèo được sáng tạo để trở thành bản sắc văn hóa Việt Nam

Đối với văn hóa Việt, theo ông Vĩ, hình ảnh mèo trong tâm thức người Việt thật là gần gũi và phong phú. Tuy nhiên, nó cũng phức tạp như các nền văn hóa trên thế giới vậy.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ

Trong dân gian, con mèo gắn với một số kiêng kỵ như: khi có người mất, người ta lùng mèo để nhốt chặt lại vì tin rằng, nếu để mèo nhảy qua ngực người chết thì người đó sẽ bật ngồi dậy, cả nhà sẽ hoảng hốt, bất an. Có nhà khoa học giải thích là sự va chạm đột ngột của hai dòng điện dương (mèo sống) và âm (người chết) sẽ khiến người chết động cựa bất thường.

Hay dân gian có câu: “Mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì giàu”. Do đó, mèo đến nhà người ta kiêng giữ và nuôi vì tin rằng sẽ bị nghèo đi. Thêm nữa, ngày xưa không như ngày nay, người ta kiêng ăn thịt mèo, lại càng kiêng dùng thịt mèo để cúng giỗ, dâng lên tổ tiên, thần linh.

Ngoài ra, con mèo còn xuất hiện rất nhiều trong kho tàng thành ngữ, tục ngữ. Điều này chứng tỏ, mèo là con vật gần gũi với người Việt trong cuộc sống thường nhật. Mọi hình ảnh trực quan như động thái, tư thế, tập tính, người ta vừa miêu tả loài mèo, vừa rút ra những ý nghĩa, ẩn dụ từ đó.

Trong truyện kể dân gian, mèo cũng rất phong phú nhưng đáng chú ý là người ta khai thác các khía cạnh mâu thuẫn, sáng tạo lên các chuyện giàu ý vị ngụ ngôn như: Sự tích mèo và chuột, Mèo dạy võ cho hổ.

Hình ảnh mèo trong văn hóa Việt Nam thường cho ta những thông điệp đời thường, giản dị, mộc mạc. Mèo là “ông lớn”, bắt nạt lũ chuột đút lót như trong tranh Đông Hồ thật là hiếm hoi.

Bên cạnh đó, biểu tượng mèo Việt Nam không giàu tính thiêng như rồng, phượng, hổ, ngựa, chó...

“Mèo là một con vật hiền lành và có ích, thân thiện với con người. Mèo dung dị và thầm lặng làm mỗi “chuyên môn” của mình là đuổi chuột, bắt chuột.

Có lẽ vì quá thân quen với con người nên nên mèo không lung linh, hoành tráng như những con giống khác. Đó cũng là hy sinh thầm lặng cho cuộc đời yên lành của người dân, của chúng ta. Sự tri âm tri kỷ với số phận mèo, với hình ảnh mèo làm cho chúng ta quý trọng mèo hơn trong cuộc sống”, ông Vĩ chia sẻ.

Hà Giang

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN