5 dấu hiệu cho thấy con bạn đang được quá chiều chuộng và đây là cách để cải thiện tình trạng này

Nhiều cha mẹ thường có tâm lý không muốn con mình buồn bực, chán ghét nên cố gắng đáp ứng mọi đòi hỏi của con.

Trên thực tế, việc nuông chiều con cái là một việc làm cần thiết trong quá trình giáo dục con. Tuy nhiên, về lâu về dài nếu chiều con quá mức sẽ rất gây hại cho trẻ nhỏ. Nó làm giảm cơ hội phát triển của chính đứa trẻ đó. Hãy nhận ra những dấu hiệu cho thấy bạn đang quá nuông chiều con, những dấu hiệu đó bao gồm:

- Luôn nói “không” với cha mẹ: Con bạn chỉ muốn lấy mọi thứ chúng thích và làm mọi thứ theo cách của chúng. Thực tế, chúng luôn nói không với cha mẹ khi không đạt được điều mình mong muốn.

- Thích nhận lại hơn là cho đi: Những đứa trẻ này không đánh giá cao mọi thứ cha mẹ làm cho chúng. Chúng hiếm khi nói “làm ơn” hay “cảm ơn” mà thay vào đó sử dụng những từ như “cho con”, “của con”…

- Yêu cầu để có được mọi thứ mình muốn: Những đứa trẻ này muốn chúng là ưu tiên hàng đầu của cha mẹ và cha mẹ phải làm mọi thứ để đáp ứng nhu cầu này.

- Chỉ nghĩ đến bản thân: Chúng cảm thấy mình là đối tượng được chăm sóc đặc biệt. Nếu một đứa trẻ  trong lớp có đồ vật, đồ chơi thú vị ngay lập tức chúng sẽ ghen tị và nghĩ rằng: “Mình cũng phải có nó”.

- Không bao giờ hài lòng với những gì mình có: Chúng đã quen với việc có tất cả các đồ chơi mình mong muốn và không bao giờ cảm thấy đủ.

Làm cách nào để cải thiện tình trạng này?

Đừng cảm thấy tội lỗi khi nói “không” với con

Các bậc cha mẹ thường cho rằng, việc nói "không" với con cái sẽ làm giảm lòng tự trọng của chúng. Nhưng nghiên cứu cho thấy những đứa trẻ lớn lên trong khuôn khổ kỷ luật và dạy dỗ nghiêm khắc sẽ có lòng tự trọng cao hơn và đồng cảm hơn với người khác. Khi bạn nói “không” với trẻ, đồng thời hãy đưa ra một lý do ngắn gọn để giúp trẻ hiểu tại sao. Ví dụ: "Làm bài tập về nhà trước khi chơi trò chơi” hay “Không ăn kem vì con đang bị ho”…

Khen con làm đúng

Đứa trẻ nào cũng thích được khen ngợi, hãy thử khen ngợi chúng khi chúng đang làm điều gì đó cho người khác hoặc với người khác. Nói điều gì đó như: "Con và các bạn cùng lớp đã làm rất tốt trong dự án hội chợ khoa học đó." Hoặc "Con thật chu đáo khi tặng những bộ LEGO cũ của mình cho các bạn học sinh nghèo. Cha mẹ  rất vui vì con có một trái tim nhân hậu."

Làm như vậy cha mẹ sẽ củng cố cho con tầm quan trọng của việc quan tâm đến người khác. Vì vậy, thay vì hỏi, "Con đạt điểm như thế nào trong bài kiểm tra chính tả?", hãy hỏi con bạn, "Hãy kể cho mẹ nghe về một điều tốt đẹp mà con đã làm cho ai đó hôm nay."

Học cách biết ơn

Học cách biết ơn có thể giúp trẻ cảm thấy hạnh phúc hơn và đối phó tốt hơn với nghịch cảnh, tăng sự hài lòng trong cuộc sống. Thường xuyên có những hành động bày tỏ lòng biết ơn với con cái của bạn. Trẻ nhỏ hơn có thể vẽ những gì chúng biết ơn và trẻ lớn hơn có thể viết lòng biết ơn của chúng vào nhật ký.

Kéo dài thời gian chờ đợi

Nghiên cứu cho thấy rằng khả năng tạm dừng, chờ đợi và trì hoãn mong muốn có mối tương quan cao với thành công trong học tập và tài chính trong tương lai. Nếu bạn đang nói chuyện điện thoại và con bạn muốn bạn chú ý, hãy ra hiệu cho chúng: "Để sau!" Nếu con gái bạn muốn mua chiếc áo len đó ngay bây giờ nhưng số tiền tiết kiệm của con không đủ, hãy nói với con rằng "Lần sau nhé!"…

Chỉ ra hành vi thiếu suy nghĩ của con

Bất cứ khi nào con bạn làm bất cứ điều gì thiếu suy nghĩ, hãy giúp chúng xem xét cảm xúc của người khác: "Con nghĩ bạn của con cảm thấy thế nào khi con giật kẹo từ tay bạn mà không hỏi?"

Sau đó hỏi con bạn, "Con sẽ làm gì vào lần tới để tránh những cảm giác tổn thương này?" Những câu hỏi đúng có thể giúp trẻ học được sự đồng cảm và cách hành vi hư hỏng của chúng có thể ảnh hưởng đến người khác.

Tập trung vào việc cho đi chứ không phải nhận lại.

Tìm cơ hội để con bạn làm những việc có ích cho người khác, chẳng hạn như nướng bánh quy cho em, hoặc cùng nhau xác định một hành động tử tế mang lại cho chúng điều kỳ diệu của sự cho đi, chẳng hạn như mang đồ chơi đến bệnh viện nhi đồng.

Khi nói đến quà tặng, hãy đặt giới hạn về giá của quà tặng vật chất và tuân theo chúng. Dạy con bạn cách nhận quà bằng cách diễn tập các câu trả lời lịch sự trước sự kiện. Như mỉm cười nói: "Cảm ơn! Con rất cảm kích!"

THƯƠNG HOÀI (Theo Aboluowang)

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN