Vốn âm hơn ngàn tỷ, Cadovimex còn loạt vấn đề nghiêm trọng khác

Đáng chú ý, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Cadovimex đã âm tới 1.355 tỷ đồng, khiến vốn chủ sở hữu âm nặng 1.160 tỷ đồng.
Tại báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 của CTCP Chế biến và Xuất nhập khẩu Thủy sản Cadovimex (CAD), đơn vị kiểm toán đã từ chối đưa ra ý kiến do hàng loạt vấn đề về hàng tồn kho, tiền gửi ngân hàng, phải thu khách hàng, phải trả ngắn hạn... và vốn chủ sở hữu bị âm tới 1.160 tỷ đồng...
Báo cáo kiểm toán ghi nhận, doanh thu vẫn ở mức 22,8 tỷ đồng như báo cáo tự lập. Tuy nhiên giá vốn có sự thay đổi khiến lợi nhuận gộp biến động tăng 32% sau kiểm toán, lên 7,4 tỷ đồng.
Đồng thời, chi phí tài chính dội từ 394 triệu đồng lên tới 71 tỷ đồng. Đây chính là nguyên nhân khiến Cadovimex ngậm ngùi lỗ ròng 69,5 tỷ đồng sau soát xét (báo cáo tự lập chỉ lỗ gần 5 tỷ đồng). Đây là năm thứ 6 liên tiếp Cadovimex chìm trong thua lỗ. 
Tại thời điểm cuối năm 2021, tổng tài sản của Cadovimex chỉ còn gần 21 tỷ đồng, trong đó phải thu ngắn hạn của khách hàng chiếm 176 tỷ đồng, nhưng bù lại phải dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi lên tới gần 200 tỷ đồng.
Trong cơ cấu nguồn vốn, nợ ngắn hạn lên tới 1.181 tỷ đồng, chiếm chủ yếu trong nợ phải trả (1.182 tỷ), khoản này cũng đã vượt tài sản ngắn hạn. Riêng vay nợ tài chính ngắn hạn ở mức 425 tỷ đồng.
Đáng chú ý, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Cadovimex đã âm tới 1.355 tỷ đồng, khiến vốn chủ sở hữu âm nặng 1.160 tỷ đồng.
Theo đơn vị kiểm toán, những sự kiện này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của công ty. 
Ngoài ra, đơn vị kiểm toán nêu ra loạt vấn đề trong báo cáo của Cadovimex.
Thứ nhất, kiểm toán không thực hiện được thủ tục tham gia chứng kiến kiểm kê thành phẩm và hàng gửi bán của Cadovimex với giá trị hơn 40 tỷ đồng. Trong đó công ty cũng đang trích dự phòng 100% với toàn bộ lượng hàng tồn kho này.
Thứ hai, Cadovimex chưa thu thập được các thư xác nhận với các khoản mục Tiền gửi ngân hàng số tiền 496 triệu đồng, Phải thu khách hàng số tiền 94 tỷ đồng, Trả trước người bán 14 tỷ đồng, Phải trả người bán 25 tỷ đồng, Phải thu khác 15 tỷ đồng, Vay ngắn hạn 205 tỷ đồng, Phải trả ngắn hạn khác 205 tỷ đồng... Đơn vị kiểm toán không thực hiện được các thủ tục thay thế, vì vậy kiểm toán không thể xác định được tính hiện hữu, đầy đủ của các khoản công nợ, dự phòng phải thu khó đòi, chi phí lãi vay và các khoản mục có liên quan.
Thứ ba, trong năm 2012, Cadovimex đã tiến hành thẩm định xác định lại giá trị doanh nghiệp làm tăng so với sổ sách là 111 tỷ đồng, trong đó đánh giá tăng giá trị tài sản cố định hữu hình và vô hình lần lượt là 13 tỷ và 98 tỷ đồng, đồng thời dùng nguồn vốn đó để tăng vốn góp chủ sở hữu lên 102 tỷ đồng, tăng thặng dư lên 9 tỷ đồng.
Việc Cadovimex sử dụng dịch vụ thẩm định giá độc lập để thẩm định lại giá trị tài sản doanh nghiệp và ghi nhận tăng giá trị tổng tài sản và vốn chủ sở hữu từ định giá lại này là chưa đúng theo quy định của chuẩn mực kế toán hiện hành.
Đến năm 2016, Cadovimex đã tiến hành điều chỉnh hồi tố lại toàn bộ phần giá trị tài sản tăng thêm này và ghi giảm toàn bộ vào thặng dư vốn số tiền 111 tỷ đồng làm cho thặng dư vốn âm gần 26 tỷ đồng.
Cùng với đó, đơn vị kiểm toán chưa thu thập được các hồ sơ liên quan đến đợt tăng vốn chủ sở hữu năm 2012 số tiền 120 tỷ đồng. 
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN