Báo Mỹ: EU âm thầm chuẩn bị cho khả năng ông Biden không tái đắc cử Tổng thống

Vẫn còn hơn một năm nữa cuộc bầu cử tổng thống Mỹ mới diễn ra, nhưng nhưng ở trung tâm của Liên minh châu Âu (EU), giới chức EU đã bắt đầu có những động thái chuẩn bị cho một sự thay đổi ở Nhà Trắng.

Tổng thống Mỹ Joe Biden trong một cuộc gặp với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen.

"Có sự hợp tác và phối hợp chặt chẽ chưa từng có giữa EU và chính quyền hiện tại ở Mỹ. Mối quan hệ hợp tác được nâng từ cấp chính thức lên cấp cao nhất", một quan chức EU giấu tên nói trên tờ CNBC của Mỹ.

"EU biết rằng mức độ hợp tác sâu rộng này không phải là mãi mãi. Điều này có thể thay đổi nếu cựu Tổng thống Donald Trump hay ứng viên khác nắm quyền ở Nhà Trắng. EU đang cố gắng tận dụng động lực trong khoảng thời gian còn lại để thúc đẩy các vấn đề mà Mỹ và EU đều quan tâm", quan chức giấu tên nói thêm.

EU với 27 quốc gia đang trải qua giai đoạn thúc đẩy quan hệ hợp tác xuyên Đại Tây Dương một cách vượt bậc khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nắm quyền. Phong cách lãnh đạo và chính sách của ông Biden phù hợp hơn với giới lãnh đạo EU, bao gồm cách đối phó đại dịch Covid-19 và phương hướng giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Trong cuộc xung đột ở Ukraine, EU hoan nghênh sự sự hỗ trợ tài chính và quân sự to lớn của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Nhưng có khả năng những sự đồng thuận và hợp tác hiện tại giữa Mỹ và EU sẽ chấm dứt hoặc thay đổi nếu ông Biden không tái đắc cử.

Tháng trước, ông Biden đã tuyên bố tranh cử, bắt đầu chiến dịch vận động cho cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024 với mục tiêu "hoàn thành công việc".

Ông Biden gần như chắc chắn sẽ đại diện đảng Dân chủ tranh cử năm 2024, bởi các ứng viên tiềm năng khác trong đảng như thống đốc bang California Gavin Newsom, đều tuyên bố sẽ không cạnh tranh với đương kim Tổng thống.

 "Đó sẽ là mối quan hệ khó khăn", Kevin Klowden, giám đốc chiến lược toàn cầu tại Viện Milken ở Mỹ, nói trên tờ CNBC về kịch bản có một ứng viên đảng Cộng hòa lên nắm quyền. "EU có lý do để lo ngại trên nhiều lĩnh vực, bao gồm việc Mỹ giảm đáng kể mức độ hỗ trợ tài chính và quân sự cho Ukraine".

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và ứng viên tiềm năng khác của đảng Cộng hòa là thống đốc Florida Ron DeSantis, đều nêu quan điểm cho rằng Mỹ đang hỗ trợ quá mức cho Ukraine, so với những đóng góp của EU, cũng như nước Mỹ cần tập trung hơn cho các vấn đề đối nội, theo CNBC.

"Mối quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương vẫn rất cần thiết đối với EU", một nhà ngoại giao châu Âu giấu tên nói trên CNBC. Quan chức EU thừa nhận, mối quan hệ này có thể hơi khác trong tương lai vì châu Âu đang hướng tới mục tiêu tự chủ hơn, ít phụ thuộc vào quan hệ hợp tác với Mỹ hay Trung Quốc.

"EU đang phát triển con đường riêng, hướng tới quyền tự chủ chiến lược. Điều đó không có nghĩa là EU quay lưng với đồng minh. Mục tiêu của EU là trở nên mạnh mẽ hơn để có thể đưa ra lựa chọn riêng", nhà ngoại giao giấu tên của EU nói, cho biết chiến lược này sẽ tiếp tục bất kể ai sẽ nắm quyền ở Nhà Trắng.

Nhìn chung, châu Âu hiểu rằng, tổng thống Mỹ tiếp theo dù là ai thì cũng sẽ có xu hướng nghĩ đến lợi ích của Mỹ nhiều hơn, và quan điểm này có thể mâu thuẫn với EU.

Thực tế là dù ông Biden xây dựng mối quan hệ gắn bó giữa Mỹ và EU, hai bên  vẫn có bất đồng. Ông Biden từng khiến EU "đứng ngồi không yên" khi thông qua đạo luật giảm lạm phát (IRA), thúc đẩy người dân Mỹ lựa chọn mặt hàng thân thiện với môi trường và sản xuất tại Mỹ.

Giới chức EU lo ngại IRA sẽ gây bất lợi cho ngành công nghiệp châu Âu, đặc biệt là các công ty sản xuất ô tô điện.

Trong khi đó, hơn 400 triệu cử tri châu Âu dự kiến sẽ bầu Nghị viện Liên minh châu Âu nhiệm kỳ 5 năm tới trong cuộc bầu cử diễn ra từ ngày 6 - 9/6/2024.

Cuộc bầu cử tại 27 nước thành viên EU sẽ quyết định thành phần của nghị viện gồm khoảng 700 ghế, với nhiệm vụ chính là giám sát lập pháp châu Âu.

Giới chức EU còn thời gian từ nay đến cuối năm để thông qua các chính sách. Từ tháng 1/2024, các nhà lập pháp EU sẽ tập trung cho chiến dịch tranh cử, theo CNBC.

Nhật Minh - CNBC

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN