Chi vài triệu đồng khởi nghiệp, 9x Ninh Bình thu lãi 20 triệu mỗi tháng

Không chỉ giúp cho gia đình có thu nhập ổn định gần 20 triệu đồng mỗi tháng, mô hình của chàng trai 9x Ninh Bình này đang là địa điểm thân thuộc để người dân trong vùng đến tham quan học hỏi kinh nghiệm.

Anh Nguyễn Đức Thuần (sinh năm 1990, thôn Áng Sơn, xã Ninh Hòa, huyện Hoa Lư, Ninh Bình) xây dựng mô hình nuôi con cà cuống từ đầu năm 2022 trên diện tích gần 100m2.

Kể về lí do khởi nghiệp, anh Thuần cho biết, do môi trường sống có nhiều thay đổi, con cà cuống hoang dã cũng dần biến mất trong tự nhiên. Trong khi giá trị dinh dưỡng và nhu cầu tiêu thụ của thị trường lớn, cùng chi phí đầu tư ban đầu chỉ từ vài triệu đồng nên phù hợp với người bắt đầu khởi nghiệp với số vốn nhỏ.

Anh Nguyễn Đức Thuần bắt đầu nuôi cà cuống từ cuối năm 2021

Trước khi nuôi, anh cũng tự tìm hiểu qua mạng xã hội, các nhóm nuôi cà cuống trên cả nước, học hỏi từ chính bạn bè từng nuôi để trau dồi kinh nghiệm và có thể hạn chế tối đa rủi ro.

"Khi mới bắt đầu, tôi chỉ dám nuôi 10 cặp con cà cuống giống, vì chưa hiểu rõ tập tính, cách chăm sóc nên thời gian đầu tôi nuôi và nhân giống cà cuống bị thất bại. Sau thất bại đó, tôi đã tìm hiểu cà cuống chết là do thiếu thức ăn, nguồn nước cấp vào bể không đảm bảo", anh Thuần cho biết.

Chia sẻ về kinh nghiệm, anh Thuần cho biết, khi bắt đầu nuôi thử, người nuôi chưa cần đầu tư bể ngay mà có thể tận dụng từ thùng xốp, nuôi trong bạt để tiết kiệm chi phí.

Hiện, anhThuần đang nuôi cà cuống ngoài vườn, phía trên lợp tôn, phía dưới đổ bê tông và các bể nuôi được xây bằng gạch, diện tích mỗi bể rộng khoảng 2 m2, xây cao 40-60cm. Mực nước trong bể nuôi cà cuống cao khoảng 10-15 cm, bình quân nuôi từ 25-30 con/m2, phía trên có thể thả cây bèo tây (lục bình) hoặc để các giá thể khác giúp cà cuống bám vào.

Quan trọng nhất đối với việc nuôi cà cuống là kiểm soát nguồn nước luôn sạch, tránh xa hoàn toàn thuốc trừ sâu để đảm bảo độ thoáng mát. Cà cuống chủ yếu ăn vào ban đêm, thức ăn là các loại động vật nhỏ như: Tôm, cá nhỏ, cào cào, châu chấu, dế, nòng nọc con,…còn tươi sống.

Ngoài ra, về kĩ thuật nuôi phải chú ý đến mật độ nuôi trong bể, tránh tình trạng cà cuống ăn thịt nhau khi đói hoặc phát triển kém trong môi trường chật hẹp. Hiện anh Thuần xây dựng 11 bể, với diện tích bể từ 2m2- 4m2, anh thả từ 50- 80 con/bể. Các bể con giống, bể nuôi thương phẩm, bể lấy trứng phân tách rõ ràng vì cà cuống cái có tập tính phá hủy trứng của con khác.

Anh Thuần cho biết cà cuống là một côn trùng có kích thước lớn nhất hiện nay, có cơ thể dẹt, màu vàng xỉn hoặc nâu đất, dài trung bình từ 7–8cm. Khi còn non, cà cuống giống như con gián, phần miệng là một ngòi nhọn hút thức ăn.

Với 200 cặp cà cuống đẻ trứng, anh có thể thu về khoảng 10 triệu đồng/tháng

Cà cuống là loài sinh sản nhanh, số lượng lớn và đẻ quanh năm, mạnh nhất là từ tháng 3 đến tháng 10 dương lịch. Loài này sinh sản nhanh, số lượng nhiều, vòng đời của mỗi cá thể khoảng hơn một năm. Trong quá trình đó, con cái đẻ được khoảng 5 lứa. Mỗi ổ trứng có giá 200.000 đồng, với 200 cặp cà cuống đẻ trứng, anh có thể thu về khoảng 10 triệu đồng/tháng.

Bên cạnh đó, anh còn cung cấp cà cuống giống, giá bán từ 200.000-250.000 đồng/cặp tùy thời điểm. Cà cuống thương phẩm nuôi khoảng 60 ngày giá từ 50.000-70.000 đồng/con. Cà cuống cái lớn gấp đôi cà cuống đực.

Con giống còn ít nên anh Thuần thường xuyên thiếu hàng để xuất ra thị trường, nhất là cà cuống thương phẩm. Thu nhập chủ yếu của anh hiện nay là từ việc bán trứng và con giống. "Sau khi trừ hết chi phí, lợi nhuận trên mỗi con cà cuống là 50%. Bình quân mỗi tháng tôi thu về khoảng 20 triệu đồng. Nếu người nuôi ở quê, gần sông nước có thể tận dụng nguồn thức ăn thì hầu như nuôi loài côn trùng này không mất chi phí." anh Thuần cho hay.

Chàng trai sinh năm 1990 cũng chia sẻ nuôi cà cuống khó nhất là quá trình ấp nở trứng và nuôi ấu trùng. “Trứng cà cuống trông giống như trứng ốc bươu vàng nhưng có màu trắng ngà. Mỗi ổ có từ vài chục đến hơn 100 trứng và được cà cuống đực ấp, khoảng 5-7 ngày sau nở ra ấu trùng, sau đó ấu trùng sẽ qua 5 lần lột xác trong 45 ngày để trở thành cà cuống trưởng thành".

"Số lượng trứng cà cuống tuy nhiều nhưng ấp không đúng kỹ thuật trứng sẽ hỏng. Đối với ấu trùng cũng cần chú trọng hơn về nguồn nước, chế độ tức ăn phù hợp. Để đảm bảo nguồn nước sạch, tôi phải đầu tư hệ thống lọc tuần hoàn, thay nước 2- 3 ngày/lần", anh Thuần bật mí.

Sau khi trừ chi phí, anh Thuần thu lãi từ việc bán trứng, con giống,…gần 20 triệu đồng/tháng

Hiện nay, cà cuống được rất nhiều khách hàng ưa chuộng bởi thịt và trứng chứa nhiều protein, lipid và các vitamin. Ngoài tự nhiên, cà cuống không còn nhiều nên giá bán cà cuống nuôi rất cao. Nhiều nơi cà cuống trở thành đặc sản có giá cả đắt đỏ.

Đặc biệt, giá trị nhất của cà cuống là phần túi tinh dầu ngay bụng của cà cuống đực. Tinh dầu cà cuống nhẹ hơn nước, thoang thoảng mùi đặc biệt giống như mùi quế. Hương vị khi nướng cà cuống thơm lừng cũng xuất phát từ túi tinh dầu này. Đó là lí do cà cuống đực tuy nhỏ hơn nhưng giá bán thường cao gấp đôi con cái.

Sau những thành công bước đầu, anh Thuần có dự định mở rộng diện tích các bể, nhân đàn lên gấp đôi và mong muốn trong tương lai, ngoài bán cà cuống giống, thịt, anh sẽ phát triển được giá trị từ tinh dầu cà cuống, chế biến nước mắm để đa dạng hóa sản phẩm từ cà cuống, tăng giá trị và có đầu ra ổn định hơn.

Nam Anh

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN