Loạt ngân hàng điều chỉnh mạnh lãi suất tiết kiệm, mức lãi 9%/năm biến mất khỏi thị trường

Sau khi Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành lần thứ 3 kể từ đầu năm, hàng loạt ngân hàng cũng nhanh chóng điều chỉnh biểu lãi suất tiết kiệm với xu hướng giảm ở những kỳ hạn ngắn và dài hạn.

Theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước, từ 25/5 lãi suất tối đa mà ngân hàng áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng sẽ chính thức giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5,0%/năm. Còn lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do tổ chức tín dụng ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.

Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước công bố giảm lãi suất điều hành lần thứ 3 kể từ đầu năm, loạt ngân hàng đã điều chỉnh biểu lãi suất tiết kiệm của mình. Theo biểu lãi suất tiết kiệm mới được công bố, hầu hết các ngân hàng đều giảm 0,5 điểm % tại các kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng xuống mức trần là 5%/năm.

Từ ngày 24/5, ngân hàng SHB đã giảm 0,3-0,5 điểm % với các khoản tiền gửi kỳ hạn ngắn. Theo biểu lãi suất mới, khách hàng sẽ hưởng lãi suất 0,5%/năm với tiền gửi không kỳ hạn và 4,6%; 4,7%; 4,8%, 4,9%/năm với các khoản tiền gửi 1-4 tháng. Tại mốc gửi 5 tháng, SHB đưa ra mức lãi suất kịch trần theo quyết định mới của NHNN ở 5%/năm. Với hình thức gửi online, nhà băng này áp dụng đồng bộ mức lãi suất 5%/năm với các khoản tiền gửi 1-5 tháng.

Từ ngày 25/5, ngân hàng ABBank niêm yết lãi tiết kiệm cao nhất chỉ còn 8,5%/năm

Ngân hàng HDBank cũng giảm 0,5 điểm % lãi suất với tất cả kỳ hạn gửi dưới 6 tháng trên cả kênh quầy và online. Các khoản tiền gửi kỳ hạn 1-5 tháng của nhà băng này trước đây được áp dụng ở mức 5,4%/năm với hình thức trả lãi trước và 5,5%/năm với hình thức trả lãi cuối kỳ, đến nay đã giảm còn 4,9%/năm và 5%/năm.

Tương tự, LPBank cũng đã công bố biểu lãi suất huy động khách hàng cá nhân với mức lãi tối đa áp dụng cho kỳ hạn dưới 6 tháng là 5%/năm, áp dụng với cả kênh quầy và online. Trong đó, các khoản tiền gửi kỳ hạn 1-3 tháng đã được điều chỉnh lãi suất từ 5,3%/năm về 4,8%/năm; tiền gửi 4-5 tháng giảm từ 5,5%/năm về 5%/năm. 

Thậm chí nhiều ngân hàng còn giảm lãi suất cao nhất dành cho kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng xuống còn 4,5 – 4,8 điểm % như Ngân hàng Bản Việt, SeABank, TPBank.

Đặc biệt, dù đã niêm yết dưới mức trần 5%, các ngân hàng khối quốc doanh vẫn tiếp tục giảm thêm 0,5 điểm % lãi suất huy động áp dụng cho các kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng xuống còn 4,1 – 4,6%/năm.

Thậm chí một số ngân hàng cũng giảm thêm lãi suất huy động tại các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.

Theo đó, Bao Viet Bank giảm 0,3 - 0,6 điểm % tại các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Tại các kỳ hạn này, Ngân hàng Bắc Á cũng giảm 0,4 - 0,5 điểm % từ ngày 25/5.

Từng có giai đoạn là ngân hàng duy trì biểu lãi suất tiết kiệm cao nhưng Techcombank cũng đã giảm 0,4 điểm % tại các kỳ hạn dài, đưa mức lãi suất cao nhất về còn 7,2%/năm áp dụng cho khách hàng VIP1, với số tiền gửi tối thiểu 3 tỷ tại các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.

Ngân hàng BIDV cũng giảm 0,3 – 0,4 điểm % đối với các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên theo hình thức gửi tiền tại quầy. Với mức điều chỉnh này, BIDV trở thành ngân hàng có lãi suất huy động thấp nhất hệ thống, với chỉ 6,8%/năm áp dụng cho các kỳ hạn 12 tháng trở lên.

Mức lãi tiết kiệm 9%/năm đã hoàn toàn biến mất khỏi thị trường khi ngân hàng An Bình cũng đã giảm mạnh lãi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng trở lên. Trong đó, kỳ hạn 12 tháng khách hàng hưởng lãi 8,3%/năm, với kỳ hạn 18 đến 60 tháng, khách hàng chỉ còn hưởng lãi 8,5%/năm tương đương mức giảm tới 0,7%/năm trước kỳ điều chỉnh này.

Dù vậy, chênh lệch lãi suất giữa các ngân hàng nhỏ và ngân hàng lớn hiện nay khá đáng kể. Điển hình như tại kỳ hạn 12 tháng, lãi suất của một số ngân hàng nhỏ là 8 - 8,5%/năm, trong khi đó những ngân hàng quốc doanh và tư nhân lớn chỉ 6,8 – 7,2%/năm.

Hoàng Anh

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN